7 năm bền bỉ theo đuổi làm phim về trẻ đường phố

Bảo Anh (Thực hiện)
05/07/2020 - 20:43
7 năm bền bỉ theo đuổi làm phim về trẻ đường phố

Đạo diễn Trần Thanh Huy (bìa trái) chỉ đạo một cảnh quay

7 năm miệt mài theo đuổi dự án phim "Ròm", cũng có lúc Trần Thanh Huy mệt mỏi, vấp ngã. Nhưng bởi có những người bạn cùng chí hướng và có niềm tin mạnh mẽ rằng dự án sẽ thành công, đạo diễn này sẵn sàng làm bất cứ điều gì để hiện thực hoá giấc mơ.

Sau khi chính thức được phép phát hành, bộ phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy thông báo ngày khởi chiếu tại Việt Nam vào ngày 31/7 tới. Đây là bộ phim được Trần Thanh Huy phát triển từ 16h30 – phim ngắn từng đoạt giải Cánh Diều Vàng 2012 và được chiếu trong hạng mục Góc phim ngắn của LHP Cannes 2013. Trước đó, bộ phim đã giành giải thưởng New Currents - giải cao nhất tại LHP Quốc tế Busan 2019.

Đạo diễn Trần Thanh Huy chia sẻ với PNVN về hành trình 7 năm miệt mài theo đuổi đam mê với dự án phim Ròm:

Vấp ngã nhiều khi đuổi theo "Ròm"

+ Vì đâu Trần Thanh Huy lại có ý tưởng làm "Ròm"?

Ý tưởng làm bộ phim về số đề có từ lúc tôi còn đi học, khi đang phải tìm đề tài làm bài tập tốt nghiệp. Một hôm, đang đi đường thì tôi thấy những cậu bé bán giấy dò vé số và tôi chợt nghĩ sao không làm phim về đề tài này.

Thêm vào đó, tôi được sinh ra trong một gia đình lao động, ba làm nghề sửa xe, mẹ buôn bán. Sống gần gũi với những đứa trẻ đường phố, tôi hiểu được đời sống của họ. Tôi muốn làm phim dựa vào những điều gần gũi nhất với mình.

+ Bởi phim ngắn tốt nghiệp có kết quả tốt đẹp nên anh mới quyết định phát triển thành phim điện ảnh hay sao?

Ý tưởng làm phim Ròm có ngay từ đầu nhưng khi tôi làm phim ngắn tốt nghiệp cần chắt lọc, đơn giản. Trước đó, tôi tập trung khắc họa ý tưởng câu chuyện để có thể nhìn thấy tiềm năng phát triển thành phim dài.

Đạo diễn Trần Thanh Huy 7 năm theo đuổi phim về những đứa trẻ đường phố - Ảnh 1.

Một cảnh trong phim "Ròm"

Để thu thập thông tin và những câu chuyện cho phim, tôi thâm nhập vào thực tế, tiếp cận thật gần gũi với những người chơi số đề, giống như làm phim tài liệu. Tôi nhận thấy đa số người lao động nghèo đều biết tới trò may rủi này. Để có được những con số đánh đề, họ tin vào những điều vô cùng phi lý như: sự kiện, giấc mơ, tai nạn, biển số xe... Có người xem đây là một trò vui nhưng cũng có không ít người đặt cược cả gia tài vào cuộc chơi may rủi này.

+ Có điều gì đặc biệt ở "Ròm" khiến anh mất tới 7-8 năm mới hoàn thiện?

Tháng 10/2013, tôi bắt đầu mang Ròm đi giới thiệu khắp nơi nhưng bị từ chối. Rất nhiều người khuyên tôi từ bỏ dự án đó đi. Tuy nhiên, tôi quyết tâm thuyết phục và chứng minh với các nhà sản xuất, nhà đầu tư rằng đây là phim đáng bỏ tiền làm. Mãi đến tháng 6/2016, bộ phim mới chính thức được bấm máy. Tôi quay trong 89 ngày nhưng không phải liên tục. Vừa quay, vừa dựng...

+ Điều gì khó khăn nhất trên chặng đường đó và có bao giờ anh muốn bỏ cuộc?

Năm 2013, khi đi LHP Cannes về, tôi nhận thấy gánh nặng của sự tung hô, kỳ vọng quá lớn của mọi người dành cho mình. Tôi quyết tâm mình phải làm điều gì để xứng đáng với sự kỳ vọng đó. Quá trình ẩn mình làm phim tôi vấp ngã rất nhiều. Có những khi tôi rất yếu đuối nhưng may mắn ê-kíp toàn là những người bạn sẵn sàng nói tôi chưa được ở chỗ nào để tôi thay đổi. Chúng tôi xem đây là cuộc chơi của tuổi trẻ và tin nó thành công. Tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì để hoàn thành ước mơ của mình.

Trong Ròm, những thiếu niên đường phố tuy không có cuộc sống đủ đầy nhưng không hề nguội tắt ước mơ. Đối mặt với hiện thực tàn khốc, song vẫn có những đứa trẻ gắng hết sức để biến điều mình mong muốn thành sự thật giống như nhân vật chính luôn cố gắng chạy thật nhanh về phía trước, không bao giờ bỏ cuộc. Qua đó, tôi mong góp một câu chuyện kể về những đứa trẻ đường phố đầy khát khao chạm đến ước mơ.

Đạo diễn Trần Thanh Huy (bìa trái) chỉ đạo một cảnh quay

Đạo diễn Trần Thanh Huy (bìa trái) chỉ đạo một cảnh quay

Câu chuyện cổ tích của "Ròm"

+ Với phim "Ròm", có hai dấu mốc đáng nhớ là khi phim được trao thưởng tại LHP Quốc tế Busan 2019 và khi được phép phát hành tại Việt Nam. Khoảnh khắc nào khiến Huy thấy hạnh phúc hơn?

Hạnh phúc nhất không phải hai khoảnh khắc đó mà chính là lúc ở Pháp khi tôi lần đầu tiên được xem bản phim Ròm hoàn thiện sau 7 năm, cùng với nhiều nghệ sĩ Pháp. Tôi xúc động và khóc vì sung sướng. Thật may vì tôi đã hoàn thành giấc mơ, đi tới cuối con đường.

+ Lúc này, khi phim sắp công chiếu tại Việt Nam, cảm xúc của bạn thế nào? Trần Thanh Huy có lo lắng và kỳ vọng gì với "Ròm"?

Tôi đã không thỏa hiệp, dành nhiều thời gian, đầu tư hơn để có một bộ phim không hối tiếc. Câu chuyện cổ tích của Ròm, tôi và ê-kíp đã viết xong. Tôi đã cố gắng hết sức, đã làm những thứ tốt đẹp nhất cho Ròm, khen hay chê từ đây là ở phía khán giả rồi. Nhưng với điện ảnh, mỗi người có một quan điểm, cách nhìn riêng. Tôi không kỳ vọng khán giả nhìn giống như tôi. Mỗi người sẽ có trải nghiệm và cảm xúc riêng. Với tôi, Ròm đến với khán giả chính là mảnh ghép cuối trong bức tranh thực hiện ước mơ tuổi trẻ của mình.

+ Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Phim Ròm khai thác chủ đề người lao động nghèo, đặc biệt là các thiếu niên đường phố. Phim lấy bối cảnh một khu chung cư cũ đang chờ giải tỏa tại Sài Gòn. Những người dân nơi đây đều chơi số đề với hy vọng kiếm được một khoản tiền lớn để đổi đời. Ròm là tên nhân vật chính (Trần Anh Khoa đóng), cậu bé làm "cò đề" để kiếm sống qua ngày. Ròm chuyên tư vấn cho người dân những con số may mắn để họ có cơ may trúng đề. Tuy nhiên, Ròm phải cạnh tranh sống còn với Phúc, một tay "cò đề" giang hồ cùng khu. Có cuộc sống vất vả nhưng Ròm vẫn rất lạc quan. Cậu mong kiếm được nhiều tiền để đi tìm cha mẹ đã thất lạc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm