Những thói quen tốt giúp cha mẹ nuôi dạy con cái

20/03/2019 - 20:37
Ngay từ lúc con còn nhỏ, bạn hãy tập cho mình những thói quen tốt để nuôi dạy con cái thật đúng đắn và tích cực. Bởi thói quen chịu sự ảnh hưởng từ môi trường sống, có những thói quen tốt nhưng cũng có những thói quen xấu.

Để tránh những thói quen xấu ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của con bạn, cuốn sách 70 thói quen tốt trong việc nuôi dưỡng con theo phương pháp Shichida thể hiện việc nuôi dưỡng con là một quá trình luyện tập nghiêm khắc nhưng tràn đầy hạnh phúc. Dạy con dựa trên sự yêu thương và tin tưởng tuyệt đối nhưng phương pháp này đòi hỏi kỷ luật cao luyện tập bền bỉ.

Điều đầu tiên mà cuốn sách đề cập chính là cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc của cha mẹ khi dạy con. (Ảnh minh hoạ)

Sách gồm 5 phần: Dạy con biết phấn đấu, để con học giỏi, dạy con năng lực sáng tạo, dạy con tính nhẫn nại, dạy con sống có trách nhiệm và dạy con trưởng thành. Trong mỗi phần được chia ra thành những thói quen nhỏ, trình bày dễ hiểu, dẫn chứng cụ thể, ngắn gọn và thuyết phục. 

Có con là niềm vui, niềm hạnh phúc: Điều đầu tiên mà cuốn sách đề cập chính là cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc khi dạy con. Đây chính là chìa khóa mở và dẫn bạn đi trên con đường giúp con trưởng thành một cách hạnh phúc. Điều này được lý giải hết sức thuyết phục, khi bạn cảm nhận được niềm vui, sự hạnh phúc khi nuôi dạy con, chứng kiến từng cột mốc đánh dấu sự lớn lên trưởng thành của con thì chính bạn cũng khiến con cũng được thụ hưởng năng lực tích cực đó. Còn ngược lại, đứa bé sẽ cảm thấy mình là gánh nặng cho cha mẹ.

Cha rất quan trọng trong việc giúp con trưởng thành: Ý nghĩa ganh đua, chạy theo bạn bè đôi khi khiến cho đứa trẻ nảy sinh tính tiêu cực hoặc dần dần khiến đứa bé lớn lên không hiểu được đối với mình đâu là mục tiêu, hạnh phúc do nó luôn lấy người khác làm chuẩn. Ngược lại, người cha không so sánh mà giúp trẻ rèn luyện luôn phấn đấu vươn lên chiến thắng chính mình. Cho nên tốt nhất người cha hãy tham gia vào việc nuôi dạy con, giúp con hình thành nhân cách tốt.

Ranh giới giữa tôn trọng và nuông chiều: Ngoài mách nước cho cha mẹ cách xử lý tính huống, cách ứng xử với con, cuốn sách còn chỉ ra những sai lầm, thói quen xấu hoặc cách hiểu sai lệch của một số cha mẹ dẫn đến áp dụng sai lầm khiến cho con trẻ có những hành vi không đúng đắn. Ví dụ, ở thói quen 11, tác giả dẫn ra khẩu hiệu "dạy trẻ không bằng xem trọng sự tự do sáng tạo của trẻ" dần trở nên biến tướng khi các bậc phụ huynh hiểu rằng không cần phép tắc gì, coi trọng con chính là nuông chiều, con muốn làm gì thì làm và cha mẹ không bao giờ nói "không" với trẻ và cách giáo dục đó sẽ khiến ngày càng có nhiều đứa trẻ hư.

Cuốn sách còn chỉ cho bạn những cách khiến con thích đến trường tuổi mầm non bằng cách chơi cùng con

Phương pháp lắng nghe và khích lệ: Đặc biệt, cuốn sách còn chỉ cho bạn những cách khiến con thích đến trường tuổi mần non bằng cách chơi cùng con, trò chuyện và khơi gợi những ước mơ và từ đó hướng dẫn con cách thực hiện ước mơ từ việc học. Thậm chí, bạn còn được tiếp cận với phương pháp "Tiếng vọng" nhằm áp dụng cho những đứa trẻ không muốn học, phương pháp này giúp bạn lắng nghe trẻ, hiểu trẻ và khiến trẻ nhỏ cởi mở, từ đó bạn có thể khích lệ để trẻ ngày càng tích cực và cảm thấy việc học thật ra không hề nhàm chán. 

Dạy con sống có trách nhiệm từ bé: Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, đối với một đứa trẻ, việc học là quan trọng nhất, đó là việc duy nhất và họ chỉ chú trọng làm sao cho con học giỏi. Họ quên mất rằng chẩn bị hành trang cho con bước vào đời còn có một việc rất quan trọng đó là dạy con sống có trách nhiệm. Việc dạy này phải được chú ý ngay từ bé, trái ngược với phần lớn phụ huynh ở Việt Nam quan niệm rằng "cháu nó còn bé, đã biết gì đâu mà dạy!", mà sống có trách nhiệm lại là một khái niệm hết sức lớn lao làm sao trẻ nhỏ có thể lĩnh hội được.

Giáo sư Shichida cho rằng, giáo dục con sống có trách nhiệm từ những việc tưởng chừng rất nhỏ như biết dọn cất đồ chơi của chính mình, biết xếp giày dép gọn gàng khi đi bên ngoài về, thay quần áo ra không quăng bừa bãi. Dạy con là một quá trình lâu dài từ khi còn trong bụng mẹ đến lúc trưởng thành. Sẽ tốt hơn nếu cha mẹ tôn trọng con, khen và trao cho con đầy đủ tình thương" đây chính là bí quyết quan trọng nhất trong nuôi dạy con mà các bậc cha mẹ nên ghi nhớ.

Tác giả cuốn sách là Giáo sư Makoto Shichida, một nhân vật uy tín lớn và nhà giáo dục tiên phong trong lĩnh vực Giáo dục sớm ở Nhật Bản. Ông bắt đầu chuyến hành trình cuộc đời trong lĩnh vực giáo dục trẻ nhỏ vào năm 1958 khi ông thành lập trường ngoại khóa chuyên sâu dạy tiếng Anh cho trẻ em tại Nhật. Sự thành công trong công việc đầu tiên với trẻ nhỏ đã thúc đẩy ông cống hiến hơn 40 năm cho Giáo dục sớm; và đặc biệt, phát triển phương pháp giáo dục phát triển toàn diện và cân bằng não bộ ở trẻ.

Giáo sư Shichida là tác giả của hơn 160 cuốn sách và nhận được rất nhiều giải thưởng tại Nhật cũng như quốc tế cho những đóng góp của mình đối với lĩnh vực Giáo dục sớm.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm