pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những thực phẩm mà người có nang vú nên tránh
Bác sĩ Nguyễn Thu Hương (giữa), Cố vấn chuyên môn Mạng lưới Ung Thư Vú Việt Nam, trong một ca thủ thuật
Chị Nguyễn Thị A. năm nay 42 tuổi (ở Quảng Nam), gặp phải tình trạng sờ được một khối u dưới da ở phần ngực, có cảm giác căng tức ngay trước kỳ kinh nguyệt. Chị khá lo lắng và sợ rằng mình có triệu chứng của ung thư vú. Sau khi được khám, chị được chẩn đoán là có triệu chứng của nang vú.
Nang vú, hay bọc dịch, là một tình trạng phổ biến mà phụ nữ có thể gặp phải ở bất cứ độ tuổi nào, đặc biệt là độ tuổi sinh sản và trung niên. Việc phát hiện một khối nang ở vú có thể khiến phụ nữ lo lắng, dễ nhầm tưởng là ung thư vú. Thực chất, hầu hết nang ở vú không nguy hiểm, người gặp bệnh lý này cần gặp bác sĩ để có thể được chẩn đoán chính xác.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, hơn 70% phụ nữ phát triển đến các thay đổi xơ nang trong suốt cuộc đời họ, với 20% trong số này có triệu chứng của nang vú. Người có nang vú thường gặp hiện tượng như sờ được khối tròn hoặc bầu dục nhẵn dưới da, tiết dịch núm vú, đau vú hoặc nhạy cảm ở vị trí có khối nang…
Về nguồn gốc của căn bệnh này, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Hương, Cố vấn chuyên môn Mạng lưới Ung Thư Vú Việt Nam, cho biết: "Nang vú là một phần trong các bệnh lý lành tính của tuyến vú - bệnh xơ nang vú. Quá trình bệnh bao gồm tất cả những thay đổi dạng sợi và nang trong mô vú.
Hiểu một cách đơn giản, chúng hình thành như một sự sai lệch trong quá trình phát triển tự nhiên của vú, được cấu tạo bởi một khoang lót bởi lớp tế bào biểu mô chứa đầy chất lỏng bên trong, bao bọc bởi nhu mô vú xung quanh. Tổ chức liên kết xung quanh nang tăng sinh các tế bào xơ làm cho nang vú xơ cứng, hay còn được gọi là xơ nang vú".
Ngoài ra, nang vú có thể thay đổi kích thước từ nhỏ đến lớn, chỉ sờ được khi to đến mức tạo thành khối u cộm nằm sát dưới da. Số lượng nang từ đơn lẻ đến nhiều nang tùy người hoặc tùy thời điểm. Phần lớn người bệnh tự phát hiện khi nang vú căng lên như lúc nằm sấp đè lên ngực, chà xát khi tắm…
Trước chu kỳ kinh nguyệt khoảng vài ngày hoặc một tuần sẽ là khoảng thời gian người bệnh có thể cảm thấy đau ở tuyến vú có khối u.
Mặc dù là bệnh lành tính nhưng trong một số trường hợp, nang vú phát triển to, gây đau và khó chịu, có ảnh hưởng thẩm mỹ. Bị nang vú còn có thể gây khó phát hiện khối u mới ở vú hoặc những thay đổi khác mà bác sĩ có thể cần đánh giá.
Vì vậy, bên cạnh việc đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa, người có nang vú nên kiêng một số loại thực phẩm để giảm, tránh những bất tiện mà bệnh u nang mang lại.
Tiến sĩ Nguyễn Thu Hương cho biết: "Người bệnh không được khuyến khích ăn các loại nội tạng động vật hay các thực phẩm có lượng protein cao như hải sản, trứng vịt lộn… Không nên uống sữa đậu nành, sử dụng các thực phẩm chế biến từ đậu nành cung cấp nhiều estrogen - tác nhân trực tiếp khiến các tế bào xơ vú phát triển, gia tăng kích thước các khối u hiện có và phát triển thêm các khối u mới".
Kế đó, các loại thực phẩm dễ biến đổi gene như ngô, đu đủ, khoai tây, cà chua… chứa nhiều hormone tăng trưởng cũng sẽ kích thích sự phát triển của u nang. Cuối cùng là tránh thực phẩm chứa nhiều caffeine như cà phê, chocolate, nước uống tăng lực,... bởi chúng làm gia tăng cảm giác đau tức, khó chịu ở ngực của người bệnh.