Những tiếng cười xuất hiện giữa cuộc đàm phán chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

15/02/2019 - 18:13
Sau cuộc đàm phán chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày 15/2 tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, nhiều cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tiết lộ thông tin mang dấu hiệu khả quan như “Có tiếng cười phát ra từ địa điểm tổ chức” và “các nhóm đàm phán đã làm việc đến rất muộn”.

Lệnh đình chiến thương mại Mỹ - Trung tạm thời trong 90 ngày giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ đến hạn vào ngày 1/3. Nếu Washington và Bắc Kinh vẫn không thể đạt được thỏa thuận chung, Mỹ sẽ đánh thuế hàng nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc từ 10% lên 25% vào ngày 2/3.

Trước nguy cơ trên, hai bên vẫn đang nỗ lực giải quyết một loạt các vấn đề bao gồm thặng dư thương mại Trung Quốc với Mỹ; cách tiếp cận thị trường; vấn đề sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ; chính sách hỗ trợ của nhà nước; ăn cắp trên mạng và kiểm soát tiền tệ.

Lệnh đình chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ hết hạn vào ngày 1/3 nhưng đến nay hai bên vẫn chưa đạt được tiếng nói chung.

Xuất hiện động thái tích cực

Trong tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông có thể xem xét đẩy lùi thời hạn đình chiến kết thúc vào ngày 1/3/2019 thêm 60 ngày nữa để hai bên có thêm thời gian đàm phán. Nhưng ông cũng khẳng định ông và người đồng cấp Trung Quốc sẽ không gặp nhau trước ngày lệnh đình chiến hết hạn. Tất nhiên, cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình chắc chắn là cuộc gặp quan trọng nhất để hoàn tất thỏa thuận.

Về phần mình, sau các cuộc đàm phán khó khăn bắt đầu từ ngày 11/2 tại thủ đô Bắc Kinh, ngày 15/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Thủ tướng Lưu Hạc có buổi gặp một phái đoàn hàng đầu của Mỹ gồm Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.

Sau khi rời cuộc đàm phán, ông Mnuchin và ông Lighthizer từ chối đưa ra bình luận về tiến trình đàm phán.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải) cùng Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin (trái) và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer tại Nhà khách Diaoyutai ở Bắc Kinh vào ngày 15/2.

Tuy nhiên, tài khoản WeChat công khai tên Taoran Notes - tài khoản của một thành viên cao cấp của ban biên tập tại Nhật báo kinh tế nhà nước Trung Quốc - đã tiết lộ trong một bài báo vào ngày 15/2 rằng, mặc dù thông tin về các cuộc đàm phán vô cùng hạn chế, song cuộc đàm phán đã được kéo dài đến tận đêm khuya. Bài báo này sau đó đã được Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV và cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng tải lại.

Bài báo viết: “Có tiếng cười phát ra từ địa điểm tổ chức. Không khí đàm phán có vẻ khá khi mà các nhóm đàm phán từ cả hai bên làm việc muộn, trao đổi quan điểm cả đêm. Chắc chắn phải có điều gì đó thì họ mới tiếp tục thảo luận muộn đến vậy”.

Tuy nhiên, trước thông tin khả quan trên, nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán tiết lộ với tờ South China Morning Post, hai bên vẫn mâu thuẫn trong các yêu cầu lớn của Mỹ bao gồm những vấn đề về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường.

Bất chấp căng thẳng thương mại, đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc vẫn tăng 124,6% trong tháng 1, đặc biệt tăng trong ngành công nghệ cao, theo số liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố ngày 14/2.

Tương lai mù mịt

Mặc dù thời gian đình chiến thương mại không còn nhiều nhưng cơ hội để Mỹ - Trung đạt được một thỏa thuận thương mại được cho là ngày càng khó và điều này khiến thị trường toàn cầu náo loạn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phải hạ cấp dự báo tăng trưởng toàn cầu.

Theo các nhà phân tích của Ngân hàng tư nhân lớn nhất thế giới UBS, bất kể kết quả của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung là gì, Mỹ cũng có thể sẽ hạn chế Trung Quốc đầu tư vào nước này, cũng như hạn chế sự tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ và các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ. Như vậy, các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu hoạt động tại Trung Quốc và các công ty trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc sẽ vẫn phải đối mặt với những bất ổn tăng cao.

Ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể.

Trong khi đó, các chuyên gia dự đoán rất khó để Trung Quốc sẽ từ bỏ tham vọng có được công nghệ tiên tiến.

Thời gian và địa điểm cho cuộc gặp tiếp theo giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện cũng vẫn là dấu hỏi nhưng UBS cho rằng có khả năng các quan chức sẽ đạt được một số tiến bộ trong khuôn khổ rộng hơn cho thỏa thuận thương mại cuối cùng.

Hạn chót của lệnh đình chiến thương mại là ngày 1/3 nhưng UBS cho biết hiệp định có thể được gia hạn kéo dài đến tháng 3 hoặc tháng 4.

Ngoài ra, nếu đạt được thỏa thuận thương mại, hai bên sẽ có thể đồng ý về một cơ chế giám sát thường xuyên để xác minh việc thực hiện các điều khoản của thỏa thuận.

Theo UBS, ngay cả khi đến hạn 1/3, Mỹ có thể sẽ không tăng thuế với 200 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc ngay, mức thuế hiện tại có thể sẽ kéo dài thêm một thời gian hoặc thay đổi trong tháng tới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm