pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những việc cha mẹ nên làm để bảo vệ con khỏi bắt nạt ở trường học
Ảnh minh họa
Bắt nạt ở trường học là một vấn đề nhức nhối, có thể xảy ra ở bất cứ trường học nào, với bất kì học sinh nào. Nó khiến trẻ bị tổn thương về thể chất lẫn tinh thần. Thậm chí, trong nhiều trường hợp cực đoan, trẻ còn có những hành vị dại dột.
Các hình thức bắt nạt học đường cũng càng ngày càng trở nên đa dạng. Trong đó, có thể chỉ ra 6 loại bắt nạt chủ yếu bao gồm: gọi tên kiểu đe dọa, đe dọa, lan truyền tin đồn hoặc nói dối để làm cho người đó gặp rắc rối, ăn cắp tài sản hoặc tẩy chay...
Dấu hiệu khi trẻ bị bắt nạt
- Dấu hiệu cơ thể khi bị bắt nạt là trẻ bị trầy xước, bầm tím...
- Nếu không được chuẩn bị tinh thần để chống lại kẻ bắt nạt, trẻ thường có các biểu hiện tiêu cực như bỏ học, giả vờ ốm, sống thu mình. Cảm giác thiếu an toàn nghiêm trọng sẽ phá hủy môi trường và quá trình học tập, gây chia rẽ trong lớp và làm học sinh lo lắng, hạn chế sự sáng tạo của trẻ, khiến kết quả học tập giảm sút.
- Đối với những trẻ liên tiếp là nạn nhân của sự bẽ mặt, sợ hãi, lo lắng sẽ kéo theo sự suy nhược cơ thể, dần dần dẫn đến nhút nhát. Thậm chí, trẻ cảm thấy xấu hổ và coi mình là người thất bại, có khi hình thành ý nghĩ tự tử. Có trẻ khác vì cảm thấy quá uất ức và nghĩ đến cách trả thù.
Tại sao trẻ không lên tiếng khi bị bắt nạt?
Không phải đứa trẻ nào cũng chọn lên tiếng khi bị bắt nạt. Nguyên nhân có thể vì:
- Cảm thấy bất lực.
- Nghĩ rằng bản thân có thể tự xử lý.
- Không muốn bị coi là kẻ kém cỏi, chuyên đi mách lẻo
- Sợ rằng sẽ càng bị bắt nạt nhiều hơn nếu nói ra sự thật.
- Cảm thấy bẽ mặt và không muốn người lớn biết những gì con trẻ đang trải qua.
- Sợ bị người lớn đổ lỗi rằng bản thân đã làm gì sai nên mới bị bắt nạt.
- Cảm thấy bị cô lập về mặt xã hội và nghĩ rằng không ai hiểu hoặc quan tâm.
Làm cách nào để cha mẹ có thể bảo vệ con khỏi bị bắt ở trường học?
1. Luôn cởi mở
Nói chuyện với con cái ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp cha mẹ thiết lập được sự cởi mở trong khi giao tiếp với con. Khi đó, con sẽ yên tâm chia sẻ mọi vấn đề mà chúng đang mắc phải, bởi con biết cha mẹ luôn quan tâm và ủng hộ đến những gì chúng làm.
Khuyến khích con chia sẻ cởi mở về những sự kiện xảy ra với chúng trong ngày hôm nay. Hỏi con những câu hỏi mở sẽ khơi gợi những thầm kín trong lòng chúng, chẳng hạn:
- Hôm nay có điều gì tốt đẹp xảy đến với con?
- Có chuyện gì không hay xảy ra không?
- Giờ ăn trưa của con như thế nào?
- Hôm nay con đã ngồi với ai và con đã nói về điều gì với họ?
- Bạn bè đi xe buýt trường cùng con có tốt không?
- Con thích gì ở trường? Con không thích điều gì ở trường học?
Ngoài ra, cha mẹ có thể hỏi về con mình thông qua bạn bè xung quanh. Điều đó sẽ giúp cha mẹ có nhiều thông tin hơn về mối quan hệ của con với bạn bè đồng trang lứa.
Nói chuyện với con của bạn về những tác hại của việc bắt nạt ở trường học. Và hãy luôn khuyến khích chúng trả lời một cách trung thực và cho con biết phụ huynh luôn sẵn sàng trợ giúp nếu có vấn đề phát sinh.
2. Giáo dục con trẻ về việc bạo lực, bắt nạt ở trường học
Trẻ em bắt đầu học cách cư xử ngay từ khi chúng còn nhỏ bằng cách quan sát và noi theo những gì cha mẹ làm. Do đó, hãy luôn đối xử tôn trọng với mọi người từ những điều cơ bản nhất, chẳng hạn như nói “cảm ơn” và luôn tôn trọng, tử tế, thân thiện. Trẻ sẽ quan sát hành vi của cha mẹ và chọn ra những thói quen tốt này để học hỏi.
Đối với những đứa trẻ ở độ tuổi mẫu giáo hoặc nhỏ hơn, hãy giải thích rằng chúng cần đối nhân xử thế một cách chừng mực. Chúng không thể lấy đồ chơi hoặc sách của đứa trẻ khác chỉ vì chúng muốn. Ngoài ra, con cũng cần tìm hiểu tác động của điều này và nó khiến người khác cảm thấy khó chịu như thế nào.
Ngoài ra, hãy giải thích cho con rằng tôn trọng bản thân và những người khác có thể giúp chúng tạo dựng được những mối quan hệ lành mạnh. Trẻ nên lắng nghe bạn bè, không phán xét hoặc nói về họ sau lưng những đứa trẻ khác. Hãy luôn hỗ trợ bạn bè nếu có thể, tin tưởng và trung thực với họ.
3. Trang bị cho con trẻ những "công cụ" phòng chống bạo lực hữu hiệu
Trang bị cho con những "công cụ" tốt để đối phó với những kẻ bắt nạt giúp trẻ thay đổi được cán cân quyền lực. Xét cho cùng, cảm giác quyền lực mà kẻ bắt nạt có được từ hành vi sẽ đem lại cho chúng cảm giác ưu thế. Một số điều bạn có thể dạy với để hạn chế khả năng bị bắt nạt ở trường học bao gồm:
- Bỏ đi chỗ khác: Khi kẻ bắt nạt đến gần, hãy bỏ đi. Không phản ứng hoặc trả lời. Bởi lẽ, nếu bạn đáp lại những gì họ yêu cầu thì bạn có nguy cơ rất cao bị bắt nạt.
- Yêu cầu họ dừng lại: Những kẻ bắt nạt chọn những người mà họ cho là yếu đuối. Do đó, hãy dạy con trẻ rằng phải tự tin và thật mạnh mẽ để nói với kẻ bắt nạt rằng con không phải là đối tượng của sự bắt nạt. Con có thể sợ hãi, nhưng đừng để họ biết điều đó.
- Sử dụng sự hài hước để giảm bớt căng thẳng: Nếu kẻ bắt nạt nói quần áo của con là lỗi thời hoặc khuôn mặt của con xấu xí, hãy dạy chúng nhìn và cười với họ. Con có thể đồng ý, tiếp tục cười và bước đi. Thậm chí trẻ có thể cười khi nhìn thẳng vào họ và sau đó rời đi, không nói gì.
- Tránh các tình huống xấu xảy đến: Những kẻ bắt nạt có thể rất đáng sợ. Nếu con cảm thấy bị đe dọa, hãy dạy chúng tránh những nơi mà kẻ bắt nạt hay đến. Điều đó không khiến con trở nên hèn nhát, mà nó là điều thông minh con trẻ nên áp dụng.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ: Hãy dạy con trẻ rằng việc chia sẻ cảm giác của chúng sẽ khiến con cảm thấy thoải mái hơn. Nói chuyện với cha mẹ, giáo viên hoặc người lớn khác mà con tin tưởng, đặc biệt nếu hành vi bắt nạt là về thể chất.
4. Xây dựng sự tự tin
Những đứa trẻ tự tin sẽ có ít khả năng bị bắt nạt ở trường học. Do đó, cho trẻ tham gia vào các hoạt động mà chúng yêu thích cũng có thể khiến chúng trở nên tự tin hơn như: chơi nhạc cụ, nấu ăn, chơi bóng hoặc khiêu vũ...
Sau khi tham gia, con có thể kết nối được với những đứa trẻ cùng sở thích khác. Các hoạt động khác ở trường cũng có thể giúp trẻ xây dựng được tình bạn, chẳng hạn: tham gia một câu lạc bộ của trường mà họ thích, hoạt động tình nguyện, tham gia một trò chơi ở trường, hoặc chơi thể thao... Ngoài ra, có những người bạn có cùng sở thích có thể giúp ngăn chặn những kẻ bắt nạt.