pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những việc đơn giản cha mẹ có thể làm ngay khi con "nghiện" điện thoại

Nhiều bạn tuổi teen nghiện điện thoại, nghiện mạng xã hội, game online - Ảnh minh họa: Khánh Linh
Nghiện điện thoại sẽ khiến trẻ thiếu kỹ năng sống, lúng túng khi đối diện với người thật, việc thật. Mối quan hệ với cha mẹ, bạn bè, thầy cô ngày càng hời hợt hoặc đối kháng. Chuyên gia Bùi Thu Hiền - Tiến sĩ danh dự Viện Đại học kỷ lục thế giới, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ giáo dục đã trao đổi với PV Báo Phụ nữ Việt Nam về vấn đề này:
- Xin bà, điều gì khiến thế giới ảo dễ "nuốt trọn" tâm trí người trẻ như vậy?
Thế giới ảo cuốn hút không chỉ vì nó nhiều màu sắc, vui nhộn, dễ truy cập, mà vì nó đáp ứng ngay lập tức những điều mà thế giới thật đang thiếu với các em: cảm giác được lắng nghe, được công nhận, được tự do thể hiện và không bị phán xét.

Chuyên gia Bùi Thu Hiền - Tiến sĩ danh dự Viện Đại học kỷ lục thế giới, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ giáo dục
Khi một đứa trẻ bị mắng vì điểm kém, hoặc bị so sánh với bạn bè, thì chỉ cần vài cú lướt TikTok là đã có hàng loạt video khiến con cười, được "thả tim", được là chính mình mà không ai nhắc đến thành tích. Đó là lý do thế giới thật nhiều khi lạnh lùng, còn thế giới ảo thì luôn "ôm ấp" khiến con như bị cuốn vào nơi trú ẩn.
Về mặt tâm lý, mạng xã hội và game online được thiết kế như một chiếc bẫy dopamine, mỗi lượt like, mỗi chiến thắng, mỗi thông báo mới đều tạo ra cảm giác hưng phấn ngắn hạn, khiến não bộ muốn quay lại liên tục. Nó giống như ăn vặt: ăn thì vui miệng, nhưng ăn hoài sẽ hỏng cả bữa chính – là cuộc sống thật.
- Có phải việc cấm con "ôm điện thoại cả ngày" sẽ khiến tình trạng tồi tệ hơn không, thưa bà?
Cấm đoán giống như giật đi cái phao cứu sinh của một người đang chới với. Khi cha mẹ hét lên "bỏ điện thoại xuống!", trẻ không nghe được lời yêu thương chỉ cảm nhận được rằng: "Cha mẹ không hiểu con".
Ví dụ, có bé trai lớp 7 từng được mẹ đưa đến tư vấn vì nghiện game. Hóa ra, con chơi game không phải để giải trí, mà để trốn cảm giác cô đơn vì ba mẹ ly hôn. Khi mẹ cấm game, con bỏ học và trốn ra tiệm chơi cả ngày. Thay vì cấm, cha mẹ hãy lùi một bước để tiến ba bước: ngồi xuống cạnh con, hỏi nhẹ nhàng "Game này có gì vui vậy?", rồi từ từ mở cánh cửa trái tim con, hiểu được điều gì phía sau màn hình khiến con không muốn quay về với thế giới thật.

Trẻ sống online không phải vì con “lười sống thật”, mà vì ở thế giới thật, trẻ không biết phải vui bằng cách nào
- Khi con lệ thuộc vào thế giới ảo, cha mẹ nên làm gì để có thể gần con hơn?
Mỗi khi con né tránh, cáu gắt, im lặng chính là cách con kêu cứu bằng ngôn ngữ không lời: "Con đang lạc lối, nhưng con không biết nói sao". Thay vì hỏi "sao con cứ ôm điện thoại vậy?", hãy thử nói thế này: "Mẹ thấy dạo này con hay ở một mình, chắc có điều gì đó khiến con mệt, mẹ không ép con nói, nhưng khi con sẵn sàng, mẹ luôn ở đây".
Một học sinh lớp 9 từng chia sẻ: "Con ghét bị hỏi "Con làm sao thế?" vì con cũng không biết mình làm sao". Vì thế, đôi khi sự hiện diện không lời của cha mẹ như ngồi cạnh con, đưa ly nước, hay chỉ là một cái ôm lại là liều thuốc chữa lành mạnh mẽ nhất.
- Theo bà, có cách nào giúp trẻ từng "sống online" tìm lại niềm vui trong đời thường?
Trẻ sống online không phải vì con "lười sống thật", mà vì ở thế giới thật, trẻ không biết phải vui bằng cách nào. Nhiều bạn nhỏ nói thẳng: "Con ra sân chơi chẳng có ai nói chuyện, về nhà bố mẹ bận điện thoại, chỉ còn mỗi YouTube là vui với con". Nói thật lòng, khi cuộc sống quanh trẻ quá nhạt nhòa, thì một video TikTok vài giây có thể trở thành điểm sáng duy nhất trong ngày. Đó không phải lỗi của trẻ. Đó là dấu hiệu để ta cùng con tạo lại niềm vui trong đời thường từ những việc nhỏ.

Đừng cố tranh giành thời gian với chiếc điện thoại. Hãy xây dựng tình yêu đủ sâu để con tự đặt điện thoại xuống
Ví dụ, thay vì bảo con "ra ngoài chơi đi", cha mẹ có thể rủ con đi chợ nấu cơm cùng, nhờ con rửa rau, trang trí món ăn rồi cả nhà cùng đăng lên mạng như một "dự án gia đình". Nếu con thích TikTok, hãy cùng con quay một clip vui vui với ông bà, ba mẹ, để con thấy đời sống thật cũng có thể "viral" bằng niềm vui thật. Cuối tuần, thử tổ chức "Ngày không internet" để cả nhà cùng chơi, cắm trại, đố vui, làm sổ tay kỷ niệm… để con biết rằng ngoài màn hình cũng có những cảm xúc thật, tiếng cười thật.
Điều trẻ cần không phải là cắt internet, mà là thêm "wifi cảm xúc" kết nối giữa cha mẹ và con cái. Khi trẻ cảm thấy gắn bó, được chia sẻ và có chỗ thuộc về, thì tự nhiên trẻ sẽ ít cần tìm kiếm cảm xúc giả trên mạng.
- Bà có lời khuyên gì với các bậc cha mẹ "thời đại số"?
Đừng cố tranh giành thời gian với chiếc điện thoại. Hãy xây dựng tình yêu đủ sâu để con tự đặt điện thoại xuống. Điều khiến con ở lại không phải là vì cha mẹ ra lệnh mà vì trong vòng tay cha mẹ, con cảm thấy an toàn hơn cả thế giới ảo.
Hãy lắng nghe con bằng trái tim, chơi với con như một người bạn, và yêu con mà không cần sửa chữa con. Bởi khi con thấy mình được chấp nhận vô điều kiện, con sẽ không còn cần trốn chạy vào một thế giới khác nữa.
- Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!