Những vùng đất giúp phụ nữ tỏa sáng

08/03/2019 - 09:00
Nhật Bản, Na Uy đang tạo dựng, phát triển tương lai lãnh đạo nữ; tạo động lực để phụ nữ phấn đấu đạt được mục tiêu cao trong nghề nghiệp, hỗ trợ các gia đình, tạo môi trường làm việc linh hoạt, thân thiện; đảm bảo an toàn cho phụ nữ… Đây là những quốc gia đáng sống, là nơi phụ nữ được phát triển, được khẳng định vị thế và được tự do hưởng cuộc sống hạnh phúc.

Sakai (Nhật bản): Thành phố bình đẳng giới

 

Tham gia Sáng kiến xây dựng thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Sakai thành lập một ban chỉ đạo gồm các quan chức chính quyền, đại diện hội phụ nữ, các tổ chức dân sự, các trung tâm giáo dục nhằm xây dựng chương trình hướng tới việc hỗ trợ mọi người sinh hoạt, đi lại tự do và an toàn trong thành phố cũng như được tiếp cận với các dịch vụ có chất lượng.

 

a3-nhat-ban-3.jpg
Những cô gái mới lớn là sức mạnh nội tại của Sakai

 

Sự tham gia tích cực của phụ nữ vào các hoạt động xã hội đã tạo nên động lực phát triển bền vững cho Sakai. Thành phố này lồng ghép khéo léo nội dung về nữ giới vào chính sách của địa phương, nhằm xây dựng một đô thị thân thiện - nơi chăm sóc phụ nữ và những người yếu thế trong xã hội, nơi tất cả người dân được hưởng hạnh phúc.

 

Chính quyền thành phố đưa ra các pháp lệnh thúc đẩy bình đẳng giới, tôn trọng quyền con người trong cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia vào hoạt động xã hội của trẻ em và thanh niên, bảo vệ trẻ em khỏi nạn lạm dụng tình dục, xây dựng các cộng đồng an toàn, thân thiện cho tất cả mọi người. Dựa vào các pháp lệnh đó, thành phố đã lên các kế hoạch: Thúc đẩy phụ nữ tham gia vào các cấp chính quyền, lãnh đạo các doanh nghiệp, chống bạo lực gia đình, bảo vệ nạn nhân bị bạo hành, tăng cường tiếng nói của trẻ em và thanh niên. Ngoài ra, Sakai đề ra các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, các chương trình giáo dục giới tính và quyền con người.

 

a2-nhat-ban-2.jpg
Phụ nữ ở Sakai làm chủ cuộc sống hiện đại

 

Sakai là nơi đi đầu trong phong trào thúc đẩy bình đẳng giới ở Nhật Bản từ hàng thập kỷ nay. Sakai đã đề ra Kế hoạch hành động vì các vấn đề phụ nữ lần thứ nhất năm 1983 và tuyên bố cam kết trở thành “Thành phố bình đẳng giới” năm 1994. Sakai cũng tích cực tham gia vào chiến dịch nói không với bạo lực đối với phụ nữ của Liên hợp quốc. Thành phố giờ đây đang xem xét, mở rộng các chiến dịch, xây dựng các chính sách mới hướng đến triển vọng bình đẳng giới, xây dựng một cộng đồng công bằng, văn minh theo chương trình “Đảm bảo cuộc sống an toàn hàng ngày”.

 

Sakai chính là mục tiêu tạo dựng môi trường thuận lợi và tăng cường cơ hội cho phụ nữ được năng động hơn trong xã hội theo chính sách Abenomics của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - người muốn mang lại “một xã hội nơi phụ nữ tỏa sáng”. Vị thế và quyền của phụ nữ là vấn đề then chốt đối với sự phát triển không chỉ đối với Sakai mà là động lực phát triển mạnh mẽ của đất nước Nhật Bản.

 

Na Uy: Chú trọng bảo vệ phụ nữ

 

Na Uy được xem là một trong những quốc gia thực hiện tốt nhất quyền bình đẳng giới. Quan điểm của Chính phủ   Na Uy về chính sách gia đình và công bằng giới có mối quan hệ chặt chẽ: Một chính sách gia đình có hiệu quả phải được đặt trên nền tảng của sức mạnh công bằng về giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ và nam giới cùng tham gia vào lực lượng lao động và chia sẻ công việc gia đình.

 

a6-na-uy-2.jpg
Trẻ em Na Uy được quan tâm chăm sóc toàn diện

 

Sau khi sinh con, cả cha và mẹ đều được nghỉ với mức lương 100% trong vòng 42 tuần hoặc được hưởng 80% lương trong 52 tuần. Ưu tiên này được đưa ra nhằm tạo điều kiện để người cha có thể chăm con tốt hơn.

 

Nước này có chương trình hướng dẫn kỹ năng làm cha mẹ với sự hỗ trợ của nhiều bộ, ngành nhằm nâng cao trí lực của trẻ em. Bên cạnh đó, chương trình còn giúp đỡ và đẩy mạnh hơn nguồn lực của cha mẹ và nhu cầu hỗ trợ để xây dựng niềm tin giữa cha mẹ và con cái.

 

Để giải quyết và hỗ trợ phòng, chống tình trạng bạo lực, năm 1997, chính phủ nước này đã cấp ngân sách thực thi một dự án tên là “Chuông báo động” cho các Sở cảnh sát. Theo dự án đó, những phụ nữ nào luôn bị tình trạng bạo lực đe dọa sẽ được phát một dụng cụ báo động nhỏ như chiếc điện thoại cầm tay và họ có số hiệu trên bản đồ cùng trong máy tính của cảnh sát.

 

a5-na-uy-1.jpg
Một gia đình hạnh phúc kiểu mẫu ở Na Uy

 

Nếu có bạo lực xảy ra hoặc đang nguy cơ, người phụ nữ sẽ bấm chuông và cảnh sát sẽ kịp thời đến xử lý. Chính phủ cũng tài trợ làm dự án thí điểm về việc theo dõi bằng vệ tinh đối với những kẻ xâm phạm tình dục và những nạn nhân. Nếu kẻ nào đến gần nạn nhân thì hệ thống sẽ báo động.

 

Hệ thống “Nhà tạm lánh” là mô hình thuộc Trung tâm giải quyết khủng hoảng do tổ chức phi chính phủ sáng tạo và đã hoạt động 40 năm nay. Hiện có hơn 50 ngôi nhà tạm lánh trên khắp đất nước để bảo vệ an toàn cho phụ nữ khi họ bị bạo lực. Vào ngôi nhà tạm lánh, họ có thể mang theo con cái và được ở 3 tháng. Ở đây, Ban quản lý nhà thực hiện một chương trình bồi dưỡng, tập huấn ngắn để các nữ nạn nhân được hiểu biết kiến thức về luật pháp, xã hội, chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ bản thân, kỹ năng sống... và đến một lúc nào đó, họ có thể quyết định lấy cách giải quyết cho hoàn cảnh của họ mà Trung tâm không áp đặt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm