Những vướng mắc lớn của người dân khu bãi rác Nam Sơn

H.Yến
17/07/2020 - 21:28
Những vướng mắc lớn của người dân khu bãi rác Nam Sơn
Ngày 17/7, sau cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Hà Nội với người dân vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, người dân nơi đây đã tháo lều bạt, thu dọn bàn ghế để thông đường cho xe chở rác. Bãi rác Nam Sơn hoạt động trở lại.

Tại buổi đối thoại, đại diện người dân các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ cho biết chưa đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (vùng bán kính 0-500m) quanh bãi rác.

Những vướng mắc lớn của người dân khu bãi rác Nam Sơn - Ảnh 1.

Người dân cho biết chưa đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường

Thứ nhất, việc áp giá bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp và đất ở của người dân thấp hơn nhiều so với giá mua đất tái định cư.

Thứ hai, một số ý kiến cũng kiến nghị huyện Sóc Sơn xem xét lại việc tính vị trí đất ở của người dân bị thu hồi và vị trí được nhận tại khu tái định cư, để người dân không thiệt thòi; tính toán lại việc bồi thường tài sản, hoa màu trên đất...

Được biết, hiện hơn 2.000 hộ dân thuộc diện phải di dời với tổng diện tích đất khoảng 396ha, gồm cả đất nông nghiệp và đất ở. Đối với đất nông nghiệp tại hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ, huyện đã cơ bản hoàn thành công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Đối với đất ở, tiến độ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chậm do quá trình đo đạc, kiểm đếm tài sản trên đất, lên phương án bồi thường mất nhiều thời gian...

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, theo quan điểm của thành phố, đối với diện tích đất mà người dân đang sử dụng, trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ghi như thế nào thì khi đền bù, diện tích được tính đền bù sẽ đúng như thế.

Với những hộ được cấp GCNQSDĐ trên 400m2, trong đó có hộ được cấp 1.700m2, 2.000m2 là vượt hạn mức được cấp, không đúng theo quy định của pháp luật thì cơ quan cấp GCNQSDĐ cho hộ đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy vậy, nếu người dân tự giác phối hợp với chính quyền để điều chỉnh lại, thì vẫn đền bù đất ở đủ 400m2, phần diện tích còn lại, thành phố hỗ trợ đền bù 500 nghìn đồng/m2, cao hơn nhiều lần so với giá đền bù thu hồi đất nông nghiệp hiện hành.

Về những kiến nghị của người dân liên quan đến việc tính vị trí đất ở của người dân bị thu hồi và vị trí được nhận tại khu tái định cư, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng đề nghị huyện Sóc Sơn phải kiểm tra lại ngay, nếu sai phải sửa cho đúng. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng khẳng định: Thành phố bố trí đủ kinh phí và giải ngân ngay đối với các thửa đất đã hoàn thành hồ sơ, đồng thời, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cử cán bộ xuống hỗ trợ huyện Sóc Sơn đo đạc, kiểm đếm diện tích đất để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Dự kiến 19/7 mới thu dọn xong toàn bộ rác

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội thông tin, 13h45, người dân hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ đã dỡ lều bạt tại hai cổng của bãi rác Nam Sơn để xe ra vào bãi, hoạt động thu gom rác sẽ diễn ra bình thường. Sau 4 ngày người dân ngăn xe, lượng rác dồn ứ rất lớn nên dự kiến hết ngày 19/7 mới thu dọn xong lượng rác tại các điểm tập kết tạm.

Như PNVN đã phản ánh, từ 20h20 ngày 13/7/2020, một số người dân ở xã Hồng Kỳ và Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) đã chặn xe chở rác không cho vào cổng khu Liên hợp xử lý chất thải (LHXLCT) Sóc Sơn. Nguyên nhân là do việc xử lý nước rỉ rác tại Khu LHXLCT Sóc Sơn gần đây gây phát tán mùi, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Một nguyên nhân nữa là do tiến độ giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng bị ảnh hưởng môi trường của Khu LHXLCT Sóc Sơn (vùng bán kính 0-500m) chậm tiến độ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm