Niềm da diết từ “Chiếc lá đầu tiên” của Hoàng Nhuận Cầm

Diêu Lan Phương
21/04/2021 - 11:31
Niềm da diết từ “Chiếc lá đầu tiên” của Hoàng Nhuận Cầm

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (1952 - 2021)

Bài thơ “Chiếc lá đầu tiên” của Hoàng Nhuận Cầm là một nỗi nhớ, một hồi tưởng sống động, khắc khoải về tuổi học trò với những cảm xúc trong sáng, thánh thiện…

Có một triết gia đã nói đại ý rằng: có 3 thứ thứ không bao giờ trở lại, đó là lời nói ra, thời gian trôi và tình yêu đã mất. Trong mỗi chúng ta, chắc ai cũng từng sống những khoảnh khắc mà biết rằng sẽ ra đi vĩnh viễn, để sau này, mỗi khi nhớ lại lòng man mác buồn, thấy quặn lên một niềm da diết cũ. Chiếc lá đầu tiên của Hoàng Nhuận Cầm đã nói hộ chúng ta nỗi lòng ấy.

Bài thơ là một nỗi nhớ, một hồi tưởng sống động, khắc khoải về tuổi học trò. Ở đây có sự trộn lẫn giữa quá khứ và hiện tại. Nhà thơ đứng ở hiện tại để nhìn về quá khứ, cái thời khắc hiện tại dường như chỉ là mơ hồ, hay nói cách khác, tác giả đang quên đi để sống bằng những cảm xúc cũ, những cảm xúc trong sáng, thánh thiện của kẻ "bắt đầu yêu", những cảm xúc xót đau, tiếc nuối khi tiếng ve giục giã …

Bài thơ như một cung trầm, như một bản nhạc không có cao trào nhưng âm điệu của nó cứ thấm vào lòng người, khiến người ta chùng xuống, nao nao và chơi vơi giữa miền ký ức. Những câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm dường như chỉ đơn giản là sự kể lại, không hề trau chuốt và hoa mỹ, chỉ thỉnh thoảng sáng lên những hình ảnh, như là cơn trào của cảm xúc, như là sự dữ dội của nỗi nhớ. Trong các thể loại, chỉ riêng thơ lấy tình làm chính. Và thơ hay, là thơ làm cho người ta quên đi câu chữ.

Niềm da diết từ “Chiếc lá đầu tiên” của Hoàng Nhuận Cầm - Ảnh 1.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (1952 - 2021)

Em thấy không tất cả đã xa rồi. Vâng, tất cả đã xa rồi. Cả tuổi học trò, cả tình yêu đầu tiên. Thời gian "rất khẽ" thôi, nhưng thời gian khiến "tuổi thơ kia ra đi cao ngạo". Cái "cao ngạo" ấy hình như không cưỡng được, không nắm bắt được. Anh chưa kịp ý thức về nó, tưởng rằng nó cũng đi "rất khẽ" thôi, nhưng ai ngờ… Hình ảnh "Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say" như là sự đọng lại, sự dồn tụ để cháy lên một lần cuối của con đường học trò sắp kết thúc. Vì vậy cái say mê ấy cũng da diết như một níu kéo.

Em thấy không tất cả đã xa rồi - Là nói với em, với chính mình, cũng là với thời gian và cuộc sống. Tác giả hồi tưởng lại những năm tháng cuối cùng của tuổi học trò dưới mái trường thân yêu, trong đó anh đã ghi được, chớp được, tưởng tượng được những khoảnh khắc, những hình ảnh độc đáo, như "sân trường đêm rụng xuống trái bàng đêm". Ở đây, có thể hiểu thời gian và sự vật đã hòa quện chặt chẽ. Thơ là lĩnh vực bí hiểm, là "bất khả giải". Đôi khi, ta cảm giác được cái hay, cái đẹp của câu thơ mà không lý giải được. Chỉ biết rằng dường như có một cái gì lắng lại, một đôi mắt cậu học trò thẫm buồn, một vị chan chát nhẹ nhàng đáng yêu của trái bàng đêm vụng trộm. Và có lẽ, chính những điều mơ hồ ấy đã khắc vào nỗi nhớ của anh:

Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế

Bạn có nhớ trường nhớ lớp nhớ tên tôi

Tác giả gần như đã nói một cách trực tiếp. Chỉ có điều, hình như, ai đã có một mối tình đầu, khi nghĩ về người cũ, vẫn luôn tự hỏi và hy vọng: Tôi nhớ bạn, bạn có nhớ tôi không? Những bí mật của mối tình đầu không bao giờ nói hết, vẫn ám ảnh những tháng năm sau này. Và khi đọc đến đoạn cuối:

Em đã yêu anh, anh cũng xa rồi

Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi

Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại

Không thấy trên sân trường - chiếc lá buổi đầu tiên

Tôi lại liên tưởng đến câu hát trong bài Mối tình đầu của Thế Duy "không hiểu vì sao tình yêu tan vỡ, như hoa ven mặt hồ tàn theo gió mùa thu". Rõ ràng em đã yêu, nhưng anh cũng đã xa rồi. Anh chẳng hiểu nổi "anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại". Tất cả diễn ra đều không hiểu nổi, đều là những nghịch lý tất nhiên. "Chiếc lá buổi đầu tiên" ở đây là một hình ảnh tượng trưng. Đó là tuổi học trò, là tình yêu đầu, là một thời đã mất mà cũng là một con người khác của tác giả -  là ta đấy mà giống như không như không phải là ta.

Bài thơ tương đối dài, tất cả đều khởi nguồn từ tâm trạng nhớ tiếc khôn nguôi với tuổi học trò. Rồi một ngày trong cuộc sống quay cuồng, bạn xem lại một tấm ảnh thời xưa. Chắc rằng không tránh khỏi tiếc nuối. Dù biết rằng đó là điều tất nhiên. Và cũng như Hoàng Nhuận Cầm: Những chuyện năm nao những chuyện năm nào! Cứ xúc động cứ xôn xao biết mấy!

CHIẾC LÁ ĐẦU TIÊN

Em thấy không, tất cả đã xa rồi

Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ

Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế

Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say

Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay

Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước

Con ve tiên tri vô tâm báo trước

Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu

Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu

Lời hát đầu xin hát về trường cũ

Một lớp học buâng khuâng màu xanh rủ

Sân trường đêm - rụng xuống trái bàng đêm

Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em

Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ

Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế

Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi

“Có một nàng Bạch Tuyết các bạn ơi

Với lại bảy chú lùn rất quấy!”

Mười chú chứ, nhìn xem, trong lớp ấy

(Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao)

Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào

Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy

Mùa hoa mơ rồi đến mùa hoa phượng cháy

Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm

Thôi đã hết thời bím tóc trắng ngủ quên

Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ

Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ

Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi

Em đã yêu anh, anh đã xa rồi

Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi

Anh nhớ quá, mà chỉ lo ngoảnh lại

Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, đột ngột qua đời vào chiều 20/4/2021 ở tuổi 69. Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 tại Hà Nội, ông là con cả của nhạc sĩ Hoàng Giác. Ông từng theo học khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), rồi nhập ngũ chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị từ năm 1971 đến khi đất nước thống nhất.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở lại học nốt chương trình đại học và đến năm 1981 làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Sau đó, ông chuyển sang làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam nhưng rồi lại quay về Hãng Phim truyện Việt Nam.

Hoàng Nhuận Cầm là tác giả của nhiều bài thơ tình được độc giả trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên yêu thích vì nó gắn với những kỷ niệm của tuổi trẻ, tình yêu như Chiếc lá đầu tiên, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu...

Ông đoạt giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1972-1973, giành Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ Xúc xắc mùa thu năm 1993.

Bên cạnh thơ, ông cũng là một biên kịch nổi tiếng. Ông là tác giả tác phẩm của nhiều kịch bản về đề tài chiến tranh, lịch sử đã được dựng thành phim như Hà Nội mùa đông năm 46, Mùi cỏ cháy, Nhà tiên tri… Ông đã giành giải thưởng Biên kịch xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ 17 (năm 2011) và Giải Cánh Diều năm 2012 cùng với kịch bản phim điện ảnh Mùi cỏ cháy.

Với khán giả truyền hình, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm còn quen thuộc với vai diễn Bác sĩ Hoa Súng trong chương trình Gặp nhau cuối tuần.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm