pnvnonline@phunuvietnam.vn
Niềm vui ấm no của những người phụ nữ tại cảng cá Đông Tác
Những người phụ nữ làm việc tại cảng cá Đông Tác
Giống như bất kì một địa phương ven biển nào ở Việt Nam, cuộc sống thường nhật của người dân Phú Yên thường bắt đầu từ khi mặt trời còn chưa xuất hiện. Địa điểm nhộn nhịp nhất vào buổi sáng chính là khu vực cảng cá, nơi cập bến của những chiếc tàu chở đầy hải sản mà ngư dân đánh bắt được sau nhiều tuần ra khơi.
Có mặt ở cảng cá Đông Tác vào lúc 8h sáng, lần đầu tiên tôi được chứng kiến và cảm nhận được không khí làm việc hối hả, khẩn trương của hàng trăm ngư dân đang có mặt tại đây. Dù bắt đầu mở cửa từ 5-6h sáng nhưng theo chị Lê Được, một thương lái đang chờ mua cá thì khu cảng bắt đầu nhộn nhịp nhất vào khoảng 10h sáng hoặc 1h chiều, khi những chiếc tàu lớn về bến sau nhiều tháng ra khơi, còn trong ngày thì rải rác các tàu nhỏ đánh bắt gần bờ nhưng sản lượng không nhiều.
Từ khi cảng cá phường 6 (thành phố Tuy Hòa) có tuổi đời gần 30 năm đóng cửa, cảng cá Đông Tác đã trở thành nơi tiếp nhận sự trở về của nhiều đoàn tàu đánh bắt lớn, bên cạnh 3 cảng cá khác của Phú Yên là cảng cá Phú Lạc ở huyện Đông Hòa, cảng cá Tiên Châu ở huyện Tuy An và cảng cá Dân Phước ở thị xã Sông Cầu. Tuy nhiên, xét về quy mô và sản lượng, cảng cá Đông Tác vẫn là cái tên dẫn đầu với sức chứa lên tới 500 tàu trọng tải lớn.
10h sáng, khu vục cảng cá trở nên ồn ào và chật chội hơn hẳn với sự xuất hiện của ngày càng nhiều người lao động và những chiếc xe chở hàng. Theo chia sẻ của một ngư dân, hàng chục chiếc tàu đánh bắt lớn vừa cập cảnh sáng hôm nay sau hơn 2 tháng lênh đênh ngoài biển khơi, chở theo hàng tấn hải sản mà đặc biệt nhất là cá ngừ đại dương.
Cảng cá Đông Tác trở nên chật chội hơn với sự xuất hiện của khoảng 20 tàu cá xếp san sát nhau. Mỗi tàu chở khoảng 20 con cá ngừ và hàng tấn hải sản các loại như cá thu, tôm, mực... Cả khu cảng giống như một đại công xưởng với đủ mọi hoạt động và âm thanh. Trên những khoang thuyền gỗ đầy ăm ắp cá, từng tốp ngư dân đang hò nhau bê những con cá ngừ da nhẵn thín nặng từ 40- 50kg đặt lên tấm ván cho tốp người khuân vác vận chuyển lên bờ.
Hầu hết những ngư dân làm việc trên thuyền đều là đàn ông, trong khi những người làm nhiệm vụ khuân vác trên bờ đều là phụ nữ. Cá sau khi phân loại để đưa tới gần xe lạnh vận chuyển sẽ được sơ chế, cân và ướp trên đá, sau đó chuẩn bị vận chuyển đến nơi khác để tiêu thụ.
Những con cá đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều phụ nữ lao động tại cảng
Bà Nguyễn Thị Nghìn, một nữ lao động 73 tuổi tại cảng cá, cho biết, bà đã làm công việc này gần 50 năm. "Một ngày làm việc của tôi thường bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc lúc 7h tối. Công việc tuy vất vả nhưng bù lại thu nhập cũng được khoảng 150.000đ/ngày. Hầu hết những phụ nữ ở đây ngoài khuân vác ở cảng cá còn làm thêm cả nghề đãi cát hoặc chài lưới, vì đàn ông đều ra biển đánh bắt cả", bà Nghìn cho biết.
Đưa tay lau nhanh những giọt mồ hôi chảy dài trên trán, bà Nghìn nhanh chóng cùng những người phụ nữ khác hòa vào dòng người đang di chuyển xuống thuyền để tiếp tục công việc.
Gần 12h trưa, khu vực cảng cá càng trở nên nhộn nhịp hơn khi những chiếc xe tải chở hàng bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều. Cảng cá Đông Tác lúc này bỗng trở nên chật chội hơn bởi tiếng cười nói rộn rã, tiếng bước chân, tiếng gọi nhau, tiếng bốc xếp hàng xen lẫn hương vị tanh của cá, mùi đá bốc lên mát lạnh hòa cùng cái nắng oi ả giữa trưa của vùng đất ven biển miền Trung. Mệt và vất vả nhưng tôi cảm nhận được ánh mắt ai cũng ánh lên niềm vui vì những nỗ lực đã được đền đáp, hứa hẹn một cuộc sống đủ đầy, no ấm.