Niềm vui lớn là điều trị, chăm sóc thành công cho trẻ sinh non

Đông Quân
27/02/2021 - 09:24
Niềm vui lớn là điều trị, chăm sóc thành công cho trẻ sinh non

BSCKII Giang Trần Phương Linh chăm sóc trẻ ơ sinh

Niềm vui đối với BSCKII Giang Trần Phương Linh, Trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, là điều trị, chăm sóc thành công cho trẻ sơ sinh, nhất là trẻ sinh non. Đó cũng chính là động lực để chị tiếp tục gắn bó với nghề Y cao quý và cũng lắm gian nan, vất vả.

Ca sinh non đặc biệt

Cứ mỗi tháng 1 lần, Tiểu Lan lại được mẹ đưa từ Tây Ninh đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM để bác sĩ Giang Trần Phương Linh tái khám. Nhìn bé con khỏe mạnh, tăng cân đều đặn mỗi tháng khiến ai cũng mừng. "Tiểu Lan chào đời lúc mới 28 tuần tuổi. Thấy bé mạnh khỏe, tôi rất vui, đó cũng là động lực để tôi tiếp tục nỗ lực trong công việc", bác sĩ Linh chia sẻ.

Ngày 2/11/2020, cô bé Tiểu Lan chào đời chỉ nặng 800gr. Khi lọt lòng mẹ, bé tự thở yếu, được thở CPAP (thông khí áp lực dương liên tục) để giúp phổi nở tốt ngay tại phòng sanh. Tại đơn nguyên sơ sinh, bé được thở máy không xâm lấn, được truyền dịch nuôi ăn qua thông tĩnh mạch rốn, kháng sinh điều trị nhiễm trùng.

Với sự chăm sóc, điều trị tận tình của các bác sĩ, điều dưỡng, sức khỏe bé tiến triển từng ngày. 3 tuần sau sinh, Tiểu Lan được gặp mẹ, tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ, tập bú. 50 ngày tuổi, bé bú tốt, nặng 1,7kg và được xuất viện.

Nữ bác sĩ dành hết tình thương cho trẻ sơ sinh  - Ảnh 1.

Bé Tiểu Lan chào đời lúc 28 tuần tuổi, nặng 800gr được điều trị, chăm sóc thành công

Bác sĩ Phương Linh chia sẻ, đối với các bệnh viện nhi hiện nay, việc điều trị và chăm sóc thành công những bé sinh non 28 tuần tuổi không còn là việc quá khó khăn. Bản thân chị cũng đã quen với việc chăm sóc bé sinh non, nhẹ ký. Tuy nhiên, đối với khoa Sơ sinh - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thì đây là ca sinh non nhỏ tuần tuổi nhất mà đội ngũ y bác sĩ của khoa thực hiện thành công.

"Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM được chính thức thành lập từ tháng 11/2020. Việc chăm sóc ca sinh non 28 tuần tuổi được xem là thành công bước đầu trong bối cảnh cơ cơ sở vật chất, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng còn rất non trẻ. Trong giai đoạn đầu thì đây vẫn là thử thách mà mọi người phải vượt qua", bác sĩ Linh nói.

Kiên quyết theo ngành y

Sinh ra và lớn lên ở Bạc Liêu, ngay từ những năm tháng đầu học phổ thông, Phương Linh đã mong muốn sau này được làm bác sĩ bởi sự cao quý của nghề Y. Từ ước mơ cháy bỏng đó, cô đã không ngừng nỗ lực và thực hiện được mơ ước của mình. "Lúc đó mình cũng gan lắm. Chỉ nhất quyết thi vào ngành Y. Mình nghĩ nếu lỡ như không đậu thì sẽ tiếp tục ôn luyện để năm sau thi tiếp, dù khi đó có nhiều sự lựa chọn khác. May mắn là mình thi đậu vào Đại học Y Dược TPHCM ngay", bác sĩ Linh nhớ lại.

Tốt nghiệp đại học, Phương Linh học nội trú nhi rồi sau đó về làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Tại đây, chị đã dành những năm tháng thanh xuân của mình để học hỏi và phát triển nghề nghiệp.

Nữ bác sĩ dành hết tình thương cho trẻ sơ sinh  - Ảnh 2.

BSCKII Giang Trần Phương Linh, Trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Đến năm 2019, chị chuyển sang làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM với mong muốn tìm kiếm cho mình những thử thách mới. Chừng ấy năm gắn bó với nghề đã cho chị nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, điều trị trẻ sơ sinh, trong đó có những trẻ sinh non.

"Việc điều trị cho trẻ non tháng không thể một mình có thể làm được mà cần sự phối hợp của cả êkíp", Phương Linh tâm sự. Tại môi trường làm việc mới, chị vừa điều trị, vừa hướng dẫn các đồng nghiệp chăm sóc trẻ một cách tỉ mỉ, mang lại hiệu quả cao nhất. Chị cùng đồng nghiệp chăm sóc những trẻ 34 tuần tuổi, sau đó là 32 tuần, rồi 30 tuần tuổi để mọi người thích nghi dần với trẻ sinh non tháng.

Công việc tại khoa Sơ sinh cũng rất đặc thù, bởi những đứa trẻ mới lọt lòng mẹ phải đối mặt với nhiều rủi ro. Những bác sĩ, điều dưỡng không chỉ chăm sóc, quan sát bằng kinh nghiệm y khoa mà còn phải bằng cả sự nhạy cảm, yêu thương của người phụ nữ, người mẹ. Những lúc bé cần ôm ấp, vỗ về, chỉ cần một cái chạm nhẹ vào cơ thể cũng đủ tiếp thêm sức mạnh để bé vượt qua nỗi đau khi xung quanh là chằng chịt các loại dây, máy móc.  

Chinh phục những nấc thang mới

Theo bác sĩ Linh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM là một môi trường làm việc tốt, hội tụ nhiều điều kiện mà có thể một số bệnh viện khác chưa có được. Bên cạnh sự đi đầu của Trung tâm tim mạch của bệnh viện, việc phát triển của khoa Phụ sản tạo nhiều cơ hội để can thiệp sớm trẻ bị dị tật tim bẩm sinh nguy kịch là hết sức thuận tiện, dễ dàng.

Nữ bác sĩ dành hết tình thương cho trẻ sơ sinh  - Ảnh 3.

Trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chăm sóc cho trẻ sơ sinh

Điển hình như vào năm 2019, bệnh viện đã điều trị thành công cho một trường hợp sơ sinh bị tim bẩm sinh nặng. Đây là ca bệnh đầu tiên có sự phối hợp êkíp khoa Sản, Sơ sinh và Tim mạch. Bé ra đời với tật tim bẩm sinh chuyển vị đại động mạch, khi chào đời có cơ tím nặng ngay sau sinh. Trước đây, những ca bệnh tương tự sẽ được chuyển sang bệnh viện nhi để can thiệp. Việc chuyển bệnh sẽ mất thời gian, nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhi. Tuy nhiên, trường hợp này đã được giữ lại bệnh viện để điều trị. Khi bé vừa chào đời đã được can thiệp tim mạch ngay sau sinh, sau đó được mổ tim. Đến nay, bé được 15 tháng tuổi và phát triển khoẻ mạnh.

2 năm gắn bó với Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM là khoảng thời gian không dài nhưng đủ để bác sĩ Linh khẳng định và tìm hướng đi cho mình. Chị mong muốn góp phần phát triển khoa Sơ sinh theo một mô hình điều trị và chăm sóc toàn diện, từ giai đoạn chu sinh, sơ sinh đến theo dõi về sau cho trẻ. Trong đó, tập trung phát triển những mũi nhọn trong giai đoạn chu sinh với hồi sức trẻ sơ sinh tại phòng sanh; phối hợp liên chuyên khoa trong can thiệp tim bẩm sinh nặng.

Theo bác sĩ Linh, hiện nay, việc điều trị và chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng đã có nhiều bước tiến. Không ít các cơ sở y tế đang "chạy đua" để điều trị trẻ sinh non tháng, nhẹ cân nhất. Nhưng điều chị muốn hướng đến, không chỉ trẻ sinh non được nuôi sống mà còn muốn đi đường dài cùng trẻ: theo dõi, đánh giá sự phát triển trẻ, ít nhất cho đến khi trẻ 18-24 tháng tuổi.

"Sự phát triển của y khoa khiến mình phải luôn luôn học hỏi. Học qua sách vở, internet, đồng nghiệp và thực tiễn công việc hằng ngày. Với vai trò là người quản lý của một khoa còn trẻ trong bệnh viện lớn, sẽ có nhiều áp lực. Nhưng tôi nghĩ đó cũng là những thử thách cho bản thân mình", Trưởng Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm