pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ bác sĩ 14 năm tận tụy phục hồi chức năng cho bệnh nhi bại não
Vui khi thấy nụ cười của bệnh nhi
Làm việc 14 năm trong lĩnh vực phục hồi chức năng nhi, bác sĩ Hoàng Khánh Chi cũng như các đồng nghiệp tại khoa Phục hồi chức năng luôn tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng các phương pháp mới để nâng cao hiệu quả phục hồi chức năng cho những "đứa con" của mình. Hiện nay, hàng ngày Khoa phải điều trị cho khoảng 50 trẻ bại não. Đối với các y, bác sĩ, mỗi trường hợp là một câu chuyện. Có nhiều trường hợp khiến các y, bác sĩ không khỏi rơi nước mắt.
Bác sĩ Hoàng Khánh Chi kể lại, có một bệnh nhi bị bại não rất nặng nhà ở Đông Anh. Do bố mẹ bận việc, ông bà đã già nhưng thương con thương cháu, mỗi ngày ông bà đều đi 3 chặng xe bus với gần 4 tiếng cả đi và về, ngày nắng nóng cũng như ngày mưa rét, trừ khi cháu ốm, không nghỉ buổi nào điều trị phục hồi cho cháu. Cháu 4 tuổi chưa biết lẫy, chưa nâng được đầu. Mỗi ngày tập về thấy cháu đỡ gồng cứng cơ, ăn ngủ dễ hơn, ông bà lại có động lực sáng mai dậy sớm đưa cháu đi điều trị. Nhìn những hoàn cảnh ấy, người làm bác sĩ lại nhủ lòng phấn đấu hơn nữa để cháu bé sớm được về với gia đình.
Có trường hợp bé bị xuất huyết não khi mới được một tháng tuổi. Khi ấy, con được tiên lượng khó qua khỏi, nếu qua được thì di chứng để lại cũng rất nặng. Nhưng điều kì diệu đã đến khi bé vượt qua được và đến nay đã hơn 3 tuổi. "Những ngày đầu đến tập, con khóc rất nhiều, bàn tay phải nắm chặt không tham gia vào hoạt động nào. Con là trường hợp đầu tiên các cô áp dụng phương pháp điều trị CIMT (phương pháp tập bắt buộc bên liệt áp dụng cho trẻ bại não liệt nửa người). Phương pháp hiệu quả cao. Yêu cầu liều tập ít nhất là 30 giờ/đợt.
Gia đình cần nhận thức đúng về bại não, chấp nhận và điều chỉnh cảm xúc, hiểu lịch trình trị liệu; quan sát và học hỏi kỹ năng huấn luyện trẻ, thực hành tập luyện cho trẻ dưới sự hướng dẫn trực tiếp của nhà chuyên môn; sưu tầm, làm đồ chơi, dụng cụ để trẻ tập luyện, dụng cụ để trẻ thích ứng; sinh hoạt nhóm với cha mẹ trẻ bại não khác để chia sẻ và đồng cảm”.
Bác sĩ Hoàng Khánh Chi, Trưởng Khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội
Chương trình tập lựa theo sở thích của con nên con rất thích, tập mà chơi, chơi mà tập. Thời gian con được huấn luyện đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về liều tập của phương pháp này. Con đã tiến bộ nhiều, đến nay 3 tuổi con vẫn đến theo tập ở khoa. Nếu không để ý, mọi người sẽ không biết con bị bại não. Con đeo balo vui vẻ bước vào phòng tập, tập leo cầu thang, tập các chức năng sinh hoạt bằng 2 tay. Tiếng cười trong trẻo của con mang niềm vui đến cho bố mẹ, các bác, các cô mỗi ngày", bác sĩ Khánh Chi xúc động chia sẻ.
Gia đình giữ vai trò quan trọng
Bác sĩ Khánh Chi cũng cho biết, việc chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ bại não rất khó vì những tổn thương não của trẻ có thể xảy ra trong giai đoạn trước, trong và sau sinh đến 5 tuổi, khi hệ thần kinh chưa phát triển hoàn chỉnh về chức năng mà còn tiếp tục phát triển và hoàn thiện. Ngoài rối loạn về vận động và tư thế, trẻ bại não còn gặp các vấn đề sức khỏe khác như động kinh, suy dinh dưỡng, rối loạn nuốt, trật...
Phục hồi chức năng cho trẻ bại não thường cần nhiều lĩnh vực, từ vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, hóa trị liệu đến cách chăm sóc, đặt tư thế phù hợp. Bên cạnh đó, gia đình chiếm vai trò lớn nhất trong sự tiến bộ của trẻ. Môi trường gia đình cũng là môi trường phù hợp, có nhiều cơ hội để trẻ học hỏi, giao lưu, do vậy sự phối hợp giữa gia đình và các nhà chuyên môn trong can thiệp phục hồi chức năng là vô cùng cần thiết.
Những bác sĩ điều trị phục hồi chức năng nhi cần có các kỹ năng làm biện pháp tâm lý, giúp gia đình nhanh chóng vượt qua được "sốc" sau chẩn đoán, lấy lại tinh thần để chấp nhận và cung cấp cho các nhà chuyên môn thông tin cần thiết, không mặc cảm, che giấu mà tích cực cho trẻ hoà nhập cộng đồng.