Ngày 21/2, quân đội Nigeria đã giải cứu 76 nữ sinh và phát hiện thi thể của 2 nữ sinh khác sau khi gần 100 cô gái tại làng Dapchi, bang Yobe ở miền Đông Bắc nước này bị khủng bố Boko Haram bắt cóc ngày 19/2.
Nữ sinh được giải cứu đã trở về làng Dapchi. Tuy nhiên, ít nhất 13 nữ sinh khác vẫn đang mất tích và chưa có thông tin về nguyên nhân tử vong của 2 nạn nhân xấu số nói trên.
Bộ trưởng Thông tin Nigeria Lai Mohammed cho biết ngay sau vụ việc, Tổng thống Muhammadu Buhari đã chia sẻ nỗi lo với thân nhân các nữ sinh mất tích, đồng thời kêu gọi các lực lượng chức năng nỗ lực hết sức để đưa các nữ sinh trở về an toàn. Tổng thống Muhammadu còn chỉ thị Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng nước này tới bang Yobe để nắm tình hình. Về phần mình, Bộ trưởng Thông tin Mohammed cũng đã đích thân tới hiện trường song từ chối bình luận về vụ việc.
Trước đó, theo nhiều nguồn tin, có tới 91 nữ sinh vắng mặt khi ban quản lý ngôi trường trên tiến hành điểm danh học sinh ngày 20/2 vừa qua, một ngày sau khi nhóm phiến quân Boko Haram tấn công ngôi trường này.
Theo nhiều nhân chứng, các phần tử chủ chiến Boko Haram đến Dapchi vào tối 19/2 trên xe tải. Một số xe có gắn súng hạng nặng và được ngụy trang thành xe quân sự. Nhóm phiến quân chạy thẳng tới trường học, nổ súng từng cơn khiến học sinh và giáo viên hốt hoảng bỏ trốn. Một nhân chứng từ làng Gumsa gần đó nói: “Tôi thấy các cô gái khóc lóc và kêu cứu trong 3 chiếc xe”.
Đây sẽ là một trong những vụ mất tích lớn nhất kể từ khi Boko Haram bắt cóc hơn 276 nữ sinh ở thị trấn Chibok hồi năm 2014. Cuộc tấn công này lúc đó đã thu hút sự chú ý của thế giới vào cuộc nổi dậy kéo dài 9 năm ở Nigeria, dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
Kể từ tháng 5/2016, thêm 107 nữ sinh được giải cứu, song vẫn còn 122 em bị bắt giữ. Ngày 13/2, Bộ Tư pháp Nigeria xác nhận đối tượng Haruna Yahaya tham gia vụ bắt cóc đặc biệt nguy hiểm này đã bị kết án 15 năm tù giam.
Kể từ cuộc nổi dậy năm 2009 nhằm âm mưu thiết lập một nhà nước Hồi giáo, nhóm phiến quân Boko Haram đã phát động các cuộc tấn công và tiến hành hàng loạt vụ đánh bom liều chết ở các quốc gia thuộc lưu vực hồ Chad như Nigeria, Cameroon, Niger và Cộng hòa Chad khiến ít nhất 20.000 người chết và 2,6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.