Nỗ lực giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số

An Khê
11/12/2023 - 19:15
Nỗ lực giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số

CLB hát Then tại địa phương

Để giữ gìn, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch ở địa phương, các cấp Hội LHPN huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều mô hình hay, sáng tạo. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả phối hợp với chính quyền địa phương trong triển khai các mô hình nhằm bảo tồn và khôi phục giá trị văn hóa.

Trên địa bàn huyện Định Hóa có 17 thành phần dân tộc, trong đó có các thành phần dân tộc chính như: Tày; Nùng; Dao, Sán Chỉ... Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, độc đáo như dân tộc Tày có hát then đàn tính, hát ví, hát lượn; dân tộc Dao có hát Pả Dung; dân tộc Sán Chỉ có hát Sấng Cọ, nhảy Tắc xình... Các dân tộc sinh sống xen kẽ ở tất cả 23 xã, thị trấn.

Nỗ lực giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số
 - Ảnh 1.

Bà Nông Thị Phương Sao - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện Định Hóa, Chủ tịch hội LHPN huyện

Đặc biệt, năm 2017, Lễ hội lồng tồng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia. Đây là lễ hội truyền thống mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc và gắn bó lâu đời trong tín ngưỡng của dân tộc Tày. Đồng bào Tày coi lễ hội Lồng Tồng là tài sản văn hóa tinh thần vô giá, bởi nó chứa đựng mong ước, niềm tin thiêng liêng, cháy bỏng của mỗi người dân về một cuộc sống yên lành, no đủ, đồng thời cũng chứa đựng đầy đủ những nét tinh túy trong bản sắc văn hóa của người Tày như: Văn hóa ẩm thực, nghệ thuật dân ca, dân vũ, phong tục tập quán, trò chơi dân gian...

Nỗ lực giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số
 - Ảnh 2.

CLB hát Pả Dung của người dân tộc Dao

Bà Nông Thị Phương Sao - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện Định Hóa, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, toàn huyện hiện có 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 23 CLB văn hóa, văn nghệ, văn học nghệ thuật hoạt động thường xuyên. Hội LHPN các xã đã phối hợp với các CLB văn hóa, văn học nghệ thuật của xã để tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát triển văn hóa.

"Lễ hội lồng tồng được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 9, mùng 10 tháng Giêng âm lịch gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ có lễ tạ thiên địa, cầu thần nông độ trì cho mưa thuận, gió hòa, nhân khang, vật thịnh. Các nghi lễ như lễ cầu mùa của dân tộc Tày, lễ cầu phúc của dân tộc Dao, lễ cầu mùa của dân tộc Sán Chay, lễ tịch điền với các nghi thức cổ truyền, mang đậm màu sắc tín ngưỡng của đồng bào dân tộc.

Nỗ lực giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số
 - Ảnh 3.

Lễ hội hàng năm đón tiếp trên hàng nghìn du khách đến tham quan trẩy hội. Tất cả đều có sự tham gia của đông đảo hội viên, phụ nữ

Phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian đậm đà bản sắc dân tộc được tổ chức từ ngày mùng 9 tháng Giêng như: Hội tung còn, thi giã bánh dày, thi hát dân ca các dân tộc, đẩy gậy, kéo co, bịt mắt bắt dê, bắn nỏ.... diễn ra hấp dẫn, thu hút du khách khám phá, tham quan, trải nghiệm. Ngoài ra, trong lễ hội lồng tồng còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa khác như: Thi cắm trại, đêm lửa trại... Lễ hội hàng năm đón tiếp trên hàng nghìn du khách đến tham quan trẩy hội. Tất cả đều có sự tham gia của đông đảo hội viên phụ nữ", bà Phương Sao cho biết.

Về du lịch cộng đồng, hiện nay huyện triển khai điểm du lịch cộng đồng tại xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình, là một xóm khó khăn, có đồng bào dân tộc Dao và dân tộc Tày cùng sinh sống. Trong thực hiện đề án có nội dung hỗ trợ thành lập và phát triển đội văn nghệ quần chúng, và đội văn nghệ này do chi hội trưởng phụ nữ xóm làm đội trưởng.

Qua thực hiện các mô hình, Hội LHPN huyện đã tập hợp được nhóm hội viên, phụ nữ đặc thù (nữ thanh niên, phụ nữ cao tuổi, nữ tiểu thương…) tham gia sinh hoạt và tăng tỷ lệ thu hút kết nạp hội viên mới vào tổ chức hội. Các CLB, tổ, nhóm này đã thu hút nhiều chị em phụ nữ tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Hội, của địa phương. Qua đó, các chị làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, con em đồng bào trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp.

Nỗ lực giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số
 - Ảnh 4.

Múa rối cạn của người dân tộc Tày ở Thẩm Rộc (xã Bình yên) và Ru Nghệ (xã Đồng Thịnh)

Những năm qua, Hội LHPN huyện và cơ sở đã phối hợp với Phòng Văn hóa thông tin huyện và các tổ chức đoàn thể của xã, thôn trong việc duy trì các CLB hát ví; hát lượn, hát Pả Dung, hát Sấng Cọ; nhảy Tắc xình Páo Dung, hát then đàn tính… Qua đó, thể hiện tính đoàn kết trong cộng đồng, sự gắn bó, hài hòa giữa con người với các yếu tố tự nhiên.

Để duy trì nét đẹp văn hóa của các dân tộc, nhất là trang phục truyền thống. Hội LHPN các xã, thị trấn đã tuyên truyền vận động các khu dân cư tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ nhằm duy trì và gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc. Đồng thời làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân trong thôn, trong xã; duy trì mặc những bộ trang phục truyền thống của các dân tộc gắn liền với bảo tồn những điệu hát then đàn tính, hát Páo Dung, những điệu múa trong Lễ cầu mùa, Lễ hội lồng tồng…

Bà Phương Sao cho biết, hiện nay huyện Định Hóa đã triển khai các đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị tinh hoa văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa" và hiện nay là Đề án "Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc giai đoạn 2021-2025". Vì vậy trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của hội viên phụ nữ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa về công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động chị em bằng nhiều hình thức phù hợp. 

Bên cạnh đó là tăng cường chăm lo, hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường; tổ chức tốt cuộc sống gia đình no ấm, tiến bộ, văn minh, góp phần cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm