pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nỗ lực giúp môi trường nông thôn sạch đẹp
Chị Bùi Thị Thanh
Sinh năm 1976, chị Bùi Thị Thanh đã có 16 năm tham gia công tác Hội và 12 năm là tuyên truyền viên bảo vệ môi trường của Hội. Chị Thanh cho biết, Tân Phong là xã thuần nông của huyện Kiến Thụy, người dân trong xã chủ yếu làm nông nghiệp nên kinh tế khó khăn. Tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nông thôn là một trong những vấn đề nhức nhối tại địa phương.
Năm 2012, chính quyền địa phương cùng Hội LHPN xã vận động các hộ dân tự đóng góp kinh phí thực hiện vệ sinh môi trường. Hoạt động này đã góp phần giúp môi trường của xã được sạch, đẹp hơn. Tuy nhiên, tình trạng người dân đổ chung tất cả các loại rác vào một thùng đựng rác mà không phân loại tại gia đình hay việc sử dụng quá nhiều túi nilon, đồ nhựa dùng một lần đã gây ô nhiễm rác thải nhựa, ảnh hưởng đến sức khỏe. Đây là vấn đề mà địa phương trăn trở nhiều năm qua.
Năm 2018, được sự quan tâm của các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương, Hội LHPN xã Tân Phong được tiếp cận Đề án 712 về thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới và bản thân chị Thanh được tín nhiệm làm tuyên truyền viên nòng cốt. Qua 3 năm thực hiện mô hình, chị Thanh được tham gia các lớp tập huấn, các buổi truyền thông cộng đồng. Qua đó, chị đã có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, tham quan các mô hình hay. Từ đó, chị tổ chức 6 lớp tập huấn cho 45 cán bộ Hội và người thu gom rác; thực hiện 48 buổi tuyên truyền tại các thôn, các trường học về kiến thức phân loại rác thải tại gia đình, chống rác thải nhựa, thu hút 4.312 lượt người tham gia.
"Ngoài ra, Hội LHPN xã còn phối hợp với trường THCS xã Tân Phong tổ chức cuộc thi vẽ tranh "Vì môi trường tương lai", tổ chức một buổi trình diễn thời trang, trang phục làm từ rác thải nhựa", chị Thanh cho biết thêm. Bên cạnh đó, chị còn đến tận hộ gia đình hướng dẫn người dân phân loại rác thải, tận dụng rác thải hữu cơ ủ thành phân hữu cơ phục vụ cho sản xuất; vận động hội viên tại các chợ hạn chế sự dụng túi nilon, đồ nhựa một lần để giảm lượng rác thải nhựa. Chị cùng các thành viên trong nhóm đã tuyên truyền cho hội viên và nhân dân nâng cao nhận thức thay đổi hành vi, giúp môi trường sống tại địa bàn được cải thiện đáng kể.
Đến nay, đã có 98% hộ dân trong xã tự phân loại rác thải tại gia đình, 82% người dân khi đi chợ mang theo làn, túi vải, hộp, bát, cặp lồng để đựng hàng thay thế túi nilon và đồ nhựa dùng một lần; 320 hộ ủ phân hữu cơ, vận động 1.420 hộ tự mua thùng phân loại rác với số tiền 67,5 triệu đồng. Để giúp cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, chị Thanh cùng các hội viên vận động bà con trồng 8 tuyến đường hoa.
Không chỉ tuyên truyền cho người dân trong xã, chị còn là tuyên truyền viên của huyện, tham gia tuyên truyền cho phụ nữ và nhân dân 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện và một số quận ở Hải Phòng.
Từ các hoạt động trên, người dân trong xã đã thay đổi nhận thức, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, góp phần giảm lượng rác thải của địa phương từ 900 tấn rác năm 2018 xuống còn 460 tấn năm 2020. Với những nỗ lực bảo vệ môi trường, năm 2020, chị Bùi Thị Thanh đã nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.