pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nỗ lực nâng cao hiệu quả chính sách chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Quỳnh
Dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; đại diện các ban TƯ Hội LHPN Việt Nam; Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nghệ An; đại diện Sở Y tế, Ban Dân tộc tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan.
4 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em thuộc Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Dự án được triển khai ở 11 huyện, 76 xã, 588 thôn, bản miền núi Nghệ An.
Trong những năm gần đây, số lượng phụ nữ được tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số ngày càng tăng. Tuy nhiên, với 5 dân tộc thiểu số chính, gồm: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu, chiếm 15,2% dân số toàn tỉnh, sinh sống tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An, năm 2023, tổng số ca sinh ngoài cơ sở y tế là 460 ca, 6 tháng đầu năm 2024 có 205 ca sinh ngoài cơ sở y tế, chủ yếu thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ khó khăn đó, 3 năm qua, việc triển khai 4 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Các cấp Hội đã có nhiều hoạt động tập trung vào 9 chỉ tiêu cốt lõi, trong đó, tập trung vào tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; các hoạt động đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, giám sát và phản biện xã hội; nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số, nâng cao năng lực lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, và người có uy tín trong cộng đồng; giám sát, đánh giá thực hiện bình đẳng giới.
Đồng thời, triển khai gói hỗ trợ bà mẹ và chăm sóc trẻ em, tính đến ngày 10/5/2024, toàn tỉnh Nghệ An đã chi trả chế chế độ, chính sách cho 67 bà mẹ sinh con tại cơ sở y tế, với tổng số tiền 161 triệu đồng.
Quang cảnh Hội thảo
Về công tác tuyên truyền, các cấp Hội đã tổ chức hàng trăm buổi truyền thông về các vấn đề đặt ra trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng cao và nâng cao nhận thức làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe trẻ em và vận động phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế. Trong đó, cấp huyện thu hút 12.750 lượt hội viên, phụ nữ tham gia và cấp xã là 18.750 lượt hội viên, phụ nữ tham gia.
Đồng thời, ra mắt các mô hình “Câu lạc bộ hỗ trợ kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ về làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe trẻ em tại nhà”.
Tại hội thảo, đại diện các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai 4 gói chính sách liên quan đến công tác tuyên truyền và một số quy định chưa rõ dẫn đến lúng túng khi xây dựng dự toán; vấn đề hỗ trợ phụ nữ người Kinh lấy chồng là người dân tộc thiểu số.
Từ các khó khăn trên, đại diện TƯ Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã thống nhất nhiều giải pháp để tăng cường hiệu quả phối hợp với các ban, ngành liên quan nhằm đa dạng hình thức truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe trẻ em và vận động phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế.
Hướng dẫn các đơn vị phối hợp với ngành Y tế tổ chức rà soát, khảo sát và thực hiện gói hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn để chi trả cho các đối tượng theo đúng quy định. Quan tâm công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách một cách toàn diện, sâu sát trong thời gian tiếp theo.