pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mường Lát: Thực hiện Dự án 8 không chỉ là nhiệm vụ của riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ
Cán bộ Hội LHPN xã Nhi Sơn (huyện Mường Lát) tổ chức hội nghị truyền thông xoá bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em cho hội viên Chi hội bản Kéo Hượn ngày 11/7/2024
Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với bà Hà Thị Nhơn - Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Lát - về kinh nghiệm, bài học trong quá trình thực hiện hoạt động này.
- PV: Bà có thể cho biết đôi nét về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội tại huyện Mường Lát?
Bà Hà Thị Nhơn: Mường Lát là huyện vùng cao biên giới, cách trung tâm thành phố 250 km về phía Tây; có đường Biên giới dài 105,3 km, tiếp giáp với 2 huyện Sốp Bâu và huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào. Toàn huyện, có 8 đơn vị hành chính, 88 thôn, bản, khu phố, trong đó có 73 thôn bản đặc biệt khó khăn. Hiện nay, có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn của chúng tôi.
Mường Lát có địa hình hiểm trở, chủ yếu là đồi núi cao, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở vật chất còn nghèo, trình độ dân trí chưa đồng đều, các vấn đề xã hội như buôn bán, sử dụng các chất ma túy, vấn đề dân tộc, tôn giáo còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp; tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại...
Sản xuất lạc hậu, chủ yếu theo lối độc canh, đất đai kém màu mỡ, kinh tế mang tính tự cung, tự cấp. Một vài con số chưa tốt lắm nhưng tôi vẫn phải nói đó là số hộ nghèo toàn huyện lên tới gần 37%; hộ cận nghèo khoảng gần 15%; trong đó các hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ là gần 1.000 hộ, chiếm tới hơn 20%.
- PV: Với rất nhiều khó khăn như bà vừa chia sẻ, Hội LHPN huyện Mường Lát đã triển khai thực hiện Dự án 8 như thế nào?
Bà Hà Thị Nhơn: Từ năm 2022, Hội LHPN huyện được giao chủ trì triển khai thực hiện Dự án 8. Chúng tôi xác định "Tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em" là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, việc xây dựng Tổ truyền thông cộng đồng, mô hình Địa chỉ tin cậy, Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi, đối thoại chính sách là những nội dung cần tập trung triển khai thực hiện.
Căn cứ hướng dẫn của Hội cấp trên, Hội LHPN huyện tiến hành khảo sát tại các xã, thị trấn thuộc vùng Dự án để thành lập các tổ, nhóm, mô hình, câu lạc bộ phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, xác định những vấn đề trên địa bàn đang quan tâm, tại các buổi ra mắt tổ, nhóm, mô hình, câu lạc bộ. Không chỉ chị em phụ nữ mà cả nam giới tham gia hội nghị có cách nhìn toàn diện hơn trong quan niệm về giới, trách nhiệm, lợi ích từ việc chia sẻ công việc nhà giữa các thành viên trong gia đình.
- PV: Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay chương trình đã thu được những kết quả gì?
Bà Hà Thị Nhơn: Tính đến tháng 6/2024, toàn huyện thành lập được 34/30 "Tổ truyền thông cộng đồng"; thành lập mới 4 mô hình "Địa chỉ tin cậy"; 6 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi"; tổ chức đối thoại chính sách 8/14 Hội nghị; tổ chức 61 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực triển khai một số mô hình, hoạt động của dự án và truyền thông xoá bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng cho 4,3 nghìn hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn 8 xã đặc biệt khó khăn.
Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội, Hội LHPN huyện chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên nhóm facebook, fanpage, zalo… để cập nhật, chia sẻ thông tin đến đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Hoạt động của Dự án 8 đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, trẻ em trong gia đình và xã hội, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho từng địa phương được hưởng lợi, được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.
- PV: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chắc hẳn có không ít khó khăn trong quá trình thực hiện? Bà có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Bà Hà Thị Nhơn: Tại địa bàn có tính đặc thù như Mường Lát, công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện quả thực không hề đơn giản. Với địa hình xa xôi, hiểm trở, nhiều nơi còn chưa có sóng điện thoại, vì vậy công tác tuyên truyền có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chưa sâu sát. Tại một số cơ sở vẫn coi thực hiện Dự án 8 là việc riêng của Hội phụ nữ, thiếu sự phối hợp.
Đặc biệt, một bộ phận hội viên, phụ nữ và nhân dân chưa nhận thức rõ, việc thay đổi, nếp nghĩ, cách làm xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng là trách nhiệm chung của cộng đồng. Vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên còn chưa nhiều. Chúng tôi cũng rất trăn trở khi trong quá trình đến các cơ sở giám sát, việc ăn, ở hợp vệ sinh của một số hộ dân vẫn chưa đảm bảo; khát vọng vươn lên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu của một số hộ dân vẫn còn hạn chế.
- PV: Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, khắc phục những tồn tại hạn chế trong triển khai thực hiện Dự án 8 nói riêng, các Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung trong thời gian tới, bà có đề xuất gì?
Bà Hà Thị Nhơn: Đây là nhiệm vụ, trách nhiệm chung của cộng đồng nên tôi cho rằng, Hội LHPN cấp trên cần tiếp tục có những kế hoạch chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị địa phương trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Hội phụ nữ các cấp nên chú trọng tuyên truyền trực quan, vận động người dân thay đổi ý thức với phương châm: Hành động tạo thói quen hình thành nếp nghĩ. Chúng ta phải thay đổi cách làm, cách triển khai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách kiên trì, kiên quyết với phương pháp "mưa dầm thấm lâu".
Thứ hai, các cấp Hội cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, đề xuất có hiệu quả công tác lồng ghép giới trong xây dựng, triển khai các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, tập trung vào chính sách chăm lo, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của phụ nữ.
Thứ ba, Hội LHPN các cấp nên chủ động và thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận xã hội; kịp thời phối hợp phát hiện, ngăn chặn và giải quyết những vụ việc và các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Trong đó, chúng ta cần quyết liệt hơn nữa thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giúp cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số vượt qua mọi rào cản trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, từ đó nâng cao vị thế của mình trong gia đình và xã hội.
Và cuối cùng, việc quan trọng không kém mà chúng ta cần vào cuộc đó là làm tốt công tác phát hiện, giới thiệu, xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, các hoạt động đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và giám sát phản biện xã hội, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số.
- PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!