pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nỗ lực xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ trong người cao tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Chị Trần Thị Thu Hiền - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Lập - cho biết, trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã, nhiều cặp vợ chồng trẻ còn bị áp lực bởi quan điểm của người già. Họ cho rằng cần phải có cháu trai nối dõi, và coi đó là nhiệm vụ cốt yếu của mỗi người con trong gia đình. Bởi vậy, "bắt buộc" phải có con trai để "nối dõi tông đường" dù nhiều cặp vợ chồng đã sinh đủ 2 con.
Ở một số hộ, quan niệm "trọng nam khinh nữ" rất đậm nét. Trong các buổi cỗ bàn, lễ, tết, nếu đàn ông nào sinh được con trai thì ngồi ở mâm trên, còn nếu sinh con gái thì phải ngồi ở mâm dưới. Thậm chí, nhiều người đàn ông còn bị chính những người anh em, bạn bè chế giễu, trêu đùa do không sinh được con trai. Những định kiến này đã gây áp lực cho họ và là nguồn cơn của những cuộc cãi vã, bạo hành trong gia đình. Hay trong mối quan hệ vợ chồng, tiếng nói của người đàn ông bao giờ cũng có trọng lượng hơn phụ nữ.
"Vì vậy, chúng tôi đã tích cực phối hợp với Hội Người cao tuổi để tuyên truyền luật bình đẳng giới, đặc biệt là tư tưởng trọng nam khinh nữ cho người cao tuổi. Động viên họ tham gia các buổi tuyên truyền, các buổi giao lưu của hội với nội dung về bình đẳng giới. Các tổ truyền thông cộng đồng đến từng hộ có con cái sinh một bề tuyên truyền cho người già hiểu và thay đổi nếp nghĩ và tư tưởng trọng nam khinh nữ", bà Hiền cho biết.
Xã Tân Lập cách trung tâm huyện Lục Ngạn 14km, gồm 16 thôn với 2.073 hộ sinh sống, đến 70% là người DTTS như Hoa, Tày, Nùng, Sán Dìu, Cao Lan, Dao. Đáng chú ý là hộ nghèo chiếm 4.2%, hộ cận nghèo là 6.8%, trong đó đa số hộ nghèo và cận nghèo là hộ người DTTS.
Vấn đề nổi cộm trong đồng bào DTTS chính là bất bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính, tỷ lệ sinh con trai nhiều hơn con gái. Đáng lo ngại, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn rất nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống của những cặp vợ chồng chỉ sinh được con gái.
Trên thực tế đó, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Tân Lập đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp tuyên truyền chính sách về dân số, triển khai nhân rộng các mô hình điển hình gia đình hạnh phúc.
Nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, xóa bỏ định kiến về giới, đến nay, Hội LHPN xã Tân Lập đã thành lập 6 tổ truyền thông cộng đồng tại 6 thôn đặc biệt khó khăn. Các tổ cộng đồng đã hoạt động tích cực nhằm nâng cao nhận thức về giới cho phụ nữ; hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em; tổ chức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng qua các buổi sinh hoạt hội phụ nữ và các cuộc họp nhân dân; xây dựng tài liệu, ấn phẩm truyền thông; thành lập nhóm Zalo, Facebook để chỉ đạo các tổ truyền thông và nắm bắt thông tin báo bao nhanh tình hình tại địa phương khi xảy ra các vụ việc.
"Việc tuyên truyền bình đẳng giới đối với người cao tuổi hết sức khó khăn vì tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu bám rễ vào tiềm thức của người cao tuổi", bà Hiền lo ngại.
Hội LHPN xã Tân Lập đã có nhiều biện pháp nhằm loại bỏ tư tưởng lạc hậu trong các gia đình người DTTS. Đặc biệt là việc tuyên truyền thực hiện Dự án 8 đến 6/6 chi hội, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham dự. Qua các buổi tuyên truyền, nhiều chị em đã nhận thức được tình trạng bất bình đẳng giới, thay đổi tư tưởng về giới, để từ đó không phân biệt đối xử giữa con trai, con gái, chăm sóc con cái bình đẳng như nhau.
Tổ truyền thông cộng đồng sẽ nắm bắt các trường hợp cần thiết, kịp thời tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ hoặc gia đình có tư tưởng bất bình đẳng giới. Xây dựng các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới; đảm bảo sự tham gia của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động của cộng đồng.
Hội thường xuyên đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động nhằm mang lại hiệu quả cao nhất có thể để từng bước thay đổi định kiến giới và thay đổi nếp nghĩ trọng nam khinh nữ của người cao tuổi.