Hiện nay, bạn trẻ thích nuôi tinh thể có thể tham gia diễn đàn dành riêng như Facebook như Tinh thể học - Crystallography hay trang web http://vinacryst.hnue.edu.vn để cùng chia sẻ kinh nghiệm, khoe sản phẩm tinh thể nuôi được... Một số trường THPT cũng đã mở CLB Nuôi tinh thể như trường Wellspring. Cô giáo Hà Ngọc Phương, dạy môn Hóa học của trường Wellspring cho biết, cứ đầu năm học, trường lại phát động các HS nuôi tinh thể và khoảng hết học kỳ 1 thì sẽ cùng “thu hoạch” và trưng bày sản phẩm của các bạn.
Muốn “sinh” ra một đơn tinh thể, theo cô Phương, “bố mẹ nuôi” cần tạo mầm tinh thể từ dung dịch quá bão hòa theo cơ chế bay hơi hoặc làm lạnh từ từ. Sau đó, người nuôi sẽ kiên trì chờ đợi để các mầm tinh thể lớn dần theo cơ chế các phân tử sắp xếp tiếp vào mạng tinh thể.
Để có thể tạo tinh thể, người nuôi (gọi vui là “bố mẹ nuôi”) cần có nước cất và một số dụng cụ như muối alum, que, đĩa nông, cốc thủy tinh, bếp đun, keo dính, hộp xốp và có thể dùng thêm cân và nhiệt kế. Các bố mẹ đun ít nước rồi hòa tan muối alum để thu được dung dịch bão hòa, rót dung dịch còn nóng vào đĩa rồi để nguội từ từ.
Sau khoảng 1 ngày, bố mẹ sẽ thấy những em bé tinh thể đầu tiên “chào đời”. Lúc này, “bố mẹ nuôi” chỉ cần dùng kính lúp để chọn lấy một bé mầm đẹp nhất rồi dính bé vào đầu dây nilon nhỏ bằng keo. Để có thể nuôi tinh thể lớn, các “bố mẹ nuôi” cần tiếp tục cho thêm lượng hóa chất gấp đôi lượng có thể tan được trong một thể tích nước rồi đun nóng, để nguội và nhúng tinh thể mầm vào dung dịch đã bão hòa này. Khi tinh thể to lên, các “bố mẹ nuôi” sẽ phải thay dung dịch mới hàng ngày.
Để nuôi một đơn tinh thể đủ to, bạn trẻ cần sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Chẳng hạn, nếu chỉ nhúng tinh thể vào dung dịch chưa bão hòa, thì tinh thể sẽ bị tan đi một phần hoặc hoàn toàn. Kết quả là tinh thể rơi ra khỏi dây buộc hoặc biến mất. Ngay cả khi đã pha được dung dịch quá bão hòa, mà chỉ cần nhiệt độ phòng tăng lên vài độ cũng sẽ làm cho tinh thể “qua đời” do độ tan tăng.
Thế nên, khi lấy tinh thể ra khỏi dung dịch, người nuôi phải nhanh chóng làm sạch dung dịch bám trên bề mặt tinh thể bằng cách phun nước lên hoặc nhúng nhanh tinh thể vào cốc nước sạch. Nếu không lớp dung dịch này bay hơi nhanh chóng làm kết tủa chất trên bề mặt tinh thể và làm cho tinh thể không trong suốt giống như trong hình được nữa.
Bạn Nguyễn Thu Trang, sinh viên ĐH KHXH&NV Hà Nội, cho biết: Bạn mới nuôi tinh thể được vài tháng. Lúc đầu chỉ là Trang thấy bạn bè nuôi thì làm theo nhưng sau đó thì mê luôn.
Trước đây, hàng sáng trở dậy, Trang lại vớ lấy điện thoại để lướt web thì nay, việc đầu tiên Trang làm là “đi thăm các bé tinh thể”. “Cảm giác thấy những tinh thể lớn lên qua mỗi ngày rất thú vị. Mình thấy chúng hệt như những cơ thể sống, cũng không chịu lớn nếu người nuôi không chăm chút. Nhưng đổi lại, khi sản phẩm hoàn thành, cảm giác được “đón tay” các bé tinh thể rất tuyệt vời”. Trang cho biết, thông thường, với ai nóng ruột thì sau vài ngày là có thể cho bé tinh thể “xuất viện”, dù bé còn bé xíu. Nhưng, một bé tinh thể “kháu khỉnh” cần thời gian nuôi vài tháng, thậm chí cả năm trời.
Bạn Đình Hùng, học lớp 12 ở quận Ba Đình, Hà Nội, kể, tạp chất hay những chất cho thêm vào trong dung dịch kết tinh có thể làm thay đổi màu sắc hình khối của tinh thể. Ngoài muối, Hùng và các bạn còn sáng tạo ra nhiều loại tinh thể từ đường, phèn chua, muối đồng... hay cho vào nước dung dịch bão hòa thêm các màu thực phẩm như xanh, đỏ, tím... để tinh thể sau kết tinh có màu lấp lánh.
Ngoài ra, bạn trẻ còn có thể nuôi tinh thể trên vỏ trứng thay vì sợi chỉ làm thành vật trang trí, lưu niệm rất đẹp mắt. Chất lượng của tinh thể được đánh giá qua độ trong suốt, sắc nét của đường viền, độ nhẵn của bề mặt đơn tinh thể, khối lượng tinh thể kết bám. Hùng cho biết, càng nuôi tinh thể Hùng càng thấy sự kỳ diệu của khoa học, nhất là môn Hóa.