pnvnonline@phunuvietnam.vn
"No Tech Night" kết nối gia đình giữa thời công nghệ
!["No Tech Night" kết nối gia đình giữa thời công nghệ](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/1098/179072216278405120/2025/2/14/xu-huong-gia-dinh-17395102153211969288678-0-0-880-1408-crop-1739510229420365413688.jpg)
Ảnh minh họa
Nguồn gốc và xu hướng
Khái niệm "No Tech Night" bắt đầu xuất hiện vào cuối những năm 2000 và đầu 2010, chủ yếu tại Mỹ và một số nước phương Tây. Nó xuất phát từ lo ngại về sự phụ thuộc vào công nghệ, đặc biệt là điện thoại thông minh và mạng xã hội, khiến các mối quan hệ gia đình và xã hội bị ảnh hưởng.
Một trong những tổ chức tiên phong thúc đẩy phong trào này là Common Sense Media, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ chuyên về giáo dục truyền thông và công nghệ cho trẻ em. Bên cạnh đó, nhiều gia đình, trường học và doanh nghiệp cũng hưởng ứng xu hướng này như một cách giúp cân bằng cuộc sống.
Xu hướng này cũng được áp dụng trong một số tổ chức lớn như tại Google với thử thách "No-Tech Tuesday" nhằm khuyến khích nhân viên tạm rời xa công nghệ vào các buổi tối thứ Ba. Những người tham gia đã báo cáo về việc cải thiện giấc ngủ, tăng cường sự sáng tạo và kết nối tốt hơn với những người xung quanh.
Nhiều trường học và công ty khuyến khích áp dụng "No Tech Night" nhằm giúp học sinh và nhân viên cân bằng giữa công việc, học tập và cuộc sống cá nhân. Một số gia đình đặt ra quy tắc "Không thiết bị điện tử sau 7h tối" hoặc "Không dùng điện thoại trong bữa ăn" để thực hiện "No Tech Night" một cách linh hoạt.
Gần đây, các phong trào mở rộng như "No Tech Weekend" (Cuối tuần không công nghệ) hoặc "Digital Detox" (Cai nghiện công nghệ) cũng ngày càng phổ biến.
"No Tech Night" không phải là một xu hướng chống công nghệ, mà là một cách để sử dụng công nghệ một cách thông minh và có ý thức hơn.
![Phong trào buổi tối không công nghệ trong gia đình- Ảnh 1. Phong trào buổi tối không công nghệ trong gia đình- Ảnh 1.](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/179072216278405120/2025/2/14/unnamed-1739510415944295575977.jpg)
Ảnh minh họa
Vì sao "No Tech Night" được ủng hộ?
Trong bối cảnh hiện đại, sự phụ thuộc vào công nghệ có thể dẫn đến thiếu tương tác và giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình. Hình ảnh mỗi người "ôm" một chiếc điện thoại, "thả" mình vào thế giới ảo thay vì trò chuyện, cười đùa cùng nhau đang trở nên phổ biến. Điều này ảnh hưởng đến sự gắn kết và quan tâm trong gia đình.
"No Tech Night" được nhiều gia đình, trường học và tổ chức hưởng ứng vì các lợi ích nổi bật trước nguy cơ các mối quan hệ trong gia đình trở nên lỏng lẻo trước sự can thiệp của công nghệ. Một buổi tối/ một bữa ăn/ những trò chơi vận động truyền thống hay một cuộc nói chuyện toàn tâm toàn ý cùng nhau sẽ giúp tăng cường kết nối gia đình một cách trọn vẹn.
Việc tạm thời "ngắt kết nối" khỏi màn hình giúp các thành viên trong gia đình có thời gian trò chuyện, chơi trò chơi, đọc sách hoặc cùng nhau nấu ăn, từ đó cải thiện quan hệ gia đình.
Giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tinh thần: Nghiên cứu của Đại học Stanford (2017) cho thấy việc sử dụng công nghệ quá mức có thể gây lo âu và ảnh hưởng đến giấc ngủ. "No Tech Night" giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm căng thẳng.
Bên cạnh đó, xu hướng này giúp trẻ em phát triển kỹ năng xã hội như học cách giao tiếp trực tiếp, thay vì chỉ trò chuyện qua màn hình, tạo thói quen cân bằng giữa công nghệ và đời sống thực.
Với gia đình, xu hướng này còn giúp các thành viên ý thức hơn về việc sử dụng công nghệ một cách có kiểm soát, xây dựng các mối quan hệ gia đình bền chặt hơn. Việc thực hiện "No-Tech Night" giúp các gia đình tái thiết lập sự kết nối, tạo cơ hội cho các thành viên chia sẻ, trò chuyện và tham gia các hoạt động chung như chơi trò chơi, đọc sách hay nấu ăn cùng nhau.
Điều này không chỉ tăng cường mối quan hệ gia đình mà còn giúp giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tinh thần.
Tuy nhiên, để xu hướng này thực sự hiệu quả, cần có sự đồng thuận và cam kết từ tất cả các thành viên. Việc lên kế hoạch cho các hoạt động thay thế và tạo môi trường khuyến khích giao tiếp trực tiếp cũng rất quan trọng để đảm bảo mọi người cảm thấy thoải mái và hứng thú khi tham gia.