Nobel Vật lý 2019 vinh danh phát hiện về vũ trụ học và ngoại hành tinh

08/10/2019 - 18:17
Ngày 8/10, giải Nobel Vật lý 2019 đã thuộc về nhà khoa học James Peebles, Michel Mayor và Didier Queloz vì những phát hiện góp phần vào nhận thức của con người về vũ trụ và ngoại hành tinh quay quanh ngôi sao giống Mặt Trời.
Các nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý 2019
Ông Göran K. Hansson - Tổng thư ký Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển - tuyên bố, với trị giá 9 triệu kronor Thụy Điển (913.000 USD), nhà khoa học James Peebles (người Canada) sẽ được trao một nửa giải Nobel vì những phát hiện mang tính lý thuyết về vũ trụ vật lý. Còn hai nhà khoa học Michel Mayor và Didier Queloz (người Thụy Sĩ) chia nhau nửa giải còn lại vì phát hiện một hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời có quỹ đạo quay quanh một ngôi sao cùng loại với Mặt Trời.
 
Nhà vật lý Philip Peebles
Philip Peebles là nhà vũ trụ học lý thuyết giữ 2 danh hiệu giáo sư danh dự tại trường Đại học Princeton ở Mỹ. Ông nghiên cứu các vấn đề đa dạng từ sự tổng hợp nguyên tố nhẹ cho đến bản chất của vũ trụ tối. Vào những năm 1960, Peebles đã dự đoán một số đặc điểm quan trọng nhất của bức xạ nền vi sóng vũ trụ (CMB). Ông còn định lượng sự kết tập thiên hà thành những cấu trúc vĩ mô theo thời gian và giữ vai trò đi đầu trong việc phát triển các lý thuyết “vật chất tối lạnh”. Ông đã từng được trao tặng Huy chương Dirac 2013 với 5.000 USD tiền thưởng cho công trình nghiên cứu sâu rộng mang đến những tiến bộ lớn trong vũ trụ học, thiên văn vật lý học và vật lý học cơ bản.
Michel Mayor là một nhà thiên văn vật lý học, giáo sư danh dự tại khoa Vũ trụ học, Đại học Geneve (Thụy Sĩ). Ông hiện làm việc với tư cách nhà nghiên cứu tại Đài Quan sát Geneve. Ông còn là viện sĩ viện hàn lâm khoa học Pháp và Mỹ. Những lĩnh vực nghiên cứu của ông gồm: Hành tinh ngoài Hệ Mặt trời, dụng cụ/thiết bị đo đạc thiên văn, các đặc tính bằng thống kê của các sao đôi, động lực học của các đám sao cầu, cấu trúc thiên hà, động học. Ông Mayor là người đầu tiên tìm ra hành tinh ngoài Hệ Mặt trời 51 Pegasi b. Khám phá của ông đã tác động đến lý thuyết hình thành các hệ hành tinh và mở ra hướng nghiên cứu mới trong thiên văn hiện đại. Từ đó đến nay đã có hơn 1.000 hành tinh được phát hiện. Ông đã được trao nhiều giải thưởng quốc tế trong sự nghiệp nghiên cứu của mình và được nhiều đại học danh tiếng trên thế giới trao bằng giáo sư danh dự.
 
Ông Didier Queloz và Michel Mayor
Ông Didier Queloz, người có biệt danh "thợ săn hành tinh" và là người đã phát hiện ngoại hành tinh đầu tiên vào năm 1995.
Năm  2009, ông Queloz đã cùng các nhà khoa học châu Âu phát hiện ra hành tinh mới được đặt tên là Corot-7b nằm cách hệ Mặt trời từ 400-500 năm ánh sáng và được coi là hành tinh thể rắn đầu tiên được tìm thấy có tỷ trọng vật chất gần giống Trái đất. Corot-7b có đường kính lớn gấp 1,8 lần và trọng lượng gấp 5,5 lần Trái đất. Hành tinh ngoài hệ Mặt trời này (exoplanet) quay một vòng xung quanh ngôi sao của mình chỉ trong 20 giờ (so với 1 năm của Trái đất). Tuy mang cấu trúc khá giống Trái đất, nhưng các nhà khoa học đều nhất trí rằng sự sống khó có thể tồn tại tại hành tinh "anh em sinh đôi" này, nơi nhiệt độ bề mặt phần được chiếu sáng luôn ở trên mức 2.000 độ C với các đại dương chứa nham thạch do nó chỉ cách "Mặt trời" của mình 2,5 triệu km, trong khi Trái đất của chúng ta cách Mặt trời khoảng 150 triệu km.
Ngoài ra, ông Didier Queloz đã cùng các nhà khoa học trường Đại học Cambridge (Anh) đã phát hiện 3 hành tinh có cùng kích cỡ với Trái Đất đang quay quanh quỹ đạo một ngôi sao lùn nằm cách Trái Đất 40 năm ánh sáng. Ngôi sao có tên TRAPPIST-1 nằm trong chòm sao Bảo Bình. TRAPPIST-1 là ngôi sao lùn, lạnh hơn và đỏ hơn so với Mặt Trời và lớn hơn một chút so với sao Mộc. Các ngôi sao như vậy có rất nhiều trong dải Ngân hà và tồn tại rất lâu. Các hành tinh này được cho là nơi tốt nhất để bắt đầu tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.
Giải Nobel Vật lý là giải thưởng thường niên của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, được trao lần đầu vào năm 1901 và sau 117 năm tới nay đã có 112 giải được trao, trong đó có 3 chủ nhân giải thưởng là nữ giới gồm Marie Curie vào năm 1903, Maria Goeppert-Mayer vào năm 1963. Bà Donna Strickland đạt giải Nobel Vật lý 2018 nhờ việc đề ra lý thuyết cấu trúc hạt nhân dạng lớp, cách mạng hóa ngành vật lý laser, giúp nghiên cứu hiệu quả và chính xác hơn các vật thể cực nhỏ và quá trình diễn ra siêu nhanh. Sự ra đời của những công cụ có độ chính xác cao giúp đã mở ra những lĩnh vực nghiên cứu mới, có nhiều ứng dụng trong công nghiệp và y học.
Bà Donna Strickland đạt giải Nobel Vật lý 2018
Người trẻ tuổi nhất từng giành Giải Nobel Vật lý là nhà khoa học Lawrence Bragg ở tuổi 25 (năm 1915), trong khi người cao tuổi nhất giành giải là nhà khoa học Arthur Ashkin (96 tuổi).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm