Nổi hạch ở nách có nguy hiểm không?

Vân Anh (Tổng hợp)
09/12/2023 - 11:17
Nổi hạch ở nách có nguy hiểm không?

Ảnh minh họa

Việc nổi hạch thường là dấu hiệu của nhiễm trùng. Nhưng trong một số trường hợp, hạch xuất hiện đột ngột, không di động và không tự biến mất thì có thể là dấu hiệu của ung thư.

Hạch bạch huyết (hạch) là bộ phận quan trọng của hệ thống miễn dịch và có tác dụng lọc các chất lạ ra khỏi cơ thể và lưu trữ các tế bào bạch cầu gọi là tế bào lympho. Tế bào lympho chống lại bệnh tật và nhiễm trùng. Việc nổi hạch thường là dấu hiệu của nhiễm trùng. Nhưng trong một số trường hợp, hạch xuất hiện đột ngột, không di động và không tự biến mất thì có thể là dấu hiệu của ung thư.

1. Dấu hiệu

Nổi hạch ở nách có thể khó nhìn bằng mắt nếu như hạch không quá to nhưng bạn có thể sờ thấy được. Các hạch bạch huyết ở nách bị sưng có thể có kích thước từ hạt đậu nhỏ đến kích thước rất to, khi sờ vào có cảm giác xốp hoặc cứng như đá cẩm thạch. Ngoài ra, khi bị nổi hạch ở nách, người bệnh còn cảm thấy:

- Sưng, nóng và đỏ.

- Đau hoặc nhức, mức độ sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây nổi hạch và sự lan rộng của hạch.

- Cảm giác nóng rát hoặc ngứa ran.

- Sưng vú hoặc cánh tay lân cận.

- Mệt mỏi.

- Sốt.

- Đau khớp hoặc cơ.

2. Nguyên nhân

Hạch ở nách đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại nhiễm trùng và duy trì sức khỏe tổng thể. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây nổi hạch ở nách:

- Nhiễm trùng: Các hạch bạch huyết bị sưng là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang cố gắng chống lại nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể do virus hoặc vi khuẩn.

- Phản ứng phụ của thuốc: Tiêm một số loại vaccine, chẳng hạn như bệnh sởi và Covid-19, có thể gây ra bệnh hạch bạch huyết một bên. Phản ứng này cho thấy vaccine đã kích hoạt phản ứng miễn dịch. Đặc biệt, các chuyên gia sức khỏe khuyên không nên tiêm vaccine trước khi chụp quang tuyến vú vì nó có thể bị nhầm là dấu hiệu của bệnh ung thư vú hoặc các bệnh khác. Ngoài vaccine, thuốc điều trị động kinh, chẳng hạn như phenytoin, cũng có thể gây sưng hạch bạch huyết.

- Rối loạn hệ miễn dịch: Các bệnh tự miễn dịch, chẳng hạn như lupus và viêm khớp dạng thấp, có thể gây ra tình trạng nổi hạch ở nách. Với những bệnh tự miễn, hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào bình thường, gây ra tình trạng viêm và nổi hạch ở một vùng nào đó hoặc toàn thân.

- Ung thư: Nổi hạch ở nách cũng có thể là triệu chứng của một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư hạch…

3. Điều trị

Không có cách điều trị cụ thể nào cho tình trạng nổi hạch ở nách ngoài việc điều trị nguyên nhân cơ bản. Chẳng hạn, sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, thuốc chống thấp khớp điều trị bệnh (DMARD) cho các bệnh tự miễn hoặc hóa trị, xạ trị và phẫu thuật cho bệnh ung thư. Tuy nhiên, một số biện pháp tại nhà có thể giúp giảm đau và giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn như:

- Nghỉ ngơi và uống nhiều nước, hỗ trợ phản ứng miễn dịch của cơ thể và thúc đẩy quá trình hồi phục.

- Chườm lạnh hoặc chườm ấm để giảm đau và sưng.

- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Aleve (naproxen) hoặc Advil (ibuprofen) để giảm đau và viêm.

4. Khi nào cần đi khám?

Đối với tình trạng nổi hạch ở nách do những nguyên nhân cơ bản như nhiễm trùng, hạch có thể biến mất sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu hạch gây sốt kéo dài, sưng to, đau và cực kì khó chịu thì bạn nên đến bệnh viện để được hướng dẫn điều trị. Ngoài ra, nếu hạch nổi ở nách không đau nhưng kèm theo các dấu hiệu sau, bạn nên đến bệnh viện thăm khám sớm:

- Hạch không nhỏ đi sau vài tuần hoặc có vẻ lớn hơn.

- Hạch gây ra tình trạng đỏ tấy.

- Cảm thấy các hạch cứng, không đều hoặc cố định tại chỗ.

- Hạch có đường kính lớn hơn 1,3 cm.

- Giảm cân không rõ nguyên nhân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm