pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nơi kể chuyện những người mẹ, người chị trong bản hùng ca thống nhất non sông

Bảo tàng phụ nữ Nam bộ có phòng trưng bày 3D tái hiện lại từng câu chuyện chân thực và khách quan
Dấu ấn phụ nữ trong lịch sử vệ quốc
Giáo sư xã hội học, trường Đại học Oregan (Mỹ) - bà Sandra Morgan - nhận xét trong một lần đến thăm quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (PNVN): "Bảo tàng PNVN rất đẹp, đến khi xem lần thứ 2, tôi mới hiểu rõ những đóng góp của PNVN đối với đất nước và cũng hiểu vì sao mà Chính phủ Việt Nam lại quyết định xây dựng Bảo tàng PNVN, một loại hình bảo tàng rất hiếm trên thế giới".

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Cái sự "hiếm" mà bà Sandra Morgan nhắc đến, không chỉ bởi sự đặc trưng về giới mà bởi, hiếm quốc gia nào trên thế giới có những bảo tàng mang đậm dấu ấn của phụ nữ trong kháng chiến như Bảo tàng PNVN và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ của chúng ta.

Những chiếc khăn thêu được trưng bày trong Bảo tàng PNVN
Còn bà Umnova Irina - Chủ tịch Quỹ quốc tế "Con đường hòa bình", Trưởng đoàn phụ nữ Nga - khi đến thăm Bảo tàng PNVN, nghe câu chuyện về những người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh, hình ảnh những bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng nhiều hiện vật gắn với phụ nữ, không giấu được niềm xúc động: "Phụ nữ Việt Nam không chỉ xông pha ra chiến trường mà có thể làm tất cả mọi việc: vừa chiến đấu, vừa lao động, vừa chăm sóc con cái… Việt Nam có thể tự hào về những đóng góp quan trọng của người phụ nữ xuyên suốt trong lịch sử và đối với sự thành công của đất nước ngày nay".
Không chỉ có những con số hay tên tuổi, lịch sử còn được kể lại bằng hiện vật - những chứng tích thầm lặng mà lay động. Hàng chục ngàn hiện vật, kỷ vật (phần nhiều là chiến tranh chống đế quốc Mỹ) của các nữ anh hùng, chiến sĩ cách mạng, thanh niên xung phong, giao liên, bộ đội, dân quân, liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng đang được lưu giữ tại hai bảo tàng phụ nữ là nguồn di sản mang giá trị lịch sử vô giá. Mỗi hiện vật, kỷ vật, tư liệu là một câu chuyện sống động về lòng quả cảm, đức hy sinh của những con người góp phần làm nên trang sử dân tộc hào hùng.

Những hiện vật được lưu giữ tại bảo tàng
Có dịp tiếp cận kho hiện vật và các trưng bày tại Bảo tàng PNVN và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, chúng ta mới cảm nhận được dấu ấn rất riêng của nền văn hoá dân tộc. Trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, tiếp đến hơn 80 năm chịu ách đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, 21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hơn ai hết, những người phụ nữ Việt Nam căm ghét chiến tranh, yêu hoà bình, thiết tha với cuộc sống bình yên. Thế nhưng, "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", thế thời đã buộc những người phụ nữ phải tham chiến, để giành lại tự do, hạnh phúc. Vậy đó, "chiến tranh không phải là gương mặt phụ nữ, việc người phụ nữ tham gia chiến đấu là bất đắc dĩ".
Chiến tranh bảo vệ tổ quốc đã khiến cả dân tộc trở thành chiến sĩ. Và chủ nghĩa yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm của Hai Bà Trưng, Bà Triệu… chính là mạch nguồn sức mạnh để những người phụ nữ trở thành anh hùng.
Phụ nữ Việt Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất non sông
Không nhiều quốc gia có bảo tàng chuyên biệt về phụ nữ như Việt Nam. Điều đặc biệt hơn, đó là những bảo tàng kể lại lịch sử từ một nửa nhân loại đã góp phần quan trọng làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.
Giai đoạn 1954 -1975, đất nước ta vừa kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, vừa xây dựng Xã hội Chủ nghĩa ở miền Bắc. Phụ nữ cả nước đã cùng toàn đảng, toàn quân, toàn dân quyết tâm kháng chiến cứu nước, đánh đuổi đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước. Lật giở trang tư liệu của Bảo tàng PNVN và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, không thể kể hết những cái tên các nữ anh hùng tiêu biểu luôn sáng mãi trong sử sách đấu tranh giải phóng dân tộc, như: Nguyễn Thị Định, Kan Lịch, Võ Thị Mô, Đinh Thị Vân, Nguyễn Thị Minh Hiền, Nguyễn Thị Ba, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Thị Cớ, Trương Mỹ Hoa, Võ Thị Thắng, Huỳnh Thị Ngọc, Nguyễn Thị Thập, La Thị Tám, Trương Thị Khuê, Nguyễn Thị Bình…

Các em học sinh tìm hiểu lịch sử tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ
Chiến tranh chống đế quốc Mỹ càng ác liệt, lực lượng phụ nữ tham gia càng hùng hậu, có mặt trên khắp các mặt trận, từ hậu phương đến tiền tuyến. Phụ nữ tham gia vào cuộc chiến tranh giữ nước trên nhiều lĩnh vực, nổi trội như công tác nuôi giấu cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng, giao thông liên lạc, đấu tranh chính trị, binh vận, địch vận, dân công, dân quân du kích, biệt động… Và điều vô cùng đặc biệt ở những người phụ nữ Việt Nam, họ mang dấu ấn rất riêng khi tham gia vào cuộc chiến - ấy là hiện thân của tình mẫu tử, tấm lòng nhân hậu, vị tha, bao dung với cả kẻ thù...
"Đây là gia tài của những người mẹ, người chị và những đứa em đã vĩnh viễn nằm xuống cho sự sinh tồn của tổ quốc và dân tộc, cho những người còn sống. Đó là hành trang quý báu dành cho thế hệ hôm nay và mai sau đi vào đời, một cuộc đời lộng lẫy với những nét son của quá khứ và rực rỡ những kỳ vọng ở tương lai".
Lời mở đầu của cuốn sách "Mười hai năm một chặng đường" do Tổ sử Phụ nữ Nam bộ biên soạn
Những khu trưng bày tái hiện lại nhà tù thực dân, đế quốc - đặc biệt là nơi giam giữ nữ tù chính trị miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 - đã và đang trở thành điểm đến để thế hệ hôm nay hiểu sâu sắc hơn cái giá của tự do. Thật khó kiềm chế cảm xúc khi ta được mắt nhìn, tai nghe câu chuyện gắn với các kỷ vật đang trưng bày tại Bảo tàng PNVN và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ: bức thêu thể hiện nỗi nhớ thương con da diết cùng khát vọng hoà bình cháy bỏng của những nữ chiến sĩ cách mạng trong nhà tù Mỹ Nguỵ, những kỷ vật ấm tình mẫu tử của những người con nơi chiến trường để lại cho người mẹ già ở hậu phương, bức ảnh băng bó cho tù binh Mỹ, chiếc dây phơi tết bằng tóc rụng của các nữ tù nhân, bài thơ "Ước mơ" của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân - liệt sĩ Lê Thị Riêng, bức tranh "Uyên ương thêu dở", bút tích xác nhận sẽ trở về với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam của nữ tù chính trị Nguyễn Thị Hiệp khi bị cảnh sát Sài Gòn bắt giam…

Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ
Chỉ một lần đến tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ ở khu vực trưng bày, giới thiệu về phong trào Đấu tranh của nữ tù chính trị tại các nhà tù thực dân, đế quốc ở miền Nam cũng đủ đọng lại trong mỗi chúng ta những ấn tượng không thể nào quên.
Là một trong những người gắn bó sâu sắc với Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, nhà văn Trầm Hương từng trực tiếp gặp gỡ nhiều nhân chứng lịch sử, sưu tầm nhiều hiện vật của phụ nữ trong chiến tranh. Với chị, "mỗi hiện vật là một câu chuyện lịch sử mà chúng ta phải có trách nhiệm nâng niu, trân trọng, giữ gìn và trao truyền cho các thế hệ mai sau".
Chúng tôi tin rằng, với mỗi người Việt Nam và cả bạn bè quốc tế, khi tiếp cận với những hình ảnh, hiện vật, câu chuyện và thước phim tài liệu sống quý giá, được các thế hệ cán bộ Bảo tàng PNVN và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ sưu tầm trong suốt nhiều chục năm qua, sẽ tự tìm được câu trả lời "Vì sao, đất nước Việt Nam nhỏ bé và từng nghèo nàn, lạc hậu như thế lại có thể chiến đấu và chiến thắng trước những kẻ thù lớn mạnh cả về tiềm lực kinh tế và quân sự như thế!"