Chính trị - Xã hội

Những người kể sử: Ký ức về công tác Hội ở TPHCM những năm sau giải phóng

Đinh Thu Hiền - Minh Tuấn 08/11/2024 - 11:00 AM
Là cán bộ Hội phụ nữ hoạt động bí mật từ thời trước giải phóng, cho tới sau sự kiện 1975, bà Lê Thị Thanh (tên thường gọi là Hai Thanh) lại đảm nhiệm công việc tại Hội LHPN TPHCM với vai trò là Phó Chủ tịch Hội. Bà đã chứng kiến nhiều câu chuyện của chị em phụ nữ, sau đó hỗ trợ, giúp đỡ họ có cuộc sống mới trong thời cuộc mới.

Năm 1984, Đại hội đại biểu Phụ nữ TPHCM lần thứ III được tổ chức từ ngày 22 đến 26/5/1984 tại Trường Hành chính Trung ương, đường Ba Tháng Hai, Quận 10, TPHCM. Hơn 500 đại biểu tham dự, trong đó có nhiều lãnh đạo của Thành ủy, UBND, HĐND và lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành của Thành phố.

Đại hội đã Bầu ra Ban Chấp hành Hội LHPN TPHCM nhiệm kỳ 1984 - 1987 gồm 57 thành viên, bầu bà Phan Ngọc Dung làm Chủ tịch Hội LHPN TPHCM; các bà: Lê Thị Thanh, Đặng Hồng Nhựt, Lê Thị Suông, Nguyễn Thị Ngọc Phượng làm Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM.

Bà Lê Thị Thanh (Hai Thanh) kể lại, bà tham gia kháng chiến từ khi còn rất nhỏ. Năm 1947, bà đã giác ngộ cách mạng, vào Khu tham gia kháng chiến. Suốt những năm trước giải phóng, bà Hai Thanh đã tham gia tổ chức của Hội Phụ nữ, hoạt động bí mật. Sau giải phóng, cái duyên gắn bó với Hội vẫn đồng hành cùng bà. Bà Hai Thanh đùa vui rằng: "Ai hỏi tôi nghề gì. Tôi bảo chẳng có nghề gì cả, chỉ toàn công tác phụ nữ. Đó là những công tác đoàn thể, vận động quần chúng. Nên ai nghe tôi nói cũng cười".

Những người kể sử: Ký ức về công tác Hội ở TPHCM những năm sau giải phóng- Ảnh 1.

Bà Lê Thị Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM

Bắt đầu từ những hoạt động của Hội Phụ nữ cứu quốc, bà Hai Thanh cứ thế hoạt động xuyên suốt tới sự kiện 30/4/1975 và cả sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. "Tôi về Hội LHPN ngay sau khi giải phóng, bởi tôi làm công tác phụ nữ từ trước đó mà".

Những ngày mới giải phóng, công việc nhiều, các cán bộ Hội phải bắt tay gầy dựng lại từ đầu. Bà Hai Thanh kể: "Chúng tôi kết nạp hội viên, tập hợp thành các tổ, sinh hoạt, thành các hệ thống Hội, từ cấp quận huyện xuống tới cấp phường xã".

Vì là công tác đoàn thể phụ nữ, nên lực lượng nòng cốt của các bộ Hội thời điểm ấy từng tham gia kháng chiến khá nhiều. Có 2 việc mà các cán bộ Hội giai đoạn này phải làm cấp tốc, đó chính là liên hệ lại các cơ sở Hội trước đây đã cộng tác với mình, giờ phải ra nhận nhiệm vụ để làm lực lượng nòng cốt và tập hợp chị em, tham gia bầu cử.

"Thời phụ nữ hoạt động bí mật, gọi là Ban phụ vận của Đảng, sau giải phóng thì gọi là Hội LHPN. Khi muốn tạo hệ thống thì phải nối các nhóm chị em đã hoạt động từ trước với các nhóm chị em sau. Các chị em phụ nữ trước bí mật thì giờ ra công khai. Chị em hoạt động rất nhiệt tình, giao việc gì cũng làm. Vô Hội sinh hoạt vui lắm, có cả hát hò, văn nghệ. Mọi người không bị ép vô sinh hoạt Hội, không hề có chuyện "đánh trống ghi tên", bà Hai Thanh kể lại.

Theo bà Hai Thanh, khi ấy, Thành ủy TPHCM có những chỉ đạo và Hội LHPN TPHCM triển khai. Một trong những việc quan trọng của Hội LHPN Thành phố khi ấy là tập hợp chị em sinh hoạt trong tổ chức Hội. Bởi vì có "nắm được dân thì mới có thể thực hiện được các chủ trương của chính quyền mới - chính quyền cách mạng". Vậy nên công tác của các cán bộ Hội LHPN những năm sau giải phóng là phát triển, tổ chức, làm phong trào quần chúng.

Sau giải phóng, các cán bộ Hội đã nhìn thấy thực trạng không ít người đi di tản, một số phụ nữ ở lại thì lại vướng vào tệ nạn mại dâm. "Chúng tôi gặp các chị em "đứng đường", vận động các chị em hãy từ bỏ việc hành nghề tủi nhục bán thân. Mà muốn họ bỏ nghề thì cán bộ Hội phải hướng dẫn họ có nghề khác kiếm sống", bà Hai Thanh kể lại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn