Nỗi khổ của phụ nữ ở những nơi không có nhà vệ sinh

09/10/2018 - 15:38
Trong các buổi thảo luận liên quan đến vấn đề vệ sinh môi trường mới đây diễn ra ở xã Tân Lợi và Thị Trấn Ba Chúc (An Giang), khi được hỏi “Hiện gia đình chị em nào chưa có nhà vệ sinh?”, gần một nửa trong tổng số gần 30 người có mặt ngại ngùng giơ cánh tay lên.

Mỗi đêm cần ra ngoài, lại phải mang theo dụng cụ

Chia sẻ về cuộc sống không có nhà vệ sinh (chị em nơi đây quen gọi là nhà cầu), chị Neáng Thu (39 tuổi ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Lợi) cho biết, gia đình chị có 4 người, gồm 2 vợ chồng và 2 con. Nhà chị rất nghèo, vợ chồng đều đi làm mướn với các công việc như bẻ xoài… với tiền công kiếm được chừng 170-200 ngàn/ngày. Do việc thất thường ngày có ngày không nên nhà chị hay thiếu ăn, chỗ ở tồi tàn. Mới đây, được nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng, vợ chồng đang cố gắng làm lại nhà để ở, còn công trình vệ sinh thì vẫn chưa đủ khả năng để tính đến… Vì vậy, đã mấy chục năm lấy chồng, sinh con, đến nay chị Thu chưa một lần được sở hữu nhà cầu.

Kề về điều này, chị ngượng ngùng cho biết: “Cứ mỗi lần có nhu cầu, cả nhà tui đều phải chạy ra bên ngoài. Nếu ban ngày thì thuận tiện vì có thể chạy ra khoảng rừng sau nhà, chọn chỗ tự do, thoải mái và khi đi thì không cần mang theo gì cả. Sau khi giải quyết xong thì cũng có thể bứt luôn lá cây để vệ sinh. Nhưng ban đêm thì rắc rối hơn một chút vì không dám đi xa mà phải đi ngay ở vườn gần nhà. Khi đi, cũng phải lách cách mang theo các dụng cụ như cuốc, xẻng, que sắt… để đào đất chôn xuống. Nếu có con nhỏ thì mẹ lại phải thức giấc, đưa đi rồi lúc về dùng nước rửa ráy lại cho con”.

1.jpg
Theo chị Neáng Thu: "Do nhà nghèo không có đất, không có tiền nên không làm nhà cầu".

Tương tự, với chị Neáng Dân (49 tuổi) ở khóm An Bình, Thị trấn Ba Chúc cũng là người từ khi sinh ra đến giờ, chưa từng biết đến nhà vệ sinh, chưa từng dám đi nhờ vào nhà ai vì ngại. Được biết, tại khóm An Bình của chị với khoảng 800 hộ với hơn 3.090 khẩu thì hiện vẫn còn đến gần 300 hộ chưa có nhà vệ sinh.

Với riêng gia đình mình, chị Neáng Dân kể: “Nhà tui nghèo, từ nhỏ thấy ông bà, cha mẹ đi vệ sinh tự do, đến mình cũng vậy, rồi sau đó con mình cũng vậy... Khi đi làm mướn, tui “giải quyết” ngay ngoài ruộng, khi về nhà thì thường chạy ra ngoài cánh đồng cách nhà chừng vài trăm mét”.

Mặc dù đây đã là thói quen, kiểu như chuyện thường nhật, nhưng với chị Neáng Dân, nhiều khi cũng bị rơi vào những rắc rối khó lường: “Có những lần, nửa đêm trời mưa to, tui tự nhiên lại đau bụng tiêu chảy, thế là vẫn phải mở cửa, mang nón chạy tít ra ngoài chứ không thể đi bậy gần nhà vì sợ người ta kêu mất vệ sinh, người ta mắng mỏ thì ngượng. Hoặc cũng có nhiều lần tui đi làm mướn trên đồng, sau khi giải quyết xong thì mới nhớ người ta vừa phun thuốc diệt sâu, diệt ốc nên trong nước rất độc, mình không dám dùng nước đó để vệ sinh, đành bứt tạm bụi cỏ, khi về nhà thì bị ngứa mãi, viêm nhiễm phụ khoa…”.

3.jpg
Chị Neáng Dân trước căn nhà chật chội và không có đất để làm nhà vệ sinh. Chị bảo, nếu có ai dắt chị vào nhà vệ sinh, chị cũng sợ không dám vào vì không biết cách sử dụng".

Phóng uế tự do để dòm trăng thanh, gió mát

Theo ông Châu Thanh Long, Trưởng ấp Tân Hiệp, xã Tân Lợi: “Tình trạng các  gia đình không có nhà đi cầu còn khá phổ biến, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc Khmer. Đây cũng là một trong những vấn đề gây bức xúc vì làm ảnh hưởng đến sức khỏe, mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường sống của gia đình và những người xung quanh.  Lý do là bởi dân trong ấp nghèo, nhà ở chằng chịt, san sát nhau, đất hẹp, trong khi đó, nếu nhà nước có hỗ trợ người dân xây nhà vệ sinh thì yêu cầu phải cách xa nơi ở ít nhất 10m nên có nhiều nhà không đủ điền kiện để xây. 

Ngoài ra, do nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh môi trường vẫn còn hạn chế, bà con còn dựa vào tập quán, thói quen không thích sử dụng nhà vệ sinh…, có nhiều người cho rằng, việc phóng uế tự do như vậy thì thoái mái dòm trăng, gió mát mẻ. Trong khi đó, mọi người xung quanh cũng coi đây là việc tế nhị, khó nói, nên không ai lên tiếng dèm pha hay nhắc nhở.

Khi có đám chị em đang ngồi với nhau, mà thấy có chị đột nhiên đứng dậy, lặng lẽ rời đi, là mọi người hiểu ngay chị ấy chạy ra vườn, ruộng để giải quyết nhu cầu nên không bao giờ tò mò, khuyên can. Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức, thói quen lâu đời trong đồng bào là tương đối khó nói, tế nhị, phải làm từ từ”.

2.jpg
Không sử dụng nhà vệ sinh từng bị cho là "đặc trưng của miền Tây" và nhiều người dân ở đây cho rằng, do thói quen sinh hoạt đã tồn tại lâu đời nên khó mà bắt họ thay đổi trong ngày một, ngày hai... 

Theo Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế, tại khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long vẫn còn khoảng gần 34 triệu người dân nông thôn sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, chiếm 60% dân số toàn vùng và 4 triệu người còn có hành vi phóng uế trực tiếp ra môi trường…

Để giảm thiếu tình trạng này, Chính phủ Việt Nam đã có cam kết với Liên hiệp quốc đến năm 2025 sẽ chấm dứt việc phóng uế bừa bãi và năm 2030 sẽ có 100% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh với các biện pháp được đặt ra liên quan đến chính sách hỗ trợ, truyền thông, xây dựng hình thức xử phạt…

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm