Nỗi lo di sản bị du lịch 'bóc lột' hậu vinh danh

22/08/2018 - 15:52
Việt Nam đang sở hữu những tiềm năng to lớn trong việc gắn kết di sản với phát triển du lịch. Thế nhưng, chính việc “tận thu” trong du lịch đang khiến nhiều di sản bị khai thác một cách “kiệt quệ”. Đây là vấn đề đang đặt ra những thách thức cho các nhà quản lý.
Điểm danh các di sản đang bị “bóc lột”
Mới đây, UNESCO và Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế về Di sản Thế giới và phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Một trong những vấn đề được các đại biểu trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm là nhiều di sản thế giới tại Việt Nam bị tác động tiêu cực bởi phát triển du lịch gần đây. Đặc biệt, có một thực tế, di sản sau khi được công nhận thì du khách rất thích đến tham quan, dẫn đến tình trạng đẩy di sản vào cảnh bị du lịch “bóc lột”.
 
Theo dẫn chứng mới nhất của trang du lịch nổi tiếng TripAdvisor với di sản vịnh Hạ Long, đa phần du khách rất ấn tượng với vẻ đẹp thiên nhiên của vịnh, nhưng khoảng 10% cảm thấy thất vọng trước tình trạng nước bẩn đục và rác trôi nổi. Đáng nói là 10% phản hồi này lại đến từ những khách du lịch phương Tây, những người chọn tuyến du lịch 3 ngày 2 đêm trên vịnh với mức chi trả cao.
 
Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm nước thải và chất thải rắn không được xử lý khiến danh tiếng của vịnh bị ảnh hưởng và không còn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách nữa.
 
Không chỉ Hạ Long, phố cổ Hội An trong quá trình phát triển du lịch, người dân đã bán hoặc cho thuê nhà để sử dụng làm nơi kinh doanh. Không còn là nơi ở của dân cư gốc khiến bản sắc phố cổ đang đứng trước nguy cơ mai một.
51ae57c30938d43bcb549aa4f412f05a.jpg
Du khách tham quan phố cổ Hội An (Quảng Nam)

 

Hoàng thành Thăng Long cũng bị cho vào “danh sách đen” trước nguy cơ xuống cấp, rêu mốc và ngập nước.
 
Bài học từ Huế
Thực tế, không thể phủ nhận nhờ có du lịch mà nhiều địa phương và người dân có nguồn thu từ di sản. Các chuyên gia của UNESCO đánh giá: “Thương hiệu Di sản Thế giới của UNESCO có giá trị tới 500 triệu USD, mỗi năm các Di sản Thế giới sẽ thu hút lượng khách trung bình là 1 tỷ lượt người”.
 
Mặc dù chưa có số liệu chính thức song việc đưa một khu vực vào danh sách Di sản thế giới ở một nước nào đó thường đi liền với tỷ lệ tăng nhanh về số lượng khách du lịch.
 
Tuy nhiên, khai thác du lịch khiến một số di sản của Việt Nam đã bị cảnh báo khi đánh mất “phần hồn” của mình. Bên cạnh đó, hầu hết di sản đã có quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị, được quan tâm tu bổ, bảo quản, chống xuống cấp, giữ gìn môi trường, cảnh quan thiên nhiên, song quy chế quản lý, bảo tồn còn thiếu và chưa đồng bộ.
 
Bộ máy quản lý các di sản hiện nay rất khác nhau, việc phân cấp, giao trách nhiệm cho các đơn vị quản lý còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tầm vóc các di sản thế giới. Đáng nói hơn, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo tồn di sản còn thiếu và yếu; sản phẩm du lịch gắn với từng khu di sản chưa thể hiện được nét đặc thù...
 
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia nhìn nhận: Việc phát triển du lịch tại Quần thể di tích Cố đô Huế nếu không được quản lý tốt cũng có nguy cơ làm ảnh hưởng đến các giá trị của di tích, văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường.
 
Chính vì vậy, Huế đã nhìn nhận một cách đầy đủ, toàn diện trong quá trình nghiên cứu khai thác phát triển du lịch và xây dựng một số giải pháp tăng cường sự gắn kết hoạt động bảo tồn di tích với phát triển du lịch nhằm xác định rõ quan điểm phát triển du lịch bền vững trên cơ sở khai thác các di tích là luôn gắn công tác bảo tồn tính đa dạng, gìn giữ các giá trị di tích lịch sử - văn hóa với việc khai thác phục vụ du lịch. Nói cách khác, phát triển du lịch vì mục tiêu văn hóa; đồng thời, việc bảo vệ tôn tạo di tích phải hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn đối với khách du lịch.
 
Có thể thấy, việc phát triển du lịch gắn với di sản thu hút khá đông khách nhưng vẫn hiện hữu khá nhiều nỗi lo. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn là tính ăn “xổi” trong cách làm du lịch của nhiều đơn vị địa phương, điển hình trong công tác vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều bất cập, tình trạng chen lấn, xô đẩy hết sức phản cảm...
 
Do đó, mỗi di sản của Việt Nam đòi hỏi một cách làm uyển chuyển và sáng tạo khác nhau. Bởi nếu làm thay đổi quá nhiều di sản, nó sẽ không còn là chính nó nữa và mất đi sự quan tâm của du khách với di sản.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm