pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nỗi lòng người dân Thủ Thiêm khi hay tin ông Lê Thanh Hải bị cách chức
Phận đời chìm nổi
Chị Phùng Thị Thu Hằng (SN 1961, địa chỉ A2/8, khu phố 1, phường Bình An, quận 2, TPHCM), bộc bạch: Chị không quan tâm lắm đến việc ông Lê Thanh Hải hay ông Lê Hoàng Quân bị xử lý như thế nào, mà chỉ quan tâm đến việc lãnh đạo thành phố giải quyết chỗ ở cho gia đình. Gia đình chị Hằng muốn có chỗ ở ổn định do đền bù chưa thỏa đáng nên chưa di dời".
Trước đây, chỗ ở của gia đình chị Hằng luôn bị ngập. Người chồng lại bệnh nặng nên nhà nước cho mượn chung cư ở tạm để điều trị bệnh. Nhà ở tại khu giải tỏa xuống cấp, không được sửa chữa, cuộc sống không ổn định. Chị Hằng tha thiết mong các cấp chính quyền hoán đổi cho gia đình chị một chỗ ở để có thể cất nhà, sống cuộc sống tốt hơn.
Chị Hằng nói, muốn yên tâm làm ăn thì phải có chổ ở ổn định. Gia đình sống "nay đây, mai đó" không tâm trí nào để làm ăn. Chồng chị Hằng và người con trai lớn đi làm – là lao động chính trong nhà. Chồng chị Hằng đã qua đời, người con lớn cũng vừa mới mất nên chị không còn trụ cột, mất điểm tựa trong cuộc sống. Chị Hằng chỉ biết nhờ vào người con trai kế đang phục vụ nhà hàng, khách sạn.
Công việc của con trai kế lại gặp khó khăn do nhà hàng khách sạn đang trong mùa dịch Covid-19. Chị mong muốn nhà nước sớm giải quyết tình trạng đất đai của gia đình để có thể bán phần đất lo cho gia đình. Căn nhà rộng khoảng 240 mét vuông của chị Hằng rơi vào tình cảnh ở không xong, bán không được và cho thuê cũng không ai dám. Bản thân chị đã trải qua 2 đợt trị liệu căn bệnh ung thư nên sức khỏe xuống dốc trầm trọng, không thể làm được việc nặng nhọc.
Sống ở thành phố lớn nhất nước mà cứ ngỡ như ở vùng hẻo lánh
Sai phạm của các lãnh đạo TPHCM qua nhiều thời kỳ đã để lại cho cuộc sống người dân muôn vàn khó khăn, nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục được. Người dân vẫn khiến nại, khiếu kiện để tìm cho mình những lý lẽ riêng về mảnh đất gắn bó suốt cuộc đời với tuổi thanh xuân.
Chị Nguyễn Thị Hà (SN 1970, ngụ B12/1A Lương Định Của, khu phố 1, phường Bình An, quận 2), trải lòng: "Nghe tin ông Lê Thanh Hải đã bị xử lý cũng mừng, nhưng không quan trọng bằng cuộc sống người dân. Xử lý ông Lê Thanh Hải mà cuộc sống của người dân vẫn cứ "cà lởm, cà bởm" không yên tâm sinh sống thì cũng không giải quyết được vấn đề an cư của bà con ở Thủ Thiêm".
Chị Hà nói, cuộc sống gia đình vẫn cứ ở đồng không hiu quạnh, không thể tập trung làm ăn. Muốn đóng cửa đi làm nhưng để nhà như vậy sợ bị trộm. Internet không có, truyền hình cáp cũng không. Nhu cầu con cái học hành cứ phải đi ra quán cà phê rất bức bách. Gia đình chị Hà có 4 người cùng sống chung trong căn nhà nhỏ rộng chỉ gần 40 mét vuông.
Lãnh đạo thành phố cần có giải pháp quyết liệt để ổn định cuộc sống đang còn tạm bợ của người dân. Các nhu cầu thiết yếu, vốn có không được thỏa mãn. Dịch cúm Covid-19 đang có nguy cơ lan rộng, con của chị Hà cần phải học qua internet nhưng vẫn phải ra quán cà phê để làm bài. Chị Hà nói mình đang sống ở thành phố lớn nhất nước mà cứ ngỡ như ở vùng hẻo lánh nào đó.
Gia đình chị định cư ở Thủ Thiêm hàng chục năm trời. Mùa mưa đến, xung quanh nhà chị Hà ngập nước, tường thấm ẩm lên lớp rêu. Hỏi lý do vì sao không sửa và xây cất lại nhà mới, chị Hà bùi ngùi: "Nhà nước đâu cho sửa lại, nói chi đến việc xây mới". Chị Hà khẳng định, nhà của chị nằm ở ngoài ranh khu 4,3 ha và không thuộc phạm vi dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Gấp rút thi công dự án trong khi chưa sửa sai
Bà Lê Thị Thu Hương (số C8/9, đường Lương Định Của, phường Bình Khánh, quận 2) chia sẻ, bản thân bà không theo dõi tình hình chính trị ở trong nước nhiều mà chỉ quan tâm chủ đề chung về Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Bà Hương mong được nhà nước xem xét trả lại đất cho người dân.
Vấn đề xử lý cán bộ, nếu xét họ có tội thì cơ quan chức năng sẽ có cách để xử lý và xử lý như thế nào thì người dân không có ý kiến. Chuyện gì cũng có "nhân – quả" của nó!
Bà Hương nói, gia đình bà có đất ở trong khu 4,3 ha được xác định là ngoài ranh quy hoạch của Thủ Thiêm, nhưng đến nay cơ quan chức năng cứ hẹn hoài mà chưa trả. Người dân sinh sống ở đây vẫn thấy các chủ đầu tư thi công dự án rất khẩn trương. Những dự án này báo chí phản ánh là chưa được cấp giấy phép.
Vì vậy, bà Hương và nhiều người dân cho rằng, lãnh đạo thành phố cứ hẹn, nhưng sự cùng cực của người dân chưa biết đến bao giờ mới được giải quyết. Những vấn đề nào cần đối thoại thì người dân vẫn chờ để đối thoại, còn những cái sai rõ ràng thì phía chính quyền thì phải sửa.