Nỗi oan phản quốc của ‘Bông hồng Tokyo’

09/08/2016 - 14:00
“Bông hồng Tokyo” là biệt danh những người lính quân đồng minh ở mặt trận Thái Bình Dương đặt cho nữ phát thanh viên Nhật Bản Iva Ikuko Toguri chương trình “Không giờ” thời Thế chiến thứ II. Sau chiến tranh, bà phải chịu án oan với tội danh phản quốc.
Iva Ikuko Toguri 

Dòng máu Nhật, trái tim Mỹ

Iva Ikuko Toguri (4/7/1916-26/9/2006) sinh ra tại Los Angeles (Mỹ) trong một gia đình người Nhật nhập cư và đã tốt nghiệp Đại học California. Khi người dì ruột lâm bệnh nặng, Toguri phải thay mặt gia đình đến Nhật Bản để thăm hỏi. Ngày 5/7/1941, ở tuổi 25, bà đến Nhật. Bộ Ngoại giao Mỹ cấp giấy thông hành thay cho hộ chiếu. Điều đáng nói là giấy này chỉ có hiệu lực khi rời khỏi Mỹ và không có hiệu lực trở lại nên bà bị mắc kẹt ở Nhật khi chiến tranh thế giới xảy ra.

Để kiếm sống, bà xin làm nhân viên đánh máy cho đài phát thanh Tokyo và dịch báo sang tiếng Anh. Mặc dù đang ở trên đất Nhật nhưng Toguri luôn công khai ủng hộ Mỹ khiến người Nhật cảm thấy khó chịu. Ở đây, bà gặp thiếu tá Charles Cousens, người Australia, là phóng viên nổi tiếng của Đài phát thanh Sydney bị Nhật bắt. Sau đó, họ trở thành bạn thân, cùng chung lý tưởng và cảnh ngộ. Khi Đài phát thanh Tokyo tìm người dẫn chương trình “Không giờ”, Cousens đã giới thiệu bà. Chương trình này là một phần chiến lược của Nhật nhằm làm giảm tinh thần chiến đấu của quân đội Mỹ.

Iva tự đặt cho mình tên "Ann mồ côi", gắn liền với biệt danh "những đứa trẻ mồ côi của Thái Bình Dương" - những người lính Mỹ thường nghe chương trình phát thanh này. Tuy nhiên, chính bà lại làm tăng nhuệ khí chiến đấu của lính Mỹ và quân đồng minh tại Thái Bình Dương. Họ ấn tượng về giọng đọc có sức hút đến ma mị của phát thanh viên "Ann mồ côi" mà không hề biết tên thật của bà là gì nên gọi bà với cái tên trìu mến: “Bông hồng Tokyo”.

Khi chiến tranh kết thúc năm 1945, bà đã reo hò lúc Nhật hoàng lên Đài phát thanh Tokyo đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện phe đồng minh.

Iva Ikuko Toguri được báo chí phỏng vấn trước khi ra tòa.

Bị buộc tội phản quốc

Sau chiến tranh, 2 phóng viên Henry Brundidge và Clark Lee cùng lực lượng quân đội Mỹ truy tìm "Bông hồng Tokyo" qua mạng lưới tình báo. Brundidge và Lee tặng bà một số tiền đáng kể để đổi lại có thể phỏng vấn với bản hợp đồng mang tên "Hoa hồng Tokyo".

Ngay sau khi tên tuổi bà được công khai, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã thực hiện cuộc điều tra quy mô lớn để xem bà có phạm tội chống lại nước Mỹ hay không.

Ngày 17/10/1945, bà được yêu cầu đến Yokohama rồi nhận được thông báo là bị bắt mà không hề có lệnh và cáo buộc gì. Một cuộc tranh luận diễn ra sau đó là liệu bà là người Nhật hay người Mỹ. Vụ bà bị bắt vì tội phản bội tổ quốc được thông tin rộng rãi cho công chúng nhưng bản thân bà không được thông báo lý do tại sao lại bị bắt giam.

1 tháng sau, bà được chuyển đến nhà tù Sugamo và bị giam trong xà lim đặc biệt - nơi giam cầm các nhà ngoại giao và phụ nữ phạm tội ác chiến tranh. Bà chỉ được tiếp xúc với chồng là Felipe d’Aquino 20 phút mỗi tháng. Trong thời gian đó, bà đau đớn khi biết tin mẹ qua đời.

11 giờ ngày 25/10/1946, Iva được thả “vô điều kiện” khỏi nhà tù Sugamo. Tổng cộng, Iva bị giam cầm 1 năm 8 ngày trong nhà tù quân sự mà không một lần bị cáo buộc tội danh gì.

Năm 1947, Iva có thai nhưng đứa bé chết ngay khi vừa ra đời. Đây có thể là hậu quả của những ngày lao tù vất vả.

Vài tháng sau, khi làm hộ chiếu trở về Mỹ thì bà tiếp tục bị bắt giữ. Để có bằng chứng kết tội bà, Bộ Tư pháp Mỹ phát hành một bài báo yêu cầu tất cả binh lính Mỹ từng nghe chương trình phát thanh của Tokyo và những ai nhận ra được giọng của phát thanh viên cần liên lạc với FBI. Không chỉ có thế, họ gửi phóng viên và luật sư tới Nhật để tìm các nhân chứng.

Với nhân chứng và bằng chứng ngụy tạo, luật sư Mỹ ở San Francisco đã triệu tập một bồi thẩm đoàn và bà Toguri bị truy tố vào tháng 9/1948. Bà bị bắt tại Nhật và đưa về Mỹ dưới sự giám sát của quân đội. Sau đó, họ bàn giao bà cho FBI vì tội phản quốc.

Năm 1949, một phiên tòa đã diễn ra trong 13 tuần và tốn tới 750.000 USD, phiên tòa đắt nhất trong lịch sử nước Mỹ. Bản án 10 năm tù giam đã làm cho "Bông hồng Tokyo" trở thành người thứ 7 bị kết án vì tội phản quốc, tính tới thời điểm đó. Ngoài ra, bà còn phải nộp phạt 10.000 USD cho tội danh này.

Iva bị giam giữ tại Trại cải tạo liên bang dành cho phạm nhân nữ ở Alderson, bang Virginia, nơi giam giữ từ 300 đến 500 tù nhân. Do có thành tích tốt trong thời gian thụ án, bà được trả tự do sau 6 năm 2 tháng ngồi tù.

Khi bước ra khỏi nhà tù Alderson ngày 28/1/1956, bà lại nhận được lệnh trục xuất trở lại Nhật. Tuy nhiên, chính Wayne Mortimer Collins, luật sư bào chữa chính trong phiên tòa xét xử bà, đã đưa bà về nhà ông nương náu trong 2 năm và bền bỉ đấu tranh chống lại lệnh trục xuất.

 Iva Ikuko Toguri đã phải nằm tù gần 10 năm mới được giải oan.

Minh oan

Vài năm sau, Rex B. Gunn, làm việc tại hãng tin AP, thay mặt bà nói ra sự thật. Năm 1974, một số phóng viên điều tra phát hiện ra các nhân chứng chính trong vụ án của bà Iva đã gian dối lời khai. Theo nhiều cựu binh chiến đấu tại Thái Bình Dương, các chương trình của chương trình phát thanh "Không giờ" không làm gì nhằm làm mờ ý chí của quân lính Mỹ. Nhờ sự tháo gỡ nút thắt của các phóng viên điều tra, bà đã được minh oan.

Không những thế, ngày 19/1/1977, Tổng thống Mỹ Gerald Ford còn đứng ra xin lỗi bà. Những người chịu trách nhiệm về vụ án "Bông hồng Tokyo" đã bị truy tố về tội cố ý xét xử sai và hối thúc nhân chứng khai man. Gần 10 năm ngồi tù và đằng đẵng vài thập niên sau, nỗi oan của bà mới được rũ sạch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm