Đời tù binh của con trai Stalin

11/07/2016 - 14:17
Mấy năm trước, hàng loạt phương tiện thông tin đại chúng Nga rộ lên giả thiết, người con trai cả của Stalin không bị quân Đức bắt làm tù binh trong cuộc chiến tranh Vệ quốc mà đó là kịch bản do cơ quan Mật vụ của Hitler dựng lên...
01sta-kid01s.jpg
 Stalin với con trai Yakov Dzhugashvili và con gái Svetlana.

Yakov Dzhugashvili sinh ngày 30/3/1907 tại Bacu, là con trai cả của Stalin với người vợ đầu tiên là Ekaterina Svanidze (bà qua đời khi Yakov chưa tròn 1 tuổi). Năm 1936 Yakov đã tốt nghiệp xuất sắc Trường giao thông công trình đường sắt và được cử tới làm việc tại nhà máy ô tô ZIS. Một năm sau, Stalin khuyên con trai vào Học viện quân sự, binh chủng pháo binh.

Bởi đã tốt nghiệp đại học (điều rất hiếm vào thời đó) nên Yakov được chuyển thẳng từ năm thứ nhất sang năm thứ 4 và anh học rất giỏi. Ngày 22/6/1941 Yakov ra mặt trận.

Nước cờ hiểm của Đức quốc xã

Vào thời kỳ đầu chiến tranh Vệ quốc, quân đội Xô Viết có tới 1 triệu quân nhân bị chết và bị thương, 724 nghìn người là tù binh, hàng loạt quân đoàn đã bị chết trong các lò thiêu của Đức, có nhiều binh sĩ và chỉ huy bị bao vây, trong số đó có thượng uý Yakov Dzhugashvili. Theo lệnh của Nguyên soái Liên Xô - tướng G.Zhukov - đã có những nhóm đặc biệt được phái đi tìm con trai của Stalin nhưng không có kết quả. Ngày 16/7, đài phát thanh Berlin và báo chí đảng Quốc xã đưa tin Yakov Dzhugashvili đang bị bắt làm tù binh. Chiều ngày 18/7/1941, chúng đã đưa Yakov lên máy bay về ban chỉ huy quân đoàn 4 để thẩm vấn. Trước đó, Yakov đã được nhận dạng nên việc giấu giếm anh là con trai của lãnh tụ Xô Viết là vô ích.

Khi được thẩm vấn, Yakov đã nói: “Tôi thấy xấu hổ với cha vì tôi vẫn còn sống”. Đến tháng 8 năm đó, máy bay Đức đã rải khá nhiều truyền đơn có ảnh của Yakov Dzhugashvili, nói rằng con trai Stalin cùng với hàng nghìn quân lính Xô viết và sĩ quan đã đầu hàng ở Vitebski và hiện đang hợp tác với quân đội Đức. Chúng khuyên các chiến sĩ Hồng quân hãy theo gương họ hạ vũ khí.

Theo con đường ngoại giao, phía Đức đã chuyển cho Moskva bức thư của thượng uý Yakov gửi cho cha được viết ngày 19/7 nói rằng anh vẫn sống và khỏe mạnh, được đối xử tốt. Chỉ đến ngày nay, các chuyên gia của Trung tâm giám định hình sự mới xác định được bức thư từ trại tù binh là giả mạo. Lý do : Dù phần nào giống nhau về bút pháp nhưng vẫn có những sự khác biệt so với nét chữ trong bức thư Yakov gửi cho vợ và những cuốn vở viết khi anh còn là học viên của Học viện quân sự.

Ông Vaxili Khrisforov, Cục trưởng Cục Lưu trữ của FSB (Cơ quan an ninh LB Nga) cho biết, trong cơ quan của ông có đủ tài liệu với chứng cứ xác đáng khẳng định rằng, con trai của Stalin quả thật từng là tù binh của quân Đức. Trong các tài liệu này, còn có sự xác nhận của những cựu tù binh đã ở cùng Yakov Dzugavsili. Tất cả đều nói rằng Yakov đã xử sự một cách xứng đáng.

Những câu trả lời của Y.Dzhugashvili với quân thù đã khẳng định niềm tin rằng Moskva sẽ không thất thủ và chính quyền mới sẽ đem lại lợi ích cho nhân dân Nga. Y.Dzhugashvili đã được đề nghị viết thư cho gia đình, phát biểu trên đài phát thanh, chấp nhận để in truyền đơn có tên của anh kêu gọi binh sĩ Xô Viết. Song anh đã kiên quyết từ chối tất cả những điều đó. Những sự kiện này đã chứng tỏ phẩm chất đạo đức và sự trung thành tuyệt đối của anh đối với nước Nga. Tuy nhiên, bộ máy của Goebbels đã làm mọi chuyện phao tin đồn nhảm. Các loại truyền đơn hô hào đã được in ra, những tập sách có hình ảnh của Y.Dzhugashvili cũng được rải khắp nơi.

doi-tu-binh-2.jpg
 Yakov trong một lần chuyển trại sau khi bị Đức quốc xã bắt.

Cuộc vượt ngục bất thành

Theo một số tài liệu thì ban đầu, Yakov bị đưa vào trại tập trung ở Baravi, đến mùa xuân 1942 bị chuyển đến trại khác tại Liubec. Tháng 2/1943, theo giả thiết chính thức, do từ chối tham gia vào việc tuyên truyền chống Xô Viết, sau thất bại của quân Đức tại Stalingrad và theo lệnh của đích thân Himmler (cố vấn và giám sát các trại tập trung của Đức quốc xã), tù binh Yakov đã bị chuyển vào trại tập trung Sachsenhausen cách Berlin 20km. Trong thời gian này, Hội Chữ thập đỏ đã nỗ lực tiến hành việc trao đổi tù binh, đổi thượng uý Dzhugashvili bằng thống chế Paulus bị phía Nga bắt tại Stalingrad. Theo một giả thiết đã trở thành truyền thuyết thời đó thì Stalin đã kiên quyết từ chối với câu nói nổi tiếng: “Tôi không đổi một tên thống chế lấy một người lính!”

Thoạt đầu, Yakov bị giam trong tù, sau đó ở trong nhà gỗ tại một nơi đặc biệt, cách ly với trại giam chính bằng bức tường gạch cao và hàng dây thép gai có điện cao thế. Canh giữ anh là những tên SS Đức thuộc trung đoàn “Chiếc đầu tử thần”. Trong hồ sơ lưu trữ của phòng phản gián “Smers” còn lưu những ghi chép cuộc thẩm vấn đối với tên tù binh Đức là tướng SS Kandl. Theo lời khai của hắn, từ phòng số 5 của Cục an ninh Đức, Yakov đã bị đưa vào trại tập trung của bác sĩ Sulse.

Vậy rút cục thì Yakov có hợp tác với quân Đức hay không? Tên Kandl cho biết, chính tướng Himmler thường xuyên quan tâm đến số phận của Yakov Dzhugashvili. Thực ra, Himmler “muốn sử dụng con trai của Stalin phòng khi có các cuộc thương lượng riêng với Liên xô, hoặc để đổi lấy những tướng lĩnh Đức bị phía Nga bắt làm tù binh”. Nhưng thượng uý Yakov không sa bẫy tâm lý và không chịu làm theo mục đích của quân Đức.

Tháng 4/1943 Yakov đã cố chạy trốn, sau khi thoát ra được đến hàng rào kẽm gai thì đã bị lính canh bắn chết.  

stalins-son-yakov-dzhugashvili-captured-by-the-germans-1941-3.jpg
 Bức ảnh được cho là Yakov bị lính gác bắn chết khi vượt ngục.

Sự công nhận muộn màng

Theo ông Khrisforo thì các cơ quan mật vụ Đức có thể đã sử dụng những ghi chép cuộc thẩm vấn thượng uý Yakov để tuyên truyền và tạo ra nhiều cớ khiêu khích Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh Vệ quốc. Tuy nhiên, chính sự kiện về việc con trai cả của Stalin là tù binh Đức suýt nữa là chứng cớ chống lại anh. Yakov bị áp chế về tâm lý nhưng anh đã không đầu hàng trước quân thù. Điều này được khẳng định bởi những luận chứng xác đáng. Đó là các tài liệu lưu trữ sau này đã được các quan chức Mỹ giao cho gia đình của lãnh tụ Xô Viết.  

Như vậy, giả thiết về việc Yakov Dzhugashvili không phải là tù binh của Đức là không xác đáng. Đúng là anh đã bị bắt làm tù binh nhưng đã không hề phản bội Tổ quốc và không phản lại lời tuyên thệ của mình. Năm 1977, đoàn Chủ tịch Tối cao Liên Xô đã ra sắc lệnh truy tặng Yakov Yosifovich Dzhugashvili Huân chương chiến tranh Vệ quốc hạng Nhất. Thế nhưng không rõ vì nguyên nhân gì mà sắc lệnh này đã bị giấu kín và không được dư luận biết đến. 

Cho dù là muộn màng nhưng đây là sự công nhận thượng uý Yakov Dzhugashvili khi ở trong tay kẻ thù, dù bị áp chế ngặt nghèo nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không bôi nhọ tên tuổi của mình và tên tuổi của người cha là lãnh tụ Xô Viết Stalin.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm