Nỗi sợ môi trường công sở của “ma mới”

Nga Thanh
10/12/2023 - 10:51
Nỗi sợ môi trường công sở của “ma mới”

Ảnh minh họa

Không nhất thiết là phải có mối quan hệ bên ngoài công việc như đi ăn, đi chơi cùng đồng nghiệp thì mới có mối quan hệ tốt. Cơ bản nhất là mình làm thật tốt công việc của mình. Mình làm tốt đến mức độ mà họ không thể nào thay thế mình được.

Áp lực khi mới đi làm của nhiều người trẻ không phải đến từ công việc mà đến từ các mối quan hệ ở công sở. Dù cố gắng "đi hỏi về chào" những đồng nghiệp ở công ty nhưng "ma mới" như Hoàng Phương (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) vẫn nhận lại thái độ lạnh lùng của đồng nghiệp. Dù vào công ty được một năm nhưng Phương không biết làm cách nào để hoà nhập được với mọi người. Cô lủi thủi đi ăn trưa một mình trong khi các đồng nghiệp đi ăn theo nhóm rất vui. Thấy mọi người vui vẻ buôn đủ thứ chuyện, coi mình như người vô hình, Phương cảm thấy tủi thân. Dù công việc có thu nhập tốt nhưng mỗi ngày đi làm, Phương đều cảm thấy áp lực. Cô sợ những buổi sáng khi phải bước chân vào công ty.

Giống như Hoàng Phương, Đoàn Ngọc Anh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cảm thấy sốc trong môi trường công sở. "Mình mới ra trường và đang làm tại 1 công ty chuyên về phần mềm kế toán. Ở đây có mức lương khá cao đối với sinh viên chưa có kinh nghiệm như mình. Thế nhưng, môi trường làm việc kiểu nhà nước khiến mình ngột ngạt. Công ty có 1001 drama, từ chuyện ngoại tình công sở đến chuyện nhân viên bị sếp "đì" vì dám "bật" sếp đến "ma cũ" bắt nạt "ma mới", nhân viên mới bị "soi" từ trang phục, lời nói đến việc ăn uống… Giờ chuẩn bị cuối năm, mình không biết nên nghỉ hay tiếp tục làm", Ngọc Anh chia sẻ.

Nỗi sợ môi trường công sở của những người mới đi làm khiến họ cảm thấy áp lực. Chia sẻ về vấn đề này, TS. Chi Nguyễn, tác giả blog "The Present Writer", cho biết, cốt lõi trong mọi vấn đề về công việc đó là giá trị mình mang đến cho công việc, cho tổ chức mà mình đang làm. "Làm sao để mình có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và sếp? Không nhất thiết là phải có mối quan hệ bên ngoài công việc như đi ăn, đi chơi cùng đồng nghiệp thì mới có mối quan hệ tốt. Cơ bản nhất là mình làm thật tốt công việc của mình. Mình làm tốt đến mức độ mà họ không thể nào thay thế mình được. Khi mình làm tốt công việc thì ai cũng có thể tin tưởng mình và đấy là giá trị để mang đến cho họ".

Bên cạnh làm tốt công việc thì việc kết nối tốt với các đồng nghiệp cũng rất quan trọng. Theo TS. Chi Nguyễn, nhân viên mới cần phải biết quan sát các đồng nghiệp. "Bạn có thể xem các đồng nghiệp có gặp vướng mắc gì trong công việc, quan sát câu chuyện mà họ chia sẻ với những người xung quanh, về sở thích của họ, về mối quan tâm của họ… Việc quan sát đó giúp mình hiểu họ hơn. Từ đó, mình nói chuyện về sở thích, mối quan tâm của họ cũng dễ dàng hơn, dễ gây thiện cảm với họ hơn. Đặc biệt, việc quan sát cũng rất quan trọng để biết rằng ai là người mà mình có thể tin tưởng để có thể chia sẻ được những câu chuyện của bản thân".

Cách tiếp cận với đồng nghiệp hiệu quả nhất, đó là nhờ nụ cười, TS Chi Nguyễn nhấn mạnh. "Luôn mang đến cho mọi người sự tích cực từ nụ cười và đừng nên nghiêm trọng hóa mọi việc. Điều này rất quan trọng nhưng không phải bạn trẻ nào cũng biết. Sai lầm của nhiều người là luôn thể hiện sự căng thẳng với khuôn mặt bí xị nếu bị góp ý. Bộc lộ cảm xúc cá nhân theo cách này, bạn sẽ "mất điểm" và thật khó để kết nối với các đồng nghiệp", TS. Chi Nguyễn cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm