Nỗi thống khổ của người dân Syria giữa hai làn đạn

16/04/2018 - 20:21
Nhiều người dân Syria đang vô cùng sợ hãi bởi phải sống giữa hai làn đạn bom đạn: Không kích từ tên lửa hành trình của liên quân Mỹ-Anh-Pháp dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump và cuộc tấn công vào Đông Ghouta của chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad với sự yểm trợ của Tổng thống Nga Putin.
tre-em-syria-chiu-khong-kich-4.jpg
Một em bé bị thương trong bom đạn.

 

Gần nửa triệu nạn dân Syria thương vong
Khắp nơi trên đất nước Syria, từ Damacus cho tới Aleppo, Đông Ghoutađâu đâu cũng là tiếng súng tiếng bom. 7 năm đã đi qua, chiến tranh đã biến Syria từ 1 đất nước xinh đẹp trở thành đống đổ nát.
7 năm nội chiến, với sự tàn độc của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và sự tang thương của bom đạn. Hàng trăm cuộc thảm sát, hàng chục cuộc tấn công hóa học tại Syria đã được ghi nhận với số thương vong lên đến gần nửa triệu người. 12 triệu người Syria phải rời bỏ nhà cửa.
Số lượng người dân di cư khỏi đất nước ước tính khoảng 6 triệu, tức là 1/3 dân tộc Syria. Thế nhưng, vẫn còn khoảng 18 triệu người bị kìm kẹp tại đây với cuộc sống đang khắc khoải từng giờ nơi "địa ngục trần gian".

tre-em-syria-chiu-khong-kich-6.jpg
Nỗi đau chiến tranh


Bước sang năm thứ 7 nội chiến, Syria bị chia thành nhiều khu vực dưới sự kiểm soát của nhiều lực lượng quân sự. Mỗi lực lượng đều có được hậu thuẫn và tài trợ bởi các cường quốc bên ngoài. Sự thống khổ của người dân Syria không bút nào tả xiết khi tên lửa tiếp tục xé toạc bầu trời mà họ từng mơ đến hòa bình, cuộc sống ấm no.

canh-tan-hoang-sau-khong-kich-4.jpg
Không kích của liên quân Mỹ-Anh-Pháp vào Syria

Vũ khí hóa học và tên lửa hành trình
Nhân một cuộc tấn công nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học tại Douma (Syria), ngày 14/4, Syria và cả thế giới rúng động khi liên quân ba nước gồm Mỹ, Anh, Pháp bất ngờ tập kích các mục tiêu tại Syria vì cáo buộc nước này sản xuất vũ khí hoá học.
Mục tiêu và số lượng tên lửa mà Mỹ và các đồng minh dùng vào đợt tấn công nhiều hơn gần gấp đôi so với đòn trừng phạt hồi tháng 4/2017. Liên quân nã hơn 100 quả tên lửa vào Syria đầy hủy diệt. Ngược lại, dưới sự chỉ huy của ông Bashar Al-Assad, không quân Syria tuyên bố đã bắn hạ 71 trong số 103 tên lửa hành trình của liên quân Mỹ-Anh-Pháp.

canh-tan-hoang-sau-khong-kich-2.jpg
Đổ nát sau mỗi đợt tấn công


Rạng sáng 15/4, Tổng thống Nga Vlaidimir Putin đã lệnh cho Không quân Nga dùng cường kích hạng nặng Su-34 thực hiện loạt trận không kích cuối cùng tại Đông Ghouta vào các vị trí phiến quân tử thủ buộc chúng phải đầu hàng.
Một số nguồn ủng hộ Chính phủ Syria cho rằng vụ không kích mới này là đòn đáp trả của Nga nhằm vào nhóm Jaysh al-Islam do chúng đã thực hiện vụ tấn công hóa học gần Damascus và đổ lỗi cho quân chính phủ Syria và đây được dùng là cái cớ để Mỹ và đồng minh tấn công Damascus.

tre-em-syria-chiu-khong-kich-9.jpg
Chạy loạn

 

"Điều cháu sợ hãi nhất là những đợt không kích", một cậu bé Syria 10 tuổi nói trong hoảng sợ. Cuộc sống của em và nhiều người dân Syria đang bị đe dọa bởi tiếng bom, những chớp lòe hủy diệt của tên lửa giữa hai làn đạn của liên quân và chính phủ Syria.
Mỗi khi có tiếng rít bom, tiếng tên lửa rít lên, mọi người lại lao xuống tầng hầm của các tòa nhà còn chưa bị phá hủy. Những người đến trú ẩn tại đây nằm dồn vào một góc trong bóng tối. Trong khi đó, các nhân viên cứu hộ nỗ lực tìm kiếm những người bị kẹt lại trong đống đổ nát của các tòa nhà và đưa người bị thương vào bệnh viện. Các nhân viên cứu hộ cũng rất lo lắng cho tính mạng của bản thân bởi họ luôn phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm nhất.

Sẽ không ai có thể trả lời được câu hỏi rằng bao giờ cuộc chiến tranh vô nghĩa này mới kết thúc? Sức mạnh quân sự của các quốc gia mạnh nhất trên thế giới dường như càng làm chảo lửa Trung Đông thêm nóng bỏng.
Những đứa trẻ, những người phụ nữ, đàn ông sẽ vẫn phải đêm ngày đối mặt với cái chết do tên bay đạn lạc hoặc vùi xác dưới những tòa nhà sụp đổ. Những người dân đang đêm ngày đối mặt với cuộc chiến tranh dai dẳng và nỗi bất an của một thế giới chưa bao giờ ngưng tiếng súng.

tre-em-syria-chiu-khong-kich-5.jpg
Ánh mắt sợ hãi của một em bé

Trong lúc chạy loạn, nhiều em nhỏ đã mồ côi cha mẹ hay lạc mất người thân. Sự tàn phá của chiến tranh khiến những người dân vô tội phải chết tức tưởi, đất nước hoang tàn, kinh tế lụi bại… Đó là bức tranh ai cũng có thể nhìn thấy bởi những cuộc tranh giành quyền lực.

tre-em-syria-chiu-khong-kich-7.jpg
Nỗi đau khi mất nhà cửa


Các nước trên thế giới  đã đồng loạt bày tỏ sự quan ngại trước tình hình căng thẳng tại Syria. Nhiều nước cho rằng vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ, Anh và Pháp sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự an toàn của người dân Syria.

bieu-tinh.jpg
Tuần hành phản đối các nước không kích vào Syria

 

Về phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến mới hiện nay ở Syria, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Việt Nam quan ngại trước tình hình hiện nay tại Syria và phản đối việc sử dụng vũ lực đe dọa cuộc sống của người dân vô tội cũng như hòa bình, ổn định tại khu vực".

 "Chúng tôi cho rằng mọi xung đột và bất đồng phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia. Công ước của Liên hợp quốc về cấm vũ khí hóa học phải được triệt để tuân thủ ", bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

 Trước tình hình căng thẳng tại Syria những ngày gần đây, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến Syria hoặc các khu vực lân cận (có thể bị ảnh hưởng) trong thời gian này cho đến khi tình hình ổn định trở lại để tránh những nguy hiểm, rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Trong trường hợp khẩn cấp, công dân có thể liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm Syria) theo số điện thoại trực bảo hộ công dân: 98212411670 hoặc người thân tại Việt Nam có thể liên hệ với Tổng đài bảo hộ công dân theo số điện thoại: 84981848484 để được trợ giúp kịp thời.

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm