"Nóng" cuộc đua tăng lãi suất cuối năm: Ngân hàng Nhà nước ra biện pháp mạnh xử lý

H.Y
23/12/2022 - 13:54
"Nóng" cuộc đua tăng lãi suất cuối năm: Ngân hàng Nhà nước ra biện pháp mạnh xử lý

Ảnh minh hoạ

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng hôm 22/12 đã ký văn bản liên quan đến tín dụng và lãi suất. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi và có biện pháp xử lý các nhà băng tiếp tục tăng lãi suất.

Như Báo Phụ nữ Việt Nam đã phản ánh, thời gian qua, các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ liên tục đẩy lãi suất tiết kiệm tăng "nóng" trong những tháng cuối năm.

Điều này khiến lãi suất cho vay tăng vọt, với khách hàng cá nhân vay trung dài hạn, lên 15-16% một năm, còn doanh nghiệp vay ngắn hạn 11-12% một năm. Ngoài ra, việc các ngân hàng đang "đua" nhau tăng mạnh lãi suất những tháng cuối năm đã khiến cho người dân có tâm lý dịch chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác để hưởng lãi suất tiết kiệm cao hơn. Việc này đã khiến các ngân hàng khó cân đối được dòng tiền, gây khó khăn cho kế hoạch kinh doanh lâu dài.

Hiệp hội Ngân hàng tuần trước cũng đã phải tổ chức họp với các nhà băng về vấn đề lãi suất. Tại cuộc họp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã quán triệt chủ trương các ngân hàng giảm lãi suất huy động và cho vay tùy theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp. Đại diện các ngân hàng cũng đồng thuận với phương án đưa lãi suất huy động về 9,5% một năm. Sau cam kết này, lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng tư nhân đã đồng loạt hạ nhiệt. 

Dẫu vậy, nhìn chung mặt bằng huy động vẫn đang ở mức rất cao. Theo khảo sát của phóng viên Phụ nữ Việt Nam, nhiều ngân hàng vẫn đang huy động với mức lãi suất cao từ 10 - 11%/năm.

Ngoài vấn đề lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng yêu cầu các ngân hàng tiếp tục kiểm soát chặt rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản, đặc biệt là cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản. Ngân hàng Nhà nước đặc biệt lưu ý các nhà băng kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng hoặc nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...

Bên cạnh đó, các nhà băng cần chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng đối với nền kinh tế, hạn chế tối đa rủi ro kỳ hạn. Nguồn vốn cần tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghề cao). Những lĩnh vực thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế như đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, xây dựng khu công nghiệp, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt... cũng cần được ưu tiên.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các nhà băng phải báo cáo hàng tuần về việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi và cho vay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm