“Nóng” tình hình nhập cảnh trái phép, bộ đội biên phòng Bắc Xa gác nỗi nhớ nhà, chốt chặt biên giới xứ Lạng

Khánh Linh
29/12/2020 - 20:27
“Nóng” tình hình nhập cảnh trái phép, bộ đội biên phòng Bắc Xa gác nỗi nhớ nhà, chốt chặt biên giới xứ Lạng

Bộ đội biên phòng Bắc Xa đi tuần tra biên giới

Tình hình nhập cảnh trái phép ở các vùng biên giới từ phía Bắc, Trung đến biên giới Tây Nam đang "nóng" lên, nguy cơ bùng phát dịch vào đất liền rất cao, bộ đội Biên phòng Bắc Xa quyết tâm gác nỗi nhớ nhà, tăng cường chốt chặn chống dịch nơi biên giới xứ Lạng.

"Nhiều cán bộ, chiến sĩ từ đầu năm đến nay chưa thể về thăm nhà"

Sáng nào cũng vậy, Trung tá Đặng Thành Long, Đồn trưởng Đồn biên phòng Bắc Xa (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn), lại thở dài, lẩm nhẩm khi xem bản tin buổi sáng về tình hình dịch Covid-19 trong nước và thế giới: "Từ đầu năm đến nay, nhiều anh em chúng tôi chưa về thăm nhà, cha mẹ già mang trọng bệnh, có người vợ sinh con đã vài tháng, rồi có anh em con cái ốm đau mà chưa thể về".

“Nóng” tình hình nhập cảnh trái phép, bộ đội biên phòng Bắc Xa gác nỗi nhớ nhà, chốt chặt biên giới xứ Lạng - Ảnh 1.

Bộ đội biên phòng Bắc Xa tăng cường trực chốt phòng chống dịch Covid-19

Đồn trưởng Đặng Thành Long lý giải thêm: "Dịch Covid-19 trên thế giới vẫn vô cùng phức tạp, nghĩa là các chốt chống dịch của chúng tôi càng phải tăng cường chặt chẽ, với quyết tâm cao nhất. Bởi nếu lơ là một chút thôi, những người nhập cảnh trái phép có thể mang dịch bệnh vào, rồi lan ra các vùng miền thì biết bao người dân bị nguy hiểm".

Từng được bà con ở biên giới Bắc Xa ví như "con sóc trên rừng", từng nổi tiếng là Đồn trưởng quyết đoán, xử lý mọi công việc nhanh như cơn gió vùng biên, thế nhưng Đồn trưởng Đặng Thành Long cũng chẳng thể nào làm thay nhiệm vụ anh em, chiến sĩ ở Đồn. Mỗi khi ký, duyệt lệnh hoặc giao việc cho cán bộ, chiến sĩ đi làm nhiệm vụ, anh chỉ có thể hỏi thăm: "Tối qua cậu có điện thoại về nhà cho vợ con không?" "Bố mẹ khoẻ lại chưa?", "Cậu làm xong nhiệm vụ, lúc nào về Đồn nhớ điện thoại về nhà xem con cái thế nào, rồi báo tin lại cho tôi biết nhé", để phần nào động viên cán bộ, chiến sĩ an tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong cái giá buốt của mùa Đông, con đường biên giới những ngày cuối năm uốn lượn qua những rừng thông và lau trắng. Vừa đi tuần tra hơn 10 km đường biên giới và cột mốc về, Thiếu tá Phạm Huy Thiệp cho biết: "So với các điểm lán chốt của Đồn thì lán 1288 chúng tôi là điểm thuận lợi đi lại nhất vùng biên này. Nhưng đây cũng là "điểm nóng" có người nhập cảnh trái phép từ nước ngoài về nhiều nhất, phức tạp nhất. Hầu hết họ là người Việt xuất cảnh làm ở các công ty giáp biên nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19, họ không có việc phải trở về. Lúc đi thì họ đi đường khác nhưng trở về, bà con lại nhập cảnh trái phép qua đường này".

"Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã phát hiện và bắt giữ hàng trăm trường hợp nhập cảnh trái phép. Khi bắt giữ, chúng tôi làm đúng thủ tục cách ly họ theo quy định. Cũng có khi họ trở về với số đông hàng chục người một lần, có lúc vài ba người lẻ tẻ từ nhiều đường mòn, lối mở quanh khu vực này, nên chúng tôi phải luôn cảnh giác cao và tuần tra nghiêm ngặt", Thiếu tá Phạm Huy Thiệp chia sẻ.

“Nóng” tình hình nhập cảnh trái phép, bộ đội biên phòng Bắc Xa gác nỗi nhớ nhà, chốt chặt biên giới xứ Lạng - Ảnh 2.

Bộ đội biên phòng Bắc Xa đi tuần tra cột mốc

"Bao giờ hết dịch chúng tôi sẽ về"

Không phải "điểm nóng" nơi các đối tượng nhập cảnh trái phép về nhiều như lán chốt 1288, song ở lán chốt 1277 do Thiếu tá Phạm Quý Dương phụ trách lại là điểm trọng yếu. Nếu bà con không qua điểm chốt này thì không thể đến Bản Chắt được. Vì vậy các đối tượng nhập cảnh trái phép có thể qua đây bất cứ lúc nào, nếu không có chốt chống dịch.

"Từ ngày có dịch bệnh, bà con đi làm qua đây rất hiếm. Có khi nhiều ngày chỉ mấy anh em chúng tôi nhìn nhau, chia sẻ mãi những câu chuyện về gia đình, vợ con, cha mẹ già. Lán này ở giữa rừng sâu, sóng điện thoại rất kém, hầu như chúng tôi phải để dành hôm nào về Đồn mới liên lạc cho vợ con", Thiếu tá Phạm Quý Dương kể.

Thiếu tá Đặng Thành Phương, quê ở huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), xung phong lên lán này trực chốt cùng đồng đội. Vừa lúi húi hái từng ngọn rau lang cạnh lán, anh Phương vừa cười tươi trong niềm vui đón khách lạ. Bên cạnh vườn rau lang là giàn mướp lủng lẳng quả to, nhỏ. Có dây mướp bò lên, bám chặt mái lán và mái chuồng gà.

“Nóng” tình hình nhập cảnh trái phép, bộ đội biên phòng Bắc Xa gác nỗi nhớ nhà, chốt chặt biên giới xứ Lạng - Ảnh 3.

Thiếu tá Đặng Thành Phương hái rau lang tại vườn của lán

Phía bên kia đường là những dây bí đỏ, lá xanh mướt lấp ló quả to, nhỏ, đúng như khẳng định của Đồn trưởng Đặng Thành Long: "Biết công cuộc chống dịch còn lâu dài, chúng tôi yêu cầu cán bộ, chiến sĩ ở các lán, chốt phải tự tăng gia trồng rau, nuôi gà đảm bảo đủ lương thực tại chỗ, không thể trông chờ, phụ thuộc vào tiếp tế từ Đồn. Nơi nào có lán chốt của bộ đội, nơi ấy phải có vườn rau, có "căn nhà" được cải tạo vững chắc hơn, đảm bảo đời sống cho bộ đội yên tâm cắm chốt lâu dài đến khi hết dịch".

Bữa cơm tối vùng biên với những món ăn tại vườn của lán 1277. Có món gà luộc rắc lá chanh, có bát canh bí đỏ ngọt lành và đĩa rau lang xào thơm lừng vị tỏi. Mọi người quây quần vào mâm cơm, bất chợt Thiếu tá Phạm Quý Dương lấy chiếc bát, đổ tép khô bày ra giữa mâm. Anh lý giải: "Bữa cơm nào dù có đủ thức ăn ngon đến đâu, tôi cũng phải ăn vài miếng quà của vợ gửi lên cho đỡ nhớ nhà, như là có thêm hơi ấm của gia đình vậy". Vừa nói, anh vừa gắp miếng tép khô ăn ngon lành, dẫu nơi cổ họng anh đang nghẹn đắng niềm yêu. Lần lượt những đồng đội có mặt ở lán như chàng công an xã Lê Văn Sâm - người xung phong lên lán tăng cường trực chốt cùng bộ đội và Chính trị viên phó Hoàng Văn Bi đều gắp vài miếng tép khô cùng ăn, như để sẻ chia dư vị quê hương với đồng đội ở nơi góc rừng sâu này.

Tạm biệt các anh về lại Thủ đô, tôi vẫn mang theo nụ cười bịn rịn và những bàn tay giơ cao vẫy mãi của người lính biên phòng trong đêm trăng sáng vằng vặc vùng biên. Giữa đêm Đông giá buốt, tôi vẫn thấy ấm lòng với lời nhắn gửi đầy tin yêu của Thiếu tá Đặng Thành Phương: "Nói thật, anh em chúng tôi ai cũng rất nhớ nhà, thương vợ con, cha mẹ già nhiều lắm, nhưng bao giờ hết dịch chúng tôi sẽ về. Dẫu có vất vả thế nào, chúng tôi vẫn sẵn sàng hy sinh tất cả niềm riêng, để canh giữ bình yên biên giới xứ Lạng".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm