NSND Trà Giang kể chuyện về vai chị Tư Hậu

05/07/2019 - 14:57
Vai diễn chị Tư Hậu độ tuổi 40 đằm thắm, chững chạc là một thử thách cho cô gái Trà Giang mới ở tuổi 20.

Chia sẻ của NSND Trà Giang về vai diễn chị Tư Hậu là một điểm nhấn của chương trình Quán thanh xuân chủ đề Rạp chiếu bóng thanh xuân do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, sẽ được truyền hình trực tiếp vào 20h40 chủ nhật, ngày 7/7/2019 tới trên kênh VTV1.

Trong vai trò khách mời của chương trình, NSND Trà Giang chia sẻ, khi nhận lời đạo diễn Phạm Kỳ Nam đóng vai chính trong bộ phim Chị Tư Hậu, chị khá lo lắng vì mình mới suýt soát 20 tuổi - bằng một nửa tuổi của nhân vật trên phim. Chưa kể, nhân vật chị Tư Hậu mang vẻ đằm thắm, chững chạc mà một cô gái đang độ tuổi đôi mươi rất khó thể hiện. Chính bởi vậy, vai diễn này với chị là một thử thách không hề nhỏ.

th.jpg
NSND Trà Giang vai chị Tư Hậu 
 

NSND Trà Giang kể, vốn liếng mà chị mang vào bộ phim này lại chính là ký ức về chiến tranh mà tuổi thơ chị từng trải qua và chứng kiến. Đó là những trận càn quét của kẻ thù, những quả bom nổ tung trời và cảnh các gia đình phải ly tán khỏi quê nhà. Theo NSND Trà Giang, khi ấy kẻ thù không bắt được người cha của chị đang hoạt động Cách mạng ở Phan Thiết, nên đã bắt đi mẹ chị. Lúc bấy giờ, em trai của chị còn đang ở tuổi ẵm ngửa, còn chị và anh trai nhỏ xíu, chỉ biết sợ hãi òa lên khóc nức nở khi chiếc xe của kẻ thù chở mẹ mình dần lao vút đi rồi khuất bóng. Sau đó, 3 đứa trẻ chỉ biết ôm nhau nheo nhóc ngồi trước cửa nhà dõi theo từng chiếc xe chạy ngang đường với hy vọng người ta sẽ trả mẹ mình về.

Mang theo cảm xúc đó vào Chị Tư Hậu, NSND Trà Giang đã thể hiện chân thực và xúc động hình tượng của một nữ chiến sĩ Cách mạng kiên trung và đầy quả cảm.

Những trích đoạn phim đen trắng xúc động của bộ phim Chị Tư Hậu cùng chia sẻ của NSND Trà Giang sẽ đưa người xem của chương trình Quán thanh xuân trở lại với niềm vui rất đỗi bình dị của rạp chiếu bóng thời kỳ được xem như niềm vui to lớn của những ngày cuộc sống khó khăn và thiếu thốn. Thời đó, những rạp chiếu bóng lưu động chở niềm vui đến với khắp mọi miền Tổ quốc.

nsnd-tr-giang-3.jpg
NSND Trà Giang 
 

Cũng trong chương trình, khán giả sẽ có dịp lội ngược thời gian, trở về quá khứ những năm 60-70 của thế kỷ trước, khi người ta gọi việc đi xem phim ngoài rạp bằng nhiều tên gọi khác nhau. Ví như, xem “chớp bóng” là cách gọi phản chiếu vẻ tò mò, ngơ ngác của người nông dân chân lấm tay bùn về một thế giới điện ảnh mang dáng vẻ kỳ ảo và quyến rũ; hay “xi-nê-ma” (cinema) lại là cách gọi về rạp phim được “Tây” hóa…

Thời đó, ra rạp xem phim được xem là một trong những thú vui sang trọng nhất. Người dân ở đâu cũng vậy, rộn ràng ngóng chờ tiếng loa phát thanh thông báo sắp có phim chiếu bóng hay háo hức khi trông thấy mấy tấm áp phích viết bằng phấn màu trên giấy bản dán tường thông báo lịch chiếu phim. Mỗi lần như thế, nhà nào cũng quýnh quáng giục nhau ăn cơm sớm, tắm rửa giặt giũ nhanh còn vác ghế, soi đèn pin ra giữ chỗ xem phim. Rồi khi phim đang chiếu, thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng loạch xoạch khi người ở hậu đài rút phim cũ ra để thay phim mới.

v-chng-nsnd-thanh-vn-nhu-giang.jpg
Vợ chồng NSND Thanh Vân - Nhuệ Giang
 

Những năm ấy cũng chưa phổ biến kỹ thuật thuyết minh, lồng tiếng, nên phim nước ngoài phải có người thật ngồi sau màn chiếu để dịch trực tiếp lời của từng nhân vật. Chẳng hiếm trường hợp, “thuyết minh viên” vì không quen nghề, không rành ngoại ngữ mà hình ảnh trên phim một đằng, lời dịch một kiểu, thế mà ai nấy vẫn hả hê, vui vẻ.

Tham gia ôn lại kỷ niệm của rạp chiếu phim thời kỳ xa xưa trong chương trình Quán thanh xuân cùng NSND Trà Giang còn có NSƯT đạo diễn Quốc Trọng, vợ chồng NSND đạo diễn Nhuệ Giang – Thanh Vân, nhạc sĩ Trương Quý Hải, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh… Các vị khách mời cũng sẽ chia sẻ câu chuyện của những người làm phim thời kỳ đầu cho đến thời trầm lắng của điện ảnh trong nước, khi các tác phẩm điện ảnh Việt dần ít đi, người ta được chọn mang rạp chiếu bóng về nhà, với những bộ phim đa dạng đủ thể loại của các nước...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm