pnvnonline@phunuvietnam.vn
NSND Viễn Châu: Trăm năm còn lại yêu thương
NSND Viễn Châu
Con đường cải lương của Bảy Bá
NSND Viễn Châu (1924-2016) tên thật là Huỳnh Trí Bá, gọi theo cách gọi thân thương của người miền Nam là ông "Bảy Bá". Ông sinh ngày 21/10/1924 trong gia đình có cha là hương chức tại xã Đôn Châu (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh).
Dù gia đình không có truyền thống nghệ thuật nhưng bằng niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn Đờn ca tài tử nên ở tuổi 15, Bảy Bá đã có ngón đàn tranh thuần thục, tiếng đàn của ông thể hiện những cung bậc bổng trầm.
Đây là yếu tố quan trọng giúp ông thể hiện khả năng diễn tấu điêu luyện cùng ban nhạc và tài năng sáng tác sau này.
Ông sớm tham gia hoạt động Cách mạng. Khi Trà Vinh bị giặc Pháp chiếm giữ, Bảy Bá rời quê nhà lên Sài Gòn. Tại đây, ông bí mật tham gia hoạt động tại Ban công tác thành. Ít lâu sau, Bảy Bá bị giặc bắt cùng một nhóm đang rải truyền đơn cách mạng và chịu tù đày ở trại giam Cẩm Giang, tỉnh Tây Ninh, năm 1947.
Hai năm sau, ông được trả tự do. Ông bắt đầu bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp khi viết vở cải lương "Nát cánh hoa rừng" với nghệ danh Viễn Châu, phóng tác từ truyện "Đường rừng" của Khái Hưng năm 1950.
Từ đây, tên tuổi soạn giả Viễn Châu luôn xuất hiện trong những đêm diễn với các vở nổi tiếng như "Chuyện tình Hàn Mạc Tử", "Chuyện tình Lan và Điệp", "Hoa mộc lan", "Sau bức màn thương", "Quân vương và thiếp"... với hơn 50 vở tuồng đã được trình diễn trong nhiều thập kỷ.
Về sáng tác vọng cổ, đến nay, NSND Viễn Châu đã viết hơn 2.000 bài vọng cổ, gồm cổ nhạc và tân cổ. Đây là kho tàng tác phẩm lớn cả về số lượng và giá trị tư tưởng, nghệ thuật.
Người mở đường "tân cổ giao duyên"
Giới chuyên môn ghi nhận soạn giả Viễn Châu có đóng góp quan trọng cho tiến trình phát triển bản vọng cổ, là một trong những người khởi xướng và thành công với thể loại "tân cổ giao duyên".
Những sáng tác tân cổ của ông đã đáp ứng được cả hai nhu cầu về thưởng thức tân nhạc và cổ nhạc trong cùng một tác phẩm. Ông đã làm cho công chúng mê nhạc khó tính phải thừa nhận sự "giao duyên" sáng tạo nghệ thuật của bản tân cổ bằng minh chứng từ những sáng tác bất hủ của mình.
Sự mới lạ ấy đã giúp cải lương đến gần hơn với công chúng các miền, các vùng quê xa xôi. Đồng thời, ông có công lớn biến đổi bài bản vọng cổ truyền thống mang âm hưởng buồn của điệu Oán, thành bài bản vọng cổ vui, hài hước, với hai trong số những giọng ca được nhiều thế hệ khán giả yêu thích, đó là nghệ sĩ Hề Minh và nghệ sĩ Văn Hường.
Tối 4/11 vừa qua, nhiều thế hệ nghệ sĩ cùng hàng trăm khán giả đã có mặt tại Nhà hát TPHCM trong chương trình nghệ thuật với chủ đề "NSND Viễn Châu - Trọn đời nghiệp cầm ca" kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố nghệ sĩ.
Chương trình do Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM chủ trì, phối hợp với Hội Sân khấu TPHCM tổ chức nhằm tri ân những đóng góp của ông với nghệ thuật và tiếp tục phổ biến các sáng tác của ông đến công chúng.
Hàng trăm khán giả xúc động khi nghe nhiều giọng ca "vang bóng một thời" như Minh Vương, Lệ Thủy… hát lại những trích đoạn để đời của "ông vua vọng cổ" Viễn Châu.
Nói về NSND Viễn Châu, nhiều nghệ sĩ vẫn lưu giữ những kỷ niệm về ông, một con người luôn vui tính, đam mê nghề và hết lòng nâng đỡ đàn em.
Các thầy đàn ngày xưa vẫn thường giấu nghề, họ không dạy hết nghề cho trò hay bất cứ ai muốn học. Nhưng với NSND Viễn Châu, ông không giấu nghề, ông thậm chí trao hết những gì mình biết, cổ vũ, nâng đỡ đàn em, người đi sau mình.
Những câu chuyện giản dị, sâu sắc cùng những khúc vọng cổ đi cùng thời gian của soạn giả Viễn Châu đã được những người em, học trò của ông cùng kể, cùng ca trên sân khấu, giúp khán giả hiểu vì sao ông không chỉ được yêu mến trong âm nhạc mà cả trong cuộc đời. Chính vì thế, soạn giả Viễn Châu sẽ mãi là một tên tuổi ghi sâu trong lòng người mộ điệu.