pnvnonline@phunuvietnam.vn
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam nói về sức nặng chiếc vương miện vẻ đẹp phụ nữ ngành Y
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cùng các thí sinh tham gia chung kết Hội thi Phụ nữ ngành Y duyên dáng, chuyên nghiệp, tận tâm
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam vừa đảm nhận vai trò giám khảo Hội thi Phụ nữ ngành Y duyên dáng, chuyên nghiệp, tận tâm lần thứ nhất. Sự kiện do Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ - Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội.
29 thí sinh tiêu biểu đã trải qua 2 vòng thi: Trình diễn trang phục áo dài và trang phục tự chọn. BTC đã lựa chọn ra 6 thí sinh lọt vào vòng thi ứng xử. Kết quả: Giải Đặc biệt trao cho thí sinh Phạm Thị Chung (Bệnh viện Bạch Mai); Giải Nhất trao cho thí sinh Dương Thị Hồng Vân (Bệnh viện Nhi Trung ương). BTC cũng đã trao 4 giải Nhì, 9 giải Ba và 11 giải Khuyến khích.
Sau Hội thi, chúng tôi đã cuộc trao đổi với NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam:
+ Rất bất ngờ khi anh nhận lời mời đảm trách vai trò giám khảo cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ ngành Y. Lý do gì anh có quyết định này?
Tôi từng nhận được rất nhiều lời mời làm giám khảo các cuộc thi sắc đẹp, nhưng tôi thường từ chối vì nhiều lý do. Nhưng khi nhận lời mời ở vị trí giám khảo Hội thi Phụ nữ ngành y duyên dáng, chuyên nghiệp, tận tâm, tôi ngay lập tức đồng ý. Bởi lẽ, đây là một cuộc thi lớn nhằm tôn vinh, tri ân các y bác sĩ nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vừa đi qua. Hội thi không chỉ tôn vinh vẻ đẹp về y đức mà còn là cơ hội để vẻ đẹp thanh lịch, vẻ đẹp tâm hồn của các thí sinh được tiếp cận gần gũi với khán giả.
+ Anh có nhận xét gì về các thí sinh của cuộc thi?
Khác hoàn toàn với những gì tôi tưởng tượng hay quan điểm thông thường của xã hội khi nghĩ bác sĩ là… rất khó tính, họ đều thân thiện, cởi mở. Các nữ bác sĩ dù ở nhiều độ tuổi khác nhau, lĩnh vực chuyên môn khác nhau, đến từ nhiều vùng miền khác nhau nhưng có một điểm chung là họ rất nghiêm túc trong tập luyện khi tham gia chương trình. Tôi thấy được sự hòa đồng, thân thiện, vẻ đẹp của những chiến sĩ blouse trắng khi diện áo dài truyền thống. Họ dù có mệt mỏi sau ca mổ hay vừa tăng ca trực…, nhưng gạt lại hết sau đó là tình yêu sự hăng hái tham gia hoạt động cộng đồng. Đó là một góc nhìn rất khác, rất dịu dàng của các nữ bác sĩ vốn quen với hình tượng cứu đời cứu người.
+ Anh đánh giá thế nào về chiếc vương miện của Hội thi?
Được chứng kiến Top 6 thí sinh đã được vào vòng thi ứng xử, tôi thấy vương miện của Hội thi có một sức nặng đặc biệt. Sức nặng đó ở chỗ người chiến thắng phải nắm giữ được 2 chữ Tâm và Tài. Vương miện cuộc thi vẻ đẹp phụ nữ ngành Y đã nằm trong chính trái tim người bệnh.
+ Thiết kế áo dài cho cho các nữ bác sĩ chứ không phải cho những người đẹp với số đo 3 vòng siêu mẫu có gây khó cho nhà thiết kế không?
Ngay khi nhận lời thiết kế cho các bác sĩ, tôi biết chắc chắn sẽ không phải các mẫu dành cho các cô hoa hậu hay người mẫu. Nhưng điều làm tôi bất ngờ là số đo của các bác sĩ rất đạt chuẩn. Trong khi làm việc tôi có nói vui rằng các bác sĩ ăn kiêng quá hay sao mà có số đo đẹp như vậy? Quả thật công việc vất vả kèm thêm sự thấu hiểu một chế độ ăn uống luyện tập hợp lý khiến đa phần các thí sinh của cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp ngành Y có số đo 3 vòng lý tưởng. Về phần chiều cao khi diện áo dài họ hoàn toàn có thể sử dụng guốc, giày để tăng thêm độ hoàn hảo.
+ Bộ sưu tập áo dài của đêm chung kết đã để lại rất nhiều ấn tượng đối với khán giả. Anh có thể chia sẻ thêm về các thiết kế này?
Bộ sưu tập lấy ý tưởng từ 12 mùa hoa của Hà Nội là một điểm nhấn nhằm khắc họa vẻ đẹp muôn sắc màu của các nữ chiến sĩ áo trắng. Mỗi nữ bác sĩ như một bông hoa khoe sắc trên sân khấu. Bản thân là một chuyên gia, một nhà đào tạo, nhà thiết kế thấu hiểu về cách trình diễn, tạo dáng trước ống kính khi diện áo dài, đây là cơ hội để tôi chia sẻ với các bác sĩ. Họ không chỉ đẹp trong cuộc thi mà ngay tại cuộc sống đời thường, khi có dịp diện áo dài họ sẽ biết cách để mình trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình.
+ Xin cảm ơn anh!
Một số hình ảnh từ Hội thi "Phụ nữ ngành Y duyên dáng, chuyên nghiệp, tận tâm" lần thứ nhất: