Ngày 18/2, bác sĩ Nguyễn Tiến Đức, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (BV K Trung ương) cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho nữ bệnh nhân Demirel S. (54 tuổi, quốc tịch Nam Phi) bị ung thư cổ tử cung.
Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ra máu âm đạo, chóng mặt, buồn nôn, da xanh niêm mạc nhợt, vô niệu. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị suy thận cấp do khối ung thư cổ tử cung xâm lấn lan rộng làm giãn niệu quản 2 bên, Ure huyết tăng cao và hội chứng thiếu máu nặng.
Bệnh nhân đã được chỉ định thực hiện các xét nghiệm siêu âm, chụp Cộng hưởng từ cho thấy khối u cổ tử cung khích thước 9,5x8,7x9,6cm, nhiều hạch chậu và hạch chủ bụng, khối tuyến thượng thận 2 bên. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy thận cấp và mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn IV.
Bệnh nhân cho biết, trước đó đã phát hiện bị ung thư cổ tử cung nhưng không điều trị. Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị theo phác đồ tại BV.
Theo bác sĩ Đức, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ, đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Đây là loại bệnh mà tế bào ung thư thường xuất phát từ vùng chuyển tiếp nơi tiếp nối tế bào biểu mô vẩy và tế bào biểu mô trụ của cổ tử cung. Tại Việt Nam, mỗi năm có gần 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Cũng theo bác sĩ Đức, sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao. Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, chị em nên tiêm phòng vaccine, bởi đây là cách phòng tránh và phát hiện sớm nhất bệnh ung thư cổ tử cung.