Nữ Bộ trưởng góp sức hồi sinh rừng nhiệt đới Amazon

Nhu Thụy
19/01/2024 - 13:49
Nữ Bộ trưởng góp sức hồi sinh rừng nhiệt đới Amazon

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Bộ trưởng Môi trường Marina Silva cam kết chống nạn phá rừng Amazon

Tạp chí khoa học uy tín toàn cầu Nature (Anh) vừa vinh danh bà Marina Silva (66 tuổi), Bộ trưởng Bộ Môi trường Brazil, vì những cống hiến giúp kiềm chế nạn phá rừng Amazon và xây dựng lại các thể chế đã bị Chính phủ tiền nhiệm làm suy yếu.

Nữ anh hùng Trái đất

Bà Marina Silva sinh ra trong một gia đình thổ dân nghèo, đông con ở Seringal Bagaco, miền Tây bang Acre (Brazil). Mẹ mất năm Silva 11 tuổi và Silva đã phải đi bộ gần 15km mỗi ngày để cùng cha cạo mủ cao su kiếm sống. Silva rời nhà năm 16 tuổi và một mình đón xe buýt lên thành phố Rio Branco. Thời gian ấy, bà tự nuôi sống bản thân bằng nghề hầu bàn. Năm 26 tuổi, Silva tốt nghiệp cử nhân Sử và trở thành giáo viên.

Từ tuổi thơ cơ cực, mưu sinh vất vả cùng với những kiến thức ở trường học, Marina Silva đã nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của tình trạng phá rừng tại Brazil. Vì thế, bà đã đứng lên thành lập phong trào biểu tình ôn hòa nhằm chống lại các hành động khai thác rừng bừa bãi cũng như việc đốt rừng vì các mục đích khác. Những nỗ lực ấy nhằm yêu cầu Chính phủ Brazil ra tay mạnh hơn trong "cuộc chiến" bảo vệ "lá phổi xanh", hệ sinh thái Amazon. Năm 1994, bà trở thành thượng nghị sĩ trẻ tuổi nhất Brazil khi mới 35 tuổi và bà được Liên hợp quốc phong danh hiệu "Nhà vô địch Trái đất". Năm 1996, bà cùng Bộ trưởng Bộ Môi trường Tây Ban Nha Cristina Narbona Ruiz được trao Giải môi trường Goldman.

Trong lần đầu nhậm chức Bộ trưởng Môi trường từ năm 2003 đến năm 2008, bà Marina Silva đã giải quyết các hoạt động phá rừng tràn lan bằng cách xây dựng Kế hoạch hành động ngăn chặn và kiểm soát nạn phá rừng ở Amazon hợp pháp (PPCDAm) - một chương trình giúp giảm 83% nạn phá rừng ở Amazon. Hơn 700 người bị bắt và hơn 1.500 công ty bị đóng cửa vì liên quan đến nạn khai thác rừng bừa bãi (từ năm 2003 đến 2007) đã cho thấy sự quyết liệt của bà. Một khu bảo tồn quốc gia với diện tích lên đến 160.000ha mang tên Cerrado ra đời. Năm 2004, bà Marina Silva đã khánh thành ngân hàng ADN đầu tiên về các loại cây ở Brazil nhằm đánh dấu Tuần lễ môi trường thế giới. Sự ra đời của ngân hàng ADN này được xem như một giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển những loài cây hiếm.

Nữ Bộ trưởng góp sức hồi sinh rừng nhiệt đới Amazon- Ảnh 1.

Bà Marina Silva được nhiều người dân Brazil ủng hộ

Năm 2007, bà tiếp tục được Liên hợp quốc phong danh hiệu "Nhà vô địch Trái đất". Năm 2009, bà được trao Giải môi trường Sophie. Trong 3 năm cuối ở vị trí Bộ trưởng Môi trường, Marina Silva giúp Trái đất tránh được lượng khí thải 520 triệu tấn CO2. Thế nhưng, tháng 5/2008, bà Marina Silva từ chức Bộ trưởng Môi trường vì cho rằng chính phủ bắt đầu nhân nhượng trước sức ép của nhiều thế lực cũng như chạy theo quyền lợi kinh tế, thả lỏng mục tiêu bảo vệ môi trường.

Ngoài sứ mệnh của một nhà bảo vệ môi trường tích cực, bà cũng là người xúc tiến các kế hoạch để phát triển môi trường bền vững. Bà đã mạnh dạn đấu tranh cho những bộ lạc, thổ dân vẫn còn ít được quan tâm tại Brazil. Bà là người ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến kết nối internet vệ tinh cho 150 bộ lạc và cộng đồng dân tộc thiểu số sống trong vùng Amazon.

Giữ xanh "lá phổi" Amazon

Kể từ khi ông Lula da Silva lên nắm quyền Tổng thống Brazil vào đầu năm 2023 và bà Marina Silva đảm nhận vai trò Bộ trưởng Môi trường, Chính phủ nước này đã có biện pháp xử lý những người chiếm đoạt đất đai, khai thác rừng trái phép, phân định ranh giới nhiều đất đai hơn cho người bản địa và tạo ra nhiều khu vực bảo tồn hơn. Nạn phá rừng Amazon đã giảm 66,11% trong tháng 8/2023, mức thấp nhất kể từ năm 2018. Thông tin tích cực này đánh dấu một mốc quan trọng đối với chính sách bảo vệ môi trường của Brazil vì nạn phá rừng thường tăng đột biến vào thời điểm này trong những năm trước.

Chính phủ Brazil đã cấp khoản ngân sách trị giá 2 tỷ real (khoảng 410 triệu USD) cho hoạt động tăng cường an ninh tại khu vực Amazon, nhằm trấn áp tội phạm môi trường, buôn bán ma túy và vũ khí. Với tư cách là Bộ trưởng Môi trường, bà Silva giám sát việc thành lập các khu bảo tồn và một chiến lược tinh vi chống nạn phá rừng với các hoạt động chống lại tội phạm môi trường và giám sát vệ tinh mới. Một thành tựu quan trọng là ra mắt phiên bản cải tiến của chương trình PPCDAm vào ngày 5/6/2023 để bảo vệ Amazon mà chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro tiền nhiệm đã đóng cửa. Viện Môi trường và Tài nguyên tái tạo Brazil (IBAMA) đã ban hành mức phạt đối với tội phạm môi trường cao hơn 147% so với mức trung bình trong các tháng tương tự từ năm 2019 đến năm 2022. Dưới thời cựu Tổng thống Bolsonaro, tình trạng tàn phá rừng Amazon dưới bàn tay của các chủ trang trại, những kẻ đầu cơ đất đai và thợ mỏ đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm.

Bà Silva cho biết, một trong những lý do khiến các biện pháp bảo vệ môi trường có hiệu quả là do Chính phủ đang thúc đẩy chương trình nghị sự về vấn đề này. Nhưng theo bà, chấm dứt nạn phá rừng là chưa đủ. "Nếu các quốc gia không giảm lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch, rừng cũng có nguy cơ bị phá hủy do biến đổi khí hậu. Vì vậy, chúng ta cần một sự thay đổi mang tính văn minh, một sự thay đổi trong cách sống của chúng ta", bà Silva nhấn mạnh.

Với diện tích khoảng 400 triệu ha, rừng nhiệt đới Amazon của Brazil mang lại cơ hội tái tạo rừng lớn nhất thế giới. Hơn 54 triệu ha quần xã sinh vật ở khu rừng này là đồng cỏ, thích hợp để trồng cây. Chính phủ Brazil đã khôi phục Quỹ Bảo vệ rừng Amazon và tiếp tục vận động các nhà lãnh đạo thế giới đóng góp vào nỗ lực cứu rừng. Việc tái trồng rừng ở các khu rừng nhiệt đới và ôn đới có thể giúp loại bỏ 113 tỷ tấn carbon khỏi khí quyển từ nay đến năm 2050.

Bà Silva tự ví mình như sợi gỗ chắc chắn từ cây Amazonia được dùng để buộc gỗ làm bè. Bà nói: "Đây là cách tôi nhìn nhận công việc của mình, tập hợp những người sẵn có và bất cứ điều gì cần thiết để tạo thành một bề mặt hỗ trợ trong hành trình đầy thử thách của thời đại chúng ta".

Nguồn: Nature, ctvnews.ca
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm