Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản ngã ngựa

28/07/2017 - 07:25
Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada sẽ phải từ chức sau các cáo buộc liên quan tới việc che giấu các báo cáo về tình hình an ninh xấu đi ở Nam Sudan, nơi binh sĩ Nhật Bản đang tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Bà Tomomi Inada (58 tuổi) từng thu hút sự quan tâm của dư luận vì có quan điểm chính trị cứng rắn, đồng thời rất ăn ý với Thủ tướng Shinzo Abe trong hầu hết vấn đề mà Nhật Bản đang đối mặt, trong đó có nỗ lực sửa đổi Hiến pháp, xử lý mối đe dọa từ Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa, những căng thẳng trong tranh chấp tại biển Hoa Đông hay việc mở rộng vai trò an ninh của Nhật Bản trong khu vực...
Việc bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng xuất thân là luật sư cũng cho thấy Nhật Bản mong muốn sẽ có những bước tiến vững chắc trong việc xử lý tranh chấp quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích và quyền lợi hợp pháp của nước này.
tomomi-inada-3.jpg
Bà Tomomi Inada được xem là nhân vật thân cận của Thủ tướng Shinzo Abe

Tuy nhiên, suốt 1 năm qua kể từ khi nhậm chức ngày 3/8/2016, cương vị mới của bà tại Bộ Quốc phòng bị đánh dấu bởi hàng loạt những sơ suất và chỉ trích. Thủ tướng Abe nhiều khả năng sẽ chọn một cựu Bộ trưởng quốc phòng làm người kế nhiệm bà Inada. Ứng cử viên tiềm năng là ông Itsunori Onodera, người từng giữ chức vụ này trong gần 2 năm từ 2012 khi ông Abe trở lại cầm quyền.

itsunori-onodera.jpg
Ông Itsunori Onodera

Bà Inada rơi vào bê bối liên quan tới những cáo buộc cho rằng bà là người trực tiếp chỉ đạo cấp dưới che đậy thông tin về báo cáo của phái bộ Nhật Bản tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) tại Nam Sudan. Mặc dù bà Inada phủ nhận mọi cáo buộc, đồng thời chỉ đạo mở cuộc điều tra về những thông tin bê bối bị truyền thông nêu ra nhưng có vẻ như bà sẽ không giữ nổi chiếc ghế sau bê bối này.

tomomi-inada-1.jpg
Bà Tomomi Inada trong vai trò Bộ trưởng Quốc phòng

Trước đó, một loạt truyền thông Nhật Bản đưa ra nghi vấn về một vụ che đậy thông tin về hoạt động của các binh sĩ Nhật Bản tại Nam Sudan hồi tháng 7/2016, khi tình hình xung đột tại Nam Sudan bất ngờ căng thẳng. Giới chức quốc phòng Nhật Bản khi đó cho biết không thể cung cấp đầy đủ thông tin về hoạt động của lực lượng này vì các nhật ký hoạt động đã bị hủy. Tuy nhiên sau đó, đầu tháng 2, Bộ Quốc phòng lại thông báo đã tìm thấy các tài liệu này trong một máy tính của Văn phòng Cố vấn quân sự Các lực lượng Phòng vệ và công bố một phần tài liệu. Những tài liệu này miêu tả phần nào tình hình căng thẳng ở Nam Sudan và việc công bố tài liệu từ năm 2016 có thể ảnh hưởng ngược tới nỗ lực của chính phủ trong việc tiếp tục triển khai lực lượng cũng như nhận những nhiệm vụ an ninh mới và có khả năng nguy hiểm hơn tại các phái bộ của Liên hợp quốc.

Bê bối che giấu thông tin về lực lượng binh sĩ Nhật Bản tham gia gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan cũng đã khiến cho tướng Toshiya Okabe - Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ mặt đất phải từ chức.
toshiya-okabe.jpg
Tướng Toshiya Okabe phải từ chức

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cũng đã bị chỉ trích về việc đánh giá thấp tính nghiêm trọng của cuộc xung đột tại Nam Sudan. Bà cho rằng đây chỉ là xung đột vũ trang trong khi nhật ký hoạt động hàng ngày của binh sĩ Nhật Bản lại miêu tả đây là những cuộc chiến. Vụ việc đã buộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản tiến hành một cuộc điều tra nội bộ, các động tác chuẩn bị đã được thực hiện để công bố kết quả điều tra vào ngày 28/7.

Trước đó, đầu tháng 7, bà Inada đã phải đối mặt với sức ép từ chức từ các nghị sĩ đảng đối lập sau khi bà bị cáo buộc lợi dụng ảnh hưởng để lôi kéo sự ủng hộ dành cho một ứng cử viên đảng Dân chủ Tự do (LDP) trong cuộc bầu cử hội đồng thủ đô Tokyo. Bà Inada thậm chí còn nhấn mạnh rằng đề nghị này do “Bộ Quốc phòng, Lực lượng Phòng vệ (SDF), Bộ trưởng Quốc phòng và đảng LDP” đưa ra. 
tomomi-inada-2.jpg
Bà Tomomi Inada trong vòng vây báo chí

Tuyên bố trên của bà Inada ngay lập tức vấp phải phản ứng của các nghị sĩ đảng đối lập vì theo quy định của luật, quân đội Nhật Bản hay Lực lượng Phòng vệ (SDF) phải giữ thái độ trung lập về mặt chính trị, đồng thời các thành viên của SDF bị hạn chế khả năng tham gia các hoạt động chính trị. Một số nghị sĩ còn yêu cầu Thủ tướng Shinzo Abe phải chịu trách nhiệm vì đã bổ nhiệm bà Inada. Vì vậy, bà Inada đã lên tiếng xin lỗi, rút lại phát ngôn của bà và thừa nhận rằng những lời nói đó có thể gây hiểu lầm cho người nghe.
Bà Tomomi Inada chính thức được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản ngày 3/8/2016. Được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Tomomi Inada được xem là một trong những ứng cử viên cho chức vụ thủ tướng trong tương lai. Thế nhưng những sai sót trên cương vị bộ trưởng quốc phòng đã khiến bà Tomomi Inada phải trả giá bằng chính sự nghiệp chính trị.
Theo đài NHK, bà Inada sẽ từ chức vào hôm nay, 28/7, sau khi công bố kết quả điều tra về vụ bê bối trên để nhận trách nhiệm về vụ việc này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm