Nữ Chánh án Tòa án Liên bang đầu tiên của Malaysia

03/05/2019 - 20:31
Theo Văn phòng Thủ tướng Malaysia, Thẩm phán Tòa án liên bang Tengku Maimun Tuan Mat (60 tuổi) vừa được bổ nhiệm vào vị trí Chánh án Tòa án liên bang. Đây là lần đầu tiên vị trí quyền lực này được giao cho một phụ nữ.
Bà Tengku Maimun được bổ nhiệm làm Chánh án Tòa án Liên bang Malaysia thay cho ông Tan Sri Richard Malanjum, người đã rút lui khỏi chức vụ này sau 27 năm làm việc trong ngành tư pháp. Chánh án Tòa án liên bang Malaysia là chức vụ cao nhất trong ngành tư pháp. Quyết định bổ nhiệm này được đưa ra sau khi nhận được sự chấp thuận của Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah Ri’ayatuddin Al-Mustafa Billah Shah.
 
 
Bà Tengku Maimun Tuan Mat giữ chức vụ cao nhất trong ngành tư pháp Malaysia

  

Bà Tengku Maimun Tuan Mat, một người Malaysia theo đạo Hồi, nổi tiếng là một thẩm phán có tư tưởng tiến bộ. Bà Tengku Maimun bắt đầu làm việc trong ngành tư pháp từ năm 1982 với chức vụ chuyên viên pháp lý của Ủy ban phát triển khu vực phía Nam bang Kelantan (KESEDAR).
 
Từ năm 2007 đến 2013, bà được bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa án cấp cao của Malaysia. Trước khi đảm nhận chức vụ thẩm phán Tòa án Liên bang, bà đã giữ chức vụ thẩm phán Tòa án Phúc thẩm trong gần 6 năm. Chính bà đã tham gia thực hiện thủ tục tố tụng xét xử cựu Thủ tướng Najib Razak vì bê bối tham nhũng hàng tỉ USD từ Quỹ đầu tư nhà nước 1MDB. Nếu bị kết tội, ông Najib sẽ đối mặt với án phạt lên tới 20 năm tù giam và phải bồi thường thiệt hại bằng tiền mặt.
 
Chính quyền của Thủ tướng Mahathir Mohamad đã cam kết sẽ cải thiện hình ảnh về quyền phụ nữ và hiện số nữ thẩm phán tại các tòa án hàng đầu của Malaysia đã tăng trong những năm gần đây. Việc bà Tengku Maimun Tuan Mat giữ vị trí cao trong hệ thống tư pháp đang làm nức lòng các nhà hoạt động nữ quyền. Họ hy vọng việc bổ nhiệm bà Tengku sẽ giúp cải thiện tỷ lệ kết án thấp trong các vụ án như cưỡng hiếp và bạo lực gia đình.
 
Theo báo cáo của Tổ chức phi lợi nhuận Hỗ trợ Phụ nữ, trong số 10.810 vụ bạo lực gia đình được báo cáo trong khoảng năm 2015 - 2016, chỉ có 7% bị kết án. Đối với tội hiếp dâm, trong số 28.700 vụ từ năm 2005 đến 2014, chỉ có khoảng 3% bị kết án. Ở các vụ ly hôn và bạo lực gia đình, có nhiều trường hợp người phụ nữ phải đợi đến 10 năm để nhận được phán quyết của tòa án cho phép họ ly thân. Tất cả chỉ vì "thiếu sự đồng cảm" của những thẩm phán là nam giới.
 
Bà Latheefa Koya - Giám đốc tổ chức Luật sư vì tự do, một tổ chức phi lợi nhuận của các luật sư bảo vệ nhân quyền - cho biết, việc bổ nhiệm bà Tengku là một bước đi tạo ra sự khác biệt đối với các vụ án liên quan đến quyền phụ nữ tại nơi làm việc, trong hôn nhân và vấn đề ly hôn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm