Nữ đạo diễn Kim Khánh dành sự đồng cảm đặc biệt với cộng đồng LGBT

20/05/2018 - 22:05
Chọn làm phim điện ảnh tài liệu về cuộc sống của các bạn chuyển giới tại Sài Gòn, nữ đạo diễn, diễn viên Kim Khánh đã dốc lòng, dốc sức để mang đến những thước phim đậm tính nghệ thuật, hướng người xem đến một cái nhìn rộng mở hơn, không còn kỳ thị người chuyển giới.
img_9954.JPG
Đạo diễn Kim Khánh trong một buổi ra mắt phim Hồn bướm tại Sài Gòn. Ảnh: Mễ Thuận

- Mối duyên nào khiến chị quyết định thực hiện bộ phim điện ảnh, tài liệu về cuộc sống của những người chuyển giới?

Đây là bộ phim nằm trong dự án phòng chống HIV/AIDS của Đại sứ quán Mỹ. Phía Đại sứ quán đề nghị tôi hợp tác làm bộ phim này. Bộ phim "Hồn bướm" ngoài việc kể các câu chuyện về những người chuyển giới trẻ Việt Nam thì tôi đã lồng ghép vào trong đó những chi tiết rất thật, những thông tin về các biện pháp phòng chống HIV/AIDS khi các bạn có những sơ hở trong quan hệ tình dục. Khi khán giả xem sẽ thấy đầy đủ những thông tin về bảo vệ sức khỏe tình dục như thế nào. Bởi nhóm các bạn chuyển giới từ nam sang nữ và các bạn đồng tính nam là những đối tượng có tỉ lệ lây nhiễm HIV cao nhất. 
 
- Cá nhân chị có sự đồng cảm như thế nào với các bạn chuyển giới nói riêng, LGBT nói chung?
Ngay như trong gia đình của tôi, em trai tôi cũng là một người đồng tính nhưng mãi đến năm 25 tuổi, khi đi định cư bên Mỹ em mới dám công khai giới tính thật của mình. Và em trai tôi đã chịu rất nhiều đau khổ khi bị gia đình từ bỏ, thậm chí còn ép má tôi phải từ bỏ, không công nhận em là con trai trong nhà. Mọi người nghĩ em là bê-đê thì là bệnh hoạn này kia. Từ đó, tôi mới tìm hiểu kỹ hơn về việc này, nhận thấy các bạn trong giới LGBT bị đối xử rất bất công. Chúng ta được sinh ra dưới ánh mặt trời và chúng ta đều có quyền được sống, được yêu thương bình đẳng như nhau.
 
Clip Kim Khánh kể chuyện về người em trai đồng tính từng bị chính gia đình kỳ thị:
- Quá trình tiếp cận nhân vật Jessica và các nhân vật trong phim của chị diễn ra như thế nào?
Vì đây là một bộ phim tài liệu, tôi muốn làm rất chân thật nên tôi dành thời gian rất nhiều cho Cà (Jesssica) để có thể hiểu rõ câu chuyện của bạn. Câu chuyện mà tôi muốn kể là câu chuyện về những người chuyển giới Việt Nam, về những trăn trở, khó khăn, nỗi đau mà các bạn gánh chịu. Do đó tôi phải nghe rất nhiều từ Cà. Hai chị em dành rất nhiều thời gian gặp nhau để tâm sự. Gặp nhau bất cứ lúc nào cả hai có thời gian rảnh. Tôi yêu cầu Cà kể những điều mà Cà chưa từng nói với ai. Có thể những điều đó tôi không đưa lên phim nhưng tôi vẫn nghe để có thể hiểu thật rõ để đồng cảm nhiều hơn nữa về người chuyển giới mà Cà là một đại diện. Cà đã có rất nhiều câu chuyện rất xúc động.
img_9951.JPG
Jessica và Sử Yến Mi là hai nữ chính trong phim Hồn Bướm. Ảnh: Mễ Thuận

- Sau quá trình tìm hiểu, chị nhận thấy cuộc sống của các bạn có điểm gì khác biệt, nổi trội?

Trong quá trình thực hiện bộ phim tài liệu này, theo tôi là một đề tài rất thú vị. Vì đây là lần đầu tiên các bạn chuyển giới Việt Nam kể về câu chuyện của mình. Tôi và đoàn phim đã đến làm việc tại nhà của Cà rồi ở đó. Các bạn sinh hoạt như bình thường. Các bạn làm việc, rồi giận hờn nhau, thương yêu nhau, quan tâm nhau… Điều làm đoàn phim xúc động là sự đùm bọc của các bạn. Các bạn có tình gia đình, tình chị em, tình thương rất đặc biệt. Quá trình làm phim với chúng tôi là một trải nghiệm thú vị.
 
Các bạn không diễn nên câu chuyện các bạn thấy trên phim, câu chuyện của những người mẹ chắc chắn sẽ hé mở ra một cái nhìn mới cho những người chưa từng đồng cảm dành cho các bạn khi nhìn thấy những nối đau, mất mát mà các bạn đã trải qua. Bởi trong số các bạn cũng có những người đã đi chuyển giới ở Thái Lan nhưng mãi mãi không thể trở về. Trong đoàn làm phim chúng tôi cũng vậy, có những người ban đầu còn e dè, ngại ngần, thậm chí là có một chút ác cảm với các bạn nhưng chỉ sau một hai buổi làm việc với các bạn đã nhận thấy các bạn vô cùng đáng yêu, đáng mến, không còn cảm giác ác cảm hay phân biệt với các bạn nữa.
img_9972.JPG
Phụ huynh của cô gái chuyển giới Sử Yến Mi hiện tại rất vui mừng vì con gái được sống thật với chính mình. Ảnh: Mễ Thuận

- Có điểm mới mẻ nào đắt giá trong bộ phim Hồn Bướm mà chị tâm đắc?

Đó là phần xuất hiện của những người mẹ có con là người chuyển giới, đồng tính. Tôi nghĩ đã có rất nhiều thảm kịch gia đình đối với những người đồng tính và chuyển giới. Họ bị gia đình xua đuổi, cha mẹ không ủng hộ trên hành trình chuyển giới, khiến các bạn dễ bị sa ngã, thành gánh nặng cho xã hội.
 
Đồng thời, nếu một người chuyển giới hay đồng tính mà không nhận được sự thương yêu của một người mẹ, người cha của mình thì rất đau khổ. Và nỗi đau khổ đó không chỉ riêng các bạn gánh chịu mà chính người mẹ cũng sẽ là người rất đau khổ vì các sự kỳ thị, dè bỉu của làng xóm, bà con dòng họ, xã hội… Phải nói là con đau một thì mẹ đau mười. Cho nên, hai câu chuyện của hai người mẹ trong phim sẽ là một khía cạnh khác, một nỗi niềm khác của bậc làm cha mẹ có con là người chuyển giới.
 
- Chị có hy vọng gì nhiều từ một bộ phim mà mình và ekip đã bỏ ra rất nhiều công sức để thực hiện?
Tôi hi vọng là bộ phim này nói lên được những khó khăn, mất mát, niềm đau khổ và những mong muốn của các bạn là người chuyển giới. Kể cả khi đã chuyển giới rồi nhưng Luật quốc tịch Việt Nam vẫn chưa cho thay đổi họ tên chẳng hạn. Còn nhiều khó khăn khác, các bạn vẫn bị kỳ thị khi đi xin việc làm. Không phải ai cũng chấp nhận các bạn vào làm việc, mặc dù đó là việc các bạn có thể làm rất tốt như thu ngân, bán hàng… Các bạn vẫn bị kỳ thị khi yêu ai đó.
img_9966.JPG
Hồn bướm vừa có buổi ra mắt tại Trung tâm Hoa Kỳ, tại lầu 8, toà nhà Diamond Plaza, Q.1, TP.HCM. Ảnh: Mễ Thuận
 
- Hiện nay, việc phát hành bộ phim Hồn bướm như thế nào, có gặp khó khăn gì không thưa chị?
Bộ phim hiện mới chỉ ra mắt tại Sài Gòn và Hà Nội với sự đồng hành, tài trợ của BHD. Nhưng sau khi xem xét thì họ nói lịch của họ rất bận rộn chưa thể công chiếu. Do vậy tôi sẽ phải thuyết phục nhiều nhà phát hành khác nữa để bộ phim được chiếu đến công chúng rộng rãi hơn. Sau đó, tôi cũng mong muốn là bộ phim sẽ được chiếu online để đông đảo mọi người có thể xem, từ đó có cái nhìn yêu thương, đồng cảm hơn với các bạn chuyển giới Việt Nam.
 
- Cảm ơn chị! 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm