“Thế giới số, siêu kết nối thông minh sẽ tạo ra cơ hội cho mọi người dân đều có thể khởi nghiệp, sáng tạo, tiếp cận các nguồn lực, thông tin mới, tri thức mới và thị trường mới. Đây chính là cơ hội cho phát triển bao trùm” - Đó là lời nhấn mạnh của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hội thảo "ASEAN 4.0: Phát huy tinh thần doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0" ngày 21/8.
Ông Bùi Thanh Sơn nhận định, ASEAN là nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới với 630 triệu người dân, trong đó 260 triệu người thường xuyên truy cập Internet và dự báo sẽ tăng lên 480 triệu vào năm 2020. Ở Việt Nam, khoảng 60% dân số 93 triệu người là dưới 35 tuổi, có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ mới, và khoảng 55% dân số sử dụng Internet. Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020, sẽ trong Top 10 thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số với khoảng 1 triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Theo dự báo của tập đoàn Google và Quỹ Temasek, nền kinh tế Internet của khu vực Đông Nam Á sẽ đạt 200 tỷ USD vào năm 2025, tương đương 6% tổng GDP của khu vực. Đây là nền tảng thuận lợi và là thị trường đủ lớn cho đổi mới, đầu tư phát triển nhanh các mô hình kinh doanh mới ở khu vực Đông Nam Á cũng như ở Việt Nam.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế hàng đầu và lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam, ASEAN đi đầu trong phát triển công nghệ cao đã tập trung thảo luận cơ hội, những vấn đề Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho doanh nghiệp các nước ASEAN, gợi mở các ý tưởng, kiến nghị chính sách về khơi dậy tinh thần doanh nghiệp, nâng cao năng lực thích ứng và tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 của các quốc gia và doanh nghiệp ở các nước ASEAN nhằm duy trì sự phát triển năng động của các nước ASEAN.
Môi trường siêu kết nối đang tạo nên cách mạng về giao dịch, thanh toán, logistic, đồng thời mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Với chính sách đổi mới và rất cởi mở của các nền kinh tế ASEAN thì vai trò của phụ nữ càng được coi trọng. Trong kỷ nguyên số, mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN (AWEN) sẽ là nơi doanh nhân nữ trong khu vực ASEAN có thể kết nối kinh doanh, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa khu vực công và khu vực tư, tạo thêm cơ hội cho các doanh nhân nữ tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của khu vực, thúc đẩy hơn nữa sự hội nhập và quyền năng kinh tế của phụ nữ ASEAN.
Để vững vàng trong thời đại mới, doanh nhân nữ cần học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng tiếp cận, có sự nắm bắt, tiếp cận, ứng dụng và đầu tư đổi mới công nghệ trong các khâu sản xuất kinh doanh, quản trị; trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…. Qua đó mới có thể tăng hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững, bao trùm trên cả 3 yếu tố công nghệ, môi trường và tiến bộ công bằng xã hội.
Việt Nam đang nỗ lực hướng tới tăng trưởng bền vững trên cơ sở nâng cao chất lượng tăng trưởng và tranh thủ thời cơ của Cách mạng công nghiệp 4.0 để tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh nhằm tiến lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2017, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới Philipp Rosler từng cho rằng, tài sản lớn nhất của Việt Nam không phải dầu khí, không phải cơ sở hạ tầng, không phải công nghệ mà là người dân, nhất là giới trẻ và phụ nữ. Nâng cao trình độ năng lực cho giới trẻ và phụ nữ chính là biện pháp tốt nhất nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Doanh nghiệp khởi nghiệp và phụ nữ sẽ đóng góp nhiều cho kinh tế trong kỷ nguyên số nếu được tạo thêm điều kiện.