pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ doanh nhân Việt Nam: Vượt qua rào cản để bước vào kỷ nguyên mới

Ngày càng có nhiều phụ nữ tự tin phát triển kinh tế, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. Ảnh: PVH
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đang trở thành khu vực đông đảo nhất, đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế Việt Nam. Đánh giá về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra tầm nhìn chiến lược đến năm 2030, kinh tế tư nhân dự kiến đóng góp 70% GDP, với nhiều doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu, làm chủ công nghệ và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị quốc tế.
Đồng hành cùng sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân, các nữ doanh nhân đang vượt qua nhiều rào cản để cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Liên quan đến nội dung này, bà Bùi Thị Ninh, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam chi nhánh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh - VCCI-HCM đã có buổi trao đổi cùng PNVN.
+ Bà có thể chia sẻ quan điểm của mình về vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế tư nhân Việt Nam hiện nay? Liệu phụ nữ có thực sự nắm giữ vai trò quan trọng hay vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản và định kiến?

Với hơn 20 năm kinh nghiệm, bà Bùi Thị Ninh là một chuyên gia chủ chốt trong quan hệ lao động và phát triển bền vững tại Việt Nam, làm việc ở nhiều cấp độ khác nhau, từ hoạch định chính sách đến vận động tại chỗ.
Bà Bùi Thị Ninh: Phụ nữ đang đóng một vai trò hết sức quan trọng trong khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Họ không chỉ với tư cách người lao động mà còn là những nhà sáng lập và lãnh đạo doanh nghiệp.
Theo Chỉ số Nữ doanh nhân toàn cầu (Mastercard Index of Women Entrepreneurs - MIWE 2023), Việt Nam xếp hạng 7 thế giới về tỷ lệ nữ doanh nhân, với 26,5% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ - mức cao nhất trong khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, phụ nữ vẫn đối mặt với nhiều rào cản mang tính hệ thống và văn hóa. Định kiến về vai trò giới, tiêu chuẩn kép trong đánh giá năng lực, cùng với áp lực xã hội về việc "làm tròn trách nhiệm gia đình" khiến con đường phát triển nghề nghiệp của phụ nữ trở nên khó khăn hơn nam giới. Họ không thiếu năng lực, mà thiếu cơ hội được công nhận và hỗ trợ tương xứng.
+ Các yếu tố nào đang tác động đến sự phát triển của nữ doanh nhân Việt Nam, xin bà chia sẻ?
Bà Bùi Thị Ninh: Theo tôi, môi trường kinh doanh hiện nay vẫn tồn tại ba nhóm rào cản lớn đối với phụ nữ.
Trước hết là rào cản văn hóa xã hội, phụ nữ thường phải gánh vác "vai trò kép" - vừa đảm nhiệm công việc quản trị doanh nghiệp, vừa duy trì vai trò chăm sóc gia đình. Điều này làm giảm đáng kể thời gian và nguồn lực để họ đầu tư cho phát triển cá nhân và doanh nghiệp.
Rào cản thứ hai là vấn đề tiếp cận nguồn lực. Theo khảo sát của IFC và VCCI (2021), chỉ khoảng 37% nữ doanh nhân tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng, so với 47% ở nam giới. Họ cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong tiếp cận công nghệ và tư vấn chuyên môn.
Rào cản thứ ba là thiếu hệ sinh thái hỗ trợ. Các chương trình đào tạo khởi nghiệp hoặc đổi mới sáng tạo thường không tích hợp yếu tố giới, dẫn đến việc phụ nữ bị "vô hình" trong chính sách hỗ trợ.
+ Vậy nếu so sánh với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước trong khu vực ASEAN, nữ doanh nhân Việt Nam đang giữ vị trí ra sao, thưa bà?
Bà Bùi Thị Ninh: Xét về tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp, Việt Nam đang có thành tích đáng ghi nhận so với mặt bằng khu vực. Dữ liệu từ Báo cáo GEM (Global Entrepreneurship Monitor) 2022/2023 cho thấy: Tỷ lệ này ở Việt Nam là 26,5%; ở Thái Lan: 23,4%; ở Malaysia: 20,3% và Indonesia: 21,1%
Tuy nhiên, sự khác biệt rõ rệt nằm ở chất lượng tham gia. Trong khi phụ nữ ở Singapore hay Malaysia đã có mặt trong các ngành kinh tế chiến lược như công nghệ cao, dịch vụ tài chính, logistics toàn cầu, thì ở Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp nữ vẫn hoạt động trong các ngành truyền thống như bán lẻ, thực phẩm, dịch vụ chăm sóc cá nhân - vốn có biên lợi nhuận thấp, ít cơ hội mở rộng.

Phần lớn doanh nghiệp nữ vẫn hoạt động trong các ngành truyền thống như bán lẻ, thực phẩm, dịch vụ chăm sóc cá nhân. Ảnh: PVH
+ Từ những thông tin bà vừa chia sẻ, bà có thể gợi mở một số giải pháp để phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn vào khu vực kinh tế tư nhân?
Bà Bùi Thị Ninh: Để phát huy tiềm năng của phụ nữ trong nền kinh tế tư nhân, chúng tôi cho rằng cần triển khai các giải pháp đồng bộ, bao gồm:
Trước hết, cần xây dựng chương trình tài chính vi mô và tín dụng ưu đãi riêng cho doanh nghiệp nữ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh. Mô hình tài chính bao trùm dành cho nữ giới đã được nhiều nước như Philippines, Canada áp dụng thành công.
Thứ hai là phát triển mạng lưới cố vấn doanh nhân nữ (women in business mentorship networks) ở cấp vùng và quốc gia để hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược và kết nối thị trường.
Thứ ba, đưa yếu tố bình đẳng giới vào chính sách khởi nghiệp quốc gia, bao gồm Chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia đến năm 2025 (Quyết định 188/QĐ-TTg) và các chương trình đổi mới sáng tạo.
+ Theo bà, có những thay đổi nào về mặt chính sách, đào tạo hay hỗ trợ doanh nhân nữ cần được cải thiện để khuyến khích sự phát triển của họ?
Bà Bùi Thị Ninh: Tôi cho rằng, cần có những thay đổi cần thiết về chính sách, đào tạo và hỗ trợ để hỗ trợ nữ doanh nhân trong khu vực kinh tế tư nhân.
Có ba định hướng chính sách cần được cải thiện gồm: Thể chế hóa các ưu đãi cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Ví dụ như ưu tiên tiếp cận quỹ đổi mới sáng tạo, gói tín dụng xanh hoặc cơ chế đấu thầu công bằng giới. Thiết kế chương trình đào tạo phù hợp điều kiện thực tế của nữ doanh nhân, có tính linh hoạt cao về thời gian, nội dung chuyên sâu và liên kết chặt chẽ với thị trường. Hỗ trợ địa phương thành lập trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nữ theo mô hình "một cửa" - cung cấp dịch vụ pháp lý, tư vấn tài chính, kết nối thị trường và đào tạo kỹ năng mềm.

Ngày càng có nhiều phụ nữ tự tin khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Ảnh: PVH
Luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nhân, trong đó có đội ngũ nữ doanh nhân, Liên đoàn Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam và VCCI-HCM luôn coi việc hỗ trợ nữ doanh nhân là một trong những trọng tâm chiến lược. Trong những năm qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu về quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu cá nhân và gọi vốn. Chúng tôi cũng kết nối doanh nghiệp nữ với mạng lưới thương mại quốc tế, đặc biệt thông qua các diễn đàn với EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đồng thời, chúng tôi cũng đang tích cực phối hợp cùng các tổ chức phát triển để xây dựng khung chính sách thúc đẩy doanh nghiệp nữ và lồng ghép giới vào các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
+ Bà kỳ vọng nữ doanh nhân Việt Nam sẽ đóng vai trò như thế nào trong kỷ nguyên mới của nền kinh tế, đóng góp vào những mục tiêu phát triển bền vững của đất nước?
Bà Bùi Thị Ninh: Tôi tin rằng, trong kỷ nguyên chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, nữ doanh nhân Việt Nam sẽ trở thành những người kiến tạo xu hướng - không chỉ vận hành doanh nghiệp hiệu quả mà còn tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng.
Phụ nữ có tư duy tổng thể, kiên trì, nhạy bén với rủi ro và thường gắn hoạt động kinh doanh với trách nhiệm xã hội. Đây là những phẩm chất đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay - khi doanh nghiệp không chỉ hướng tới lợi nhuận, mà còn phải hài hòa với mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.
Với chính sách đúng đắn và hỗ trợ kịp thời, tôi kỳ vọng cộng đồng nữ doanh nhân sẽ trở thành một động lực quan trọng - góp phần vào tăng trưởng bao trùm và xây dựng một nền kinh tế nhân văn, công bằng và sáng tạo cho Việt Nam.
+ Xin trân trọng cảm ơn bà!