pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ hiệu trưởng một trường đại học Việt Nam trở thành thành viên quốc tế duy nhất trong Ban biên tập Tạp chí Diglossia
PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô, vừa chính thức trở thành thành viên Ban biên tập của tạp chí "Diglossia: Jurnal Kajian Ilmiah Kebahasaan dan Kesusastraan", một tạp chí uy tín về Ngôn ngữ học và Văn học, xuất bản bởi Khoa Kinh doanh, Ngôn ngữ và Giáo dục của Đại học Pesantren Tinggi Darul Ulum Jombang, Indonesia. Tạp chí được phát hành hai kỳ mỗi năm, vào tháng 4 và 9.
Diglossia là tạp chí truy cập mở, cho phép người đọc truy cập miễn phí các bài báo toàn văn theo giấy phép CC BY-NC-SA 4.0 (Giấy phép Creative Commons NonCommercial là giấy phép Creative Commons mà người giữ bản quyền có thể áp dụng cho phương tiện của họ để cấp phép công khai cho bất kỳ ai sử dụng lại phương tiện đó chỉ cho các hoạt động phi thương mại).
"Diglossia" tập trung xuất bản các nghiên cứu mang tính lý thuyết xoay quanh những vấn đề về ngôn ngữ và văn học. Trong lĩnh vực ngôn ngữ học, tạp chí chấp nhận các bản thảo về ngôn ngữ học xã hội, phân tích diễn ngôn, phân tích diễn ngôn phê phán, ngữ dụng học, phong cách học, và dịch thuật.
Đối với văn học, tạp chí đăng tải các nghiên cứu về lịch sử văn học, lý thuyết văn học, phê bình văn học, cùng các phân tích liên quan đến văn bản, phim ảnh và các phương tiện truyền thông khác. Các bài báo có thể được viết bằng tiếng Indonesia hoặc tiếng Anh.
Chia sẻ với PV báo PNVN, PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo cho biết thêm, tại địa chỉ Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội, trường Đại học Thành Đô đã đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại và đưa vào khai thác "Thư viện Khoa học - giáo dục mở", với hơn 300 đầu sách giáo trình mở về ngôn ngữ, khoa học xã hội, kinh doanh - kinh tế, người đọc có thể tải xuống hoặc đọc trực tuyến miễn phí.
"Dự án này có mục tiêu phát triển nền tảng số cho tài nguyên giáo dục mở cho phép các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên của các trường đại học trên toàn quốc và công chúng được chia sẻ, sử dụng chung nguồn tài liệu một cách hợp pháp, không bị giới hạn về thời gian và không gian. Đây là nỗ lực của Trường Đại học Thành Đô trong xây dựng tài nguyên giáo dục mở và chuyển đổi số giáo dục, góp phần thúc đẩy nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Do đó, là thành viên biên tập tạp chí này là để hội nhập quốc tế và thể hiện cam kết của trường trong việc thúc đẩy dự án giáo dục mở", PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô nhấn mạnh.
PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo cũng chia sẻ, các học liệu bằng tiếng Anh, nên cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ về việc dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 tại trường học. Nói xa hơn là chiến lược về phát triển năng lực học tập suốt đời cho người học. Đây là năng lực cốt lõi của người học mà giáo dục cần giúp họ đạt được. Được biết đây là chủ đề được PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo tập trung nghiên cứu, từ luận án tiến sĩ đến các nghiên cứu sau này.
Trường Đại học Thành Đô là trường tiên phong phát triển Dự án giáo dục mở. Trường là thành viên Việt Nam của EASE (Hiệp hội biên tập khoa học châu Âu, được thành lập vào năm 1982, tại Pháp)- được tải tài liệu có bản quyền miễn phí.
Mới đây, trường cũng chính thức trở thành thành viên Việt Nam duy nhất trong mạng lưới Open Education Global (OE Global)- một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế hỗ trợ phát triển và sử dụng giáo dục mở trên toàn cầu.
OE Global hướng đến mục tiêu mở rộng quyền truy cập vào giáo dục, tạo cơ hội cho mọi người trên khắp thế giới tiếp cận và đóng góp; nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận giáo dục; nâng cao thành tích học tập của sinh viên; thúc đẩy hợp tác và chia sẻ thông qua việc đồng sáng tạo, sử dụng, tùy chỉnh, cải tiến và phân phối tài liệu giáo dục; tạo ra những đổi mới trong phương pháp giảng dạy dựa trên văn hóa hợp tác và tương tác trực tuyến; đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác quốc tế cùng văn hóa tham gia toàn cầu về học tập, sáng tạo, chia sẻ và hợp tác.