Nữ kiểm lâm ở Nam Sudan truyền cảm hứng cho phụ nữ

Nhu Thụy
20/03/2022 - 14:40
Nữ kiểm lâm ở Nam Sudan truyền cảm hứng cho phụ nữ

Bibiana Martin cùng các nhân viên kiểm lâm đi tuần tra ở khu bảo tồn Bangangai

Bibiana Martin gia nhập lực lượng kiểm lâm Nam Sudan năm 12 tuổi. 20 năm sau, cô tiếp tục bảo vệ các công viên quốc gia và động vật khỏi nạn săn trộm. Hành trình của cô đã truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ khác.

2 thập niên gắn bó với rừng sâu

Bibiana Martin nhâm nhi ly cà phê buổi sáng bên đống lửa nhỏ tại trạm kiểm lâm ở rìa khu bảo tồn Bangangai, phía Tây Nam đất nước Nam Sudan, gần biên giới với Cộng hòa Trung Phi.

Martin cởi mở và đôi khi hoài niệm về những năm đầu làm kiểm lâm của mình. Cô khó có thể nhớ hết quãng thời gian cô sống và làm việc trong rừng rậm. Người phụ nữ 32 tuổi này đã tham gia bảo vệ các khu rừng ở Nam Sudan kể từ khi cô xin gia nhập lực lượng kiểm lâm năm 12 tuổi vì gia đình không đủ khả năng cho cô đi học.

Martin đã làm việc 3 năm không lương, tự nuôi sống bản thân bằng cách nấu rượu và bán trà ở chợ. Sau đó, cô tham gia khóa huấn luyện kiểm lâm và năm 15 tuổi, Martin được trao một khẩu súng và bắt đầu tuần tra. Ở tuổi 15, cô bắt đầu có lương hàng tháng là 300 USD. Trong vài năm tiếp theo, Martin làm việc tại nhiều tiền đồn ở Tây Equatoria.

Martin được thăng cấp thiếu úy năm 2011, cũng là năm Nam Sudan giành được độc lập. Sau khi cuộc nội chiến 2013-2018 của Nam Sudan chính thức kết thúc, cô là 1 trong 3 nữ sĩ quan bảo vệ động vật hoang dã tại tiền đồn Bangangai.

Martin kết hôn năm 18 tuổi nhưng ly hôn 11 năm sau đó. Vuốt ve má cô con gái nhỏ Victoria, cô cho biết mình không muốn tái hôn mà chỉ toàn tâm toàn ý nuôi dạy các con, để các con có cơ hội phát triển mà cô chưa từng có. Martin đang sống cùng Victoria. Hai mẹ con sống trong một túp lều nhỏ có vườn rau phía trước mà Martin dành nhiều thời gian chăm sóc khi không phải đi tuần.

Vài lần một tháng, Martin đi bộ tuần tra khu bảo tồn cùng với các kiểm lâm khác. Cô thường ngủ trong rừng tới một tuần lễ. Cô sẽ để con gái của mình ở tiền đồn với các kiểm lâm khác trong thời gian cô đi vắng. Hai cô con gái khác của Martin sống với họ hàng ở thị trấn Yambio. Martin có kế hoạch cho Victoria đi học sớm.

Bibiana Martin và con gái Victoria

Bibiana Martin và con gái Victoria

Bangangai có diện tích khoảng 170 km2 và là 1 trong 19 khu bảo tồn ở Nam Sudan. Khu bảo tồn Bangangai là nhà của tinh tinh, mèo vàng châu Phi và nhiều loài động vật quý hiếm khác. Nhiều người đã bỏ trốn hoặc thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài 5 năm. Các công viên quốc gia trở thành nơi sinh sống của các nhóm vũ trang. Bangangai cũng bị tàn phá bởi xung đột năm 2021 khiến khoảng 80.000 người phải di dời và hàng trăm người thiệt mạng do giao tranh giữa chính phủ và lực lượng dân quân theo phe đối lập. Tại đồn kiểm lâm, các nhân viên như Martin cho biết, họ cảm thấy mình đang tạo ra sự khác biệt và cố gắng xây dựng lại những gì đã mất trong những năm tháng chiến tranh.

Đeo súng qua vai đi tuần tra, Martin cùng các đồng nghiệp luồn rừng vượt suối. Các cuộc tuần tra có thể mất vài giờ nếu nhân viên kiểm lâm chỉ đi trong ngày nhưng thông thường, họ đi tuần 5-8 ngày, mang theo lều trại để nghỉ trong rừng. Họ thường đi bộ, không dùng các phương tiện xe cộ. Ngoài việc theo dõi động vật, họ theo dõi các camera cảnh báo những kẻ săn trộm, ngăn chặn hoạt động săn bắn động vật trái phép.

Là một phần công việc của mình, Martin giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng khoảng 3.000 người xung quanh. Cô đã tập hợp các nhà lãnh đạo cộng đồng thành các nhóm và nói về tầm quan trọng của việc bảo tồn công viên quốc gia và không giết hại động vật. Cô kiên quyết bắt giữ những kẻ săn trộm.

Tạo sự khác biệt

Nam Sudan bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Đất nước này đã trải qua 3 năm lũ lụt kinh hoàng, ảnh hưởng đến khoảng 850.000 người và hàng trăm nghìn gia súc đã bị chết. Tuy nhiên, chính phủ nước này dành rất ít ngân sách cho việc bảo tồn. Chỉ khoảng 100 kiểm lâm, với một xe ô tô và không có máy bộ đàm, được giao nhiệm vụ bảo vệ các khu rừng của bang Western Equatoria, nơi phần lớn không có mạng điện thoại. Bảo vệ rừng không phải là ưu tiên của quốc gia đang suy yếu vì chiến tranh như Nam Sudan. Chưa đến 1% ngân sách quốc gia, tương đương 5,8 triệu USD, được phân bổ cho công tác bảo tồn động vật hoang dã.

Trong nội chiến, việc kiểm lâm tuần tra các công viên quốc gia là công việc quá nguy hiểm. Martin và đồng nghiệp tự hào về những gì họ đã làm. Họ vui mừng khi nhìn thấy nhiều động vật hơn trong công viên, một dấu hiệu cho thấy các con vật đang quay trở lại hoặc không chạy trốn. Tuy nhiên, những thách thức và mối đe dọa vẫn tồn tại. Kể từ khi thỏa thuận hòa bình của đất nước được ký kết cách đây hơn 3 năm, nạn săn trộm bên ngoài các khu bảo tồn ngày càng gia tăng vì việc giảm giao tranh đã giúp bọn tội phạm dễ dàng di chuyển và giết động vật hơn. Tình trạng thất nghiệp cũng là nguyên nhân dẫn đến việc giết hại động vật để kiếm tiền.

Các nhân viên kiểm lâm nói rằng, họ không đủ trang thiết bị để giám sát các khu vực rộng lớn xung quanh các công viên. Bất chấp khó khăn, Martin nói rằng cô sẽ tiếp tục công việc, không chỉ vì cô ấy muốn bảo vệ các công viên, mà vì cô ấy hy vọng công việc của mình sẽ truyền cảm hứng cho phụ nữ ở Nam Sudan dám vươn lên. Cô nói: "Thông điệp của tôi gửi tới phụ nữ Nam Sudan là đừng lười biếng, hãy làm bất cứ công việc gì để bắt đầu cuộc sống của mình. Từ đó, họ có thể giúp con cái tiếp cận nền giáo dục đầy đủ hơn, đặc biệt là trẻ em gái".

Nguồn: Theo Al Jazeera
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm