pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ kiến trúc sư vũ trụ đầu tiên của Nga
Kiến trúc sư vũ trụ Galina Balashova
9 bức tranh đi vào lịch sử ngành du hành vũ trụ
Bà Galina Balashova (họ thời con gái là Briukhova) sinh ra trong gia đình yêu thích hội họa và có bác là kiến trúc sư nổi tiếng. Tốt nghiệp trung học, bà Galina thi đỗ vào trường Đại học kiến trúc Moscow, nơi các thầy dạy của bà là học trò của kiến trúc sư kiệt xuất Ivan Zholtovxki.
Năm 1955, sau khi tốt nghiệp đại học, bà được phân về làm việc tại Kuibyshev. Năm 1956, Galina lấy chồng là bạn học cùng lớp, ông Iuri Balashov. Ông làm việc tại Phòng công trình đặc biệt số 1, nghiên cứu lớp giữ nhiệt của các thiết bị hạ cánh của máy bay. Galina cùng chồng chuyển về Kaliningrad và làm việc tại văn phòng kiến trúc sư trưởng. Bà làm công việc sửa chữa các phân xưởng, tòa nhà, kiến thiết thành phố và thiết kế cảnh quan.
Việc phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trái đất, chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ và các thành tựu khác của Liên Xô trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ cần đến mảng thiết kế công nghiệp và đồ họa. Nhu cầu này đã đưa bà Galina Balashova trở thành kiến trúc sư không gian.
Bắt đầu từ năm 1963, cứ vào ngày cuối tuần, bà lại phác thảo nội thất của con tàu Soyuz theo yêu cầu của tổng công trình sư Sergei Korolyov, cha đẻ của chương trình không gian Liên Xô. Tiêu chí được đưa ra là "con tàu phải là một không gian con người có thể sinh sống bình thường". Sau khi được Korolyov phê duyệt phác thảo, trong đó bao gồm cả những bức tranh phong cảnh vẽ trên tường, bà đã vẽ một số tranh màu nước khác.
Năm 1964, bà được bổ nhiệm làm kỹ sư cao cấp trong chương trình khám phá Mặt trăng của Liên Xô với trách nhiệm giám sát và thiết kế nội thất tàu vũ trụ, từ bố cục đến màu sắc, nội thất. Bà thiết kế các bản vẽ minh họa bằng màu nước và bút chì cho các mẫu thiết kế cho các khoang của Soyuz, cho các trạm không gian Salyut và Mir và cho các chương trình Buran đã phục vụ nhiều thế hệ tàu vũ trụ của người Nga đến tận bây giờ. Đã có 9 bức tranh của bà đi vào lịch sử ngành du hành vũ trụ của Liên Xô khi chúng được các kỹ sư và phi hành gia đưa lên các phi thuyền.
Ngoài thiết kế bản vẽ, bà Galina đã cùng các nhà vật liệu học tìm được loại vật liệu sợi tuyết và sợi tổng hợp capron. Chúng mềm mại và giống như "băng keo" hiện nay. Ngoài sự đặc biệt của nguyên liệu làm nội thất tàu vũ trụ, bà Galina còn quan tâm đến màu sắc: Ở trạng thái không trọng lượng, định hướng rất phức tạp, phi hành gia cần nhận biết đâu là trần, đâu là sàn, có nghĩa không nhầm lẫn phía trên và bên dưới.
Bởi vậy, trong tất cả các tàu "Liên hợp", sau này là trạm "Hòa bình", phía bên trên là màu trắng hay vàng, còn sàn màu xanh. Thêm vào đó, màu xanh không làm sai lệch hay có vẻ đen hoặc tối màu khi chụp ảnh, quay phim. Bà không chỉ vẽ nội thất mà còn làm các tính toán công trình phù hợp, thảo luận các cấu hình và kích thước với các công trình sư.
Bị lãng quên trong các dự án tối mật
Trong giai đoạn 1971- 1975, bà Galina đã tham gia xây dựng con tàu "Liên hợp-19" theo chương trình "Liên hợp - Apollo". Bà thiết kế khoang quỹ đạo của "Liên hợp". Bà còn thiết kế gần 40 cờ hiệu dành cho các tàu vũ trụ "Liên hợp", "Tiến bộ", các trạm "Chào mừng-6" "Chào mừng-7", các chuyến bay vũ trụ quốc tế.
Thiết kế của "Liên hợp" đã nhận giải thưởng lớn cho những nhà nghiên cứu vật liệu. Mặc dù vậy, không ai biết về Galina Balashva. Người ta thậm chí không cho phép bà ký vào các dự án. Mặc dù mọi vinh quang bị giành hết nhưng bà Galina nhớ lại: "Công việc rất thú vị và đó là điều tuyệt vời nhất".
Bà tiếp tục làm việc như một kiến trúc sư không gian cho chương trình không gian của Liên Xô cho đến năm 1991. Công việc của bà hầu hết thuộc diện tối mật nên tự nó gần như bị lãng quên ngay cả ở nước Nga. Nước này gần đây mới làm bộ phim về bà mang tên "Kiến trúc sư không gian vũ trụ Galina Balashova".
Ở Đức có một cuốn sách vinh danh bà, mang tựa đề "Galina Balashova: Kiến trúc sư của chương trình không gian của Liên Xô". Kiến trúc sư Philipp Meuser, biên tập viên của cuốn sách này, nhớ lại, khi phát hiện ra các thiết kế tàu vũ trụ của bà Galina năm 2001 trong một bài viết của tạp chí thiết kế của Nga Project Russian, ông đã thực sự choáng ngợp.
"Bà là kiến trúc sư và thiết kế duy nhất tại một trong những dự án bí mật nhất của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Sự phong phú về nghệ thuật khiến bà trở thành bộ óc sáng tạo phía sau chương trình không gian của Liên Xô. Galina Balashova đã mang nhiều cảm xúc vào thế giới công nghệ cao của các tên lửa, trạm thí nghiệm, các thiết bị với khát khao hướng tới cái đẹp và sự hài hòa. Nhờ tài năng của bà, lịch sử kiến trúc được phong phú hơn bởi một hướng mới- kiến trúc vũ trụ học", ông Philipp nhận xét.
Tại Đức, bà còn được trao giải thưởng "Chiếc đinh vàng" và bằng danh dự. Đức còn quyết định phong tặng danh hiệu Thành viên danh dự Câu lạc bộ giám đốc nghệ thuật Đức năm 2015 cho bà. Trên bằng danh dự có ghi: "Tặng cho kiến trúc sư đã đạt được nhiều ngôi sao vinh danh nhất bằng sự sáng tạo của mình".