Nữ nhà báo không ngại hiểm nguy khi tác nghiệp trong mùa dịch Covid-19

Hà Khê
21/04/2020 - 16:22
Nữ nhà báo không ngại hiểm nguy khi tác nghiệp trong mùa dịch Covid-19
Không ngại khó khăn, vất vả, sẵn sàng “xung trận” khi có "lệnh" điều động, họ chính là những “chiến binh” thực sự trên mặt trận thông tin, nhất là thông tin trong mùa dịch Covid-19. Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, các nữ phóng viên, nhà báo đã chia sẻ với PNVN.

"Sự mạnh mẽ, lạc quan của người lính đã truyền cảm hứng cho tôi"

Nhìn vẻ bề ngoài của Hoàng Kim Thược (BTV Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC), ít ai nghĩ rằng chị là một nữ BTV không ngại xông pha, "nay đây mai đó" để kịp thời có những bản tin nóng hổi gửi về cơ quan.

Những ngày đại dịch Covid-19 xảy ra, lúc thì thấy Kim Thược ở Lạng Sơn, đưa tin chống dịch, kiểm dịch ở cửa khẩu, hôm sau lại thấy chị xuất hiện ở Vĩnh Phúc. Chị kể, những ngày đầu tiên dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, chị được giao lên khu vực biên giới Lạng Sơn để ghi hình về công tác kiểm soát người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam và ngược lại.

"Ban đầu tôi cũng hơi đắn đo về việc có nên đi chuyến này hay không vì lên Lạng Sơn thời điểm đó, tôi sẽ phải tiếp xúc với những người từ vùng có dịch về. Thế nhưng, cuối cùng tôi vẫn lựa chọn đi. Chuyến đi ấy thực sự là 1 lựa chọn đúng đắn. Trong những ngày căng thẳng nhất của công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh ở biên giới, tôi đã được đồng hành với những chiến sĩ bộ đội biên phòng. Trong khó khăn mới thấy các chiến sĩ bộ đội vất vả như thế nào. Thời điểm đó, thời tiết ở Lạng Sơn rất lạnh, mưa phùn mà các chiến sĩ phải nằm lều, ngủ rừng để chốt chặn tuyến biên. Thiết bị sưởi ấm chỉ là những bếp củi nhỏ nhưng họ vẫn vui vẻ, lạc quan thực hiện nhiệm vụ. Sự lạc quan, mạnh mẽ của những người lính thực sự đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều", Kim Thược nhớ lại.

Nữ nhà báo không ngại hiểm nguy khi tác nghiệp trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 1.

BTV Hoàng Kim Thược và đồng nghiệp trong một lần tác nghiệp tại Sơn La

Nữ BTV này cũng chia sẻ, việc quan trọng nhất của tác nghiệp không phải là làm mọi cách để có tin bài mà phải làm thế nào để bảo vệ bản thân mình không bị lây nhiễm. Là phóng viên, khi lây nhiễm thì nguy cơ lây chéo sang nhiều người rất cao vì phóng viên sẽ gặp nhiều người và đến nhiều địa phương. "Khó khăn là việc chúng tôi phải làm thế nào để vừa an toàn nhưng vẫn đảm bảo việc có tin bài cho khung sóng. Thay bằng đi phỏng vấn trực tiếp, chúng tôi đã phải ghi hình qua zalo, skype...

"Rất may Đài VTC hưởng ứng tất cả những sáng tạo tác nghiệp của phóng viên, BTV. Ngoài ra cũng trang bị từ đầu đến chân cho phóng viên, từ nước rửa tay, đồ bảo hộ đến khẩu trang....", BTV Kim Thược chia sẻ.

"Mong... thất nghiệp khi đưa tin về COVID-19"

Phóng viên Bảo Loan - Báo Gia đình & Xã hội chia sẻ: "Kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu lây nhiễm tại Việt Nam, đến nay, tôi đã có nhiều lần vào ổ dịch để đưa thông tin đến cho bạn đọc. Nói thật là dù đã có một khoảng thời gian dài làm báo nhưng chưa khi nào, tôi lại mong "thất nghiệp" trong một sự kiện có ảnh hưởng lớn như thế này.

Bởi lẽ, dịch COVID-19 xuất hiện là điều chẳng ai mong muốn, thậm chí, từng ngày, từng giờ, từng phút mọi người đều mong hết dịch. Là những phóng viên tác nghiệp ở tuyến đầu, chúng tôi luôn ý thức được việc phải đưa những thông tin nhanh nhất, chính xác nhất đến với người dân.

PV Bảo Loan.

PV Bảo Loan

Từng có cơ hội tác nghiệp ở các điểm nóng về dịch như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, ổ dịch Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), ổ dịch Hạ Lôi (huyện Mê Linh, Hà Nội), chúng tôi hiểu sự vất vả của đội ngũ y bác sĩ đang ngày đêm tìm cách khống chế dịch bệnh và sự mong chờ được ra viện của bệnh nhân như thế nào. Ngay từ khi Việt Nam có một vài ca nhiễm COVID-19, tôi được Ban biên tập phân công phối hợp với Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng - Bộ Y tế để thực hiện các video tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của ngành Y tế Việt Nam.

Là một trong những cơ quan báo chí của Bộ Y tế, Báo Gia đình và Xã hội gần như huy động tất cả các phòng ban vào chuẩn bị công tác đưa tin về dịch bệnh. Trong khi những thông tin về lây nhiễm đang khiến người dân lo lắng, thậm chí là hoảng sợ, thì tôi và một số phóng viên của Báo "nhận lệnh" phải liên hệ với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) để ghi nhận công tác sàng lọc, thu dung, tiếp nhận bệnh nhân tại đây. Nói thực là khi nhận được "lệnh" này, mặc dù có chút lo lắng nhưng chúng tôi lại cảm thấy được vai trò, trách nhiệm quan trọng của những người đưa tin về dịch bệnh ở tuyến đầu.

Tác nghiệp ở khu Cấp cứu của Bệnh viện, mặc dù sử dụng khẩu trang, đồ bảo hộ trong suốt quá trình tác nghiệp nhưng khu sảnh này có 3-4 giường bệnh, nhiều bệnh nhân nhiễm bệnh ho khù khụ khiến chúng tôi không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, nhìn sự vất vả của đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, chúng tôi mới thấy được những lo lắng của bản thân chẳng thấm vào đâu.

Trong thời gian đưa tin về sự kiện dịch bệnh COVID-19, trong túi xách, balo của chúng tôi không bao giờ thiếu khẩu trang hay các hộp gel sát khuẩn. Để hạn chế tiếp xúc, ngoài các sự kiện quan trọng phải có mặt ở các điểm dịch, hoặc phỏng vấn các chuyên gia y tế, gần như công việc chúng tôi đều xử lý online hoặc tự cách ly nếu có nghi ngờ tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Chẳng hạn như lần cùng đoàn của Bộ Y tế về ổ dịch Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) để ghi nhận một số ca khỏi COVID-19, chúng tôi phải tiếp xúc với bệnh nhân để phỏng vấn tại phòng cách ly. Tất nhiên, trước đó thì chúng tôi phải được đội ngũ các y bác sĩ sắp xếp, chuẩn bị công cụ bảo hộ rất cẩn trọng, bởi sự an toàn cho bản thân và cộng đồng phải đặt lên trên hết. Ngay khi ở đây về, bản thân tôi cũng như cơ quan đã yêu cầu mình tự cách ly 14 ngày tại nhà.

Thời điểm có thông tin 1 nữ phóng viên bị nhiễm COVID-19 trong quá trình tác nghiệp càng khiến những phóng viên như chúng tôi lo lắng, thậm chí là sẵn sàng mọi tình huống xấu nhất xảy đến với mình. Tuy nhiên, là người được tiếp cận nhiều chiều, tôi tin tưởng vào ngành Y tế Việt Nam sẽ vượt qua được dịch bệnh này. Trong công việc nào cũng vậy, tôi luôn quan niệm là khó tránh khỏi rủi ro nhưng điều mà tôi trăn trở hơn cả là làm sao để phải đưa tin nhanh nhất, chính xác nhất. Bởi thời điểm này, có quá nhiều fake news (tin giả) đưa các thông tin về ca bệnh tử vong gây hoang mang trong dư luận.

Là những phóng viên góp sức nhỏ bé vào công tác tuyên truyền về phóng chống dịch COVID-19, nói thật, chúng tôi ngày nào cũng chìm trong tâm trạng lo lắng, hồi hộp là không biết ngày mai rồi sẽ có bao nhiêu ca dương tính, bao nhiêu ca khỏi bệnh. Biết rằng, dịch bệnh chưa thể hết trong một vài ngày tới nhưng với bản thân tôi, có lẽ cũng như tất cả mọi người dân, hy vọng Việt Nam sẽ sớm hết dịch COVID-19".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm