Nữ nhà văn Dương Thụy nơi góc phố hoa lệ

11/12/2016 - 10:00
Sáng Chủ nhật, được ngồi trên một chiếc ghế từ quán cà phê Givral thời còn chưa bị dịch chuyển hay cà phê trong khách sạn Caravell, nhìn ra khoảng 'trung tâm của trung tâm' Sài Gòn, thấy đời mới bình yên làm sao!

Chốn thiên đường thời thơ ấu

Với nhiều người dân nhập cư Sài Gòn, góc phố trung tâm thành phố là niềm ước mơ về một đô thị hiện đại. Nhưng riêng với cây viết du ký trời Âu số 1 của NXB Trẻ TPHCM - nhà văn Dương Thụy - thì lại có rất nhiều tiếc nuối. Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, khu trung tâm thành phố là nơi vô cùng thân quen với Dương Thụy.

d.jpg

Ngày trước, mẹ thường chở Dương Thụy và anh trai ra “Cửa hàng thiếu nhi” để xem bánh kẹo, đồ chơi, dụng cụ học tập, dù ngày đó hàng hóa rất nghèo nàn. Sau khi mua món đồ bé mọn nào đó, 3 mẹ con lại ăn kem ở tầng dưới trong khung cảnh hỗn độn vì sự tranh giành mua kem theo cơ chế bao cấp. Bây giờ, cái chốn thiên đường trẻ thơ đó là Thương xá Tax rộng rãi, sang trọng với nhiều nhãn hàng nổi tiếng quốc tế.

Đối diện Thương xá Tax là hành lang Eden mà hiện tại là tòa nhà Vincom A. Thời còn hành lang Eden, cũng như nhiều người khác, Dương Thụy thường mua tạp chí nước ngoài ở 1 quầy báo. Tạp chí thì đã cũ rồi, khách du lịch coi chán xong bán lại nhưng vẫn có nhiều người thích mua. Dương Thụy mua mấy cuốn Paris Match, Reader’s Digest, Le Point… đem về cho ba. Hai cha con chia nhau cùng đọc, cảm thấy rất ấm áp và thú vị. Giờ thì tòa nhà hiện đại đã “ổn định”. Với vốn kiến thức đi Đông đi Tây khắp 4 phương 8 hướng trong suốt quãng đời tuổi trẻ, Dương Thụy thấy toà nhà mới này khó chịu quá. “Gần đây, tôi đưa mấy người bạn Pháp ra khu trung tâm này chơi, nghe họ nhăn mặt chê toà nhà Á không ra Á, Âu chẳng thành Âu mà mắc cỡ vô cùng”, Dương Thụy kể.

c.jpg

Người viết có quen nhiếp ảnh gia Hồng Nga, 1 tay máy trong nhóm Hải Âu nổi danh về chụp hình nghệ thuật ở Sài Gòn. Trước đây chị ở trên chung cư Eden nhìn xuống đường Nguyễn Huệ. Mỗi khi rủ đi cà phê, chị lười hết chỗ nói, toàn bắt tôi chạy xe qua nhà chở đi. Vì ỉ thế nhà ở giữa trung tâm Sài Gòn. Sau khi người ta tới thương lượng để được đền bù giải tỏa, chị Hồng Nga mua được 1 căn chung cư mới ở bên quận 8. Cũng từ đó, không thấy chị í ới tôi qua đón để đi chơi nữa. Ở trung tâm Sài Gòn, có “cái thế” quan trọng là vậy. Chuyển chỗ khác rồi, cũng loay hoay với kẹt xe và ngập nước giống thiên hạ thôi. 

Hồn phố

Dương Thụy thuộc thế hệ giữa 7x - chưa phải quá già để cổ hủ chê bai những công trình mới - thế nhưng rõ là bộ mặt khu Trung tâm Sài Gòn đã bị thay đổi 1 cách quá khác biệt. Từng đi nhiều thành phố trên giới, Dương Thụy cho rằng, hồn phố mới là giá trị trường tồn để lòng người yêu quý. Paris, London, Rome… đã bảo tồn qua 2 cuộc chiến tranh thế giới, không cho cuộc sống hiện đại phá huỷ những công trình kiến trúc cổ. Những quán cà phê, những tiệm sách cũ, thậm chí là những nghĩa trang, dù nằm ngay trung tâm đắt đỏ, vẫn được duy trì.

a.jpg
b.jpg
Dù đi nhiều nơi trên thế giới, nhà văn Dương Thụy vẫn nhớ về góc phố thân quen ở trung tâm Sài Gòn.

Đã có nhiều người Sài Gòn thương nhớ quán Givral khi hành lang Eden và quán này bị đập bỏ. Sau đó Givral có mở cửa trở lại nhưng thật sự, hồn quán cũ đã phiêu diêu miền cực lạc. “View” đẹp nhất của Givral ra góc phố “vàng” đã trở thành bốt điện nước của cả toà nhà Vincom A. Nhà thơ Đỗ Trung Quân hôm dự ra mắt khai trương quán cà phê nổi tiếng này đã phải ngậm ngùi tiếc nuối. Anh đề xuất công ty quản lý nên trao đổi với Vincom để lấy lại view tuyệt đẹp của Sài Gòn.

Nhưng không vì thế mà bánh ngọt của quán cà phê Givral bị khách chê, hay những chiếc ghế “biểu tình” trống trơn. Mà ngược lại. Người Sài Gòn vốn dĩ dễ chịu và phóng khoáng, nên bất cứ ngày nào trong tuần và bất cứ giờ nào trong ngày, quán cà phê này cũng đông nghẹt khách.

Cho đến 1 ngày, không rõ, Givral café đã không còn hiện diện ở góc phố này nữa.

Nếu lên lầu 9 của khách sạn Caravell để nhìn xuống, góc phố trung tâm này mang 1 vẻ khác lạ, hơi mơ màng mỗi khi chiều xuống vào dịp gần Giáng sinh, thực ra là bởi… khói xe kết hợp với sương hoàng hôn. Nhưng dù sao, thì cũng nên nhìn thành phố ở khía cạnh tích cực nhất, vì Sài Gòn là nơi đã rộng vòng tay đón nhận bất cứ 1 công dân ưu tú nào.

Nếu bạn có dịp đi ngang qua Nhà hát thành phố vào sáng Chủ nhật, nên dừng xe lại để thưởng thức ban nhạc chơi kèn, hoặc cả dàn nhạc giao hưởng. Nhà văn Dương Thụy bảo, cô từng đến thưởng thức âm nhạc ở đây, cũng thấy vui vui, nhưng thiệt tình nhạc thính phòng được chơi ở ngoài trời thì không đúng kiểu lắm.

Song, những điều chưa vừa ý cả du khách trong nước lẫn nước ngoài cũng không thể thay thế được sự thật: Đây vẫn là góc phố đẹp và có giá trị nhất của Sài Gòn, cả nghĩa đen và nghĩa bóng! 

  • GUIDE "BỎ TÚI"

    • Góc phố “trung tâm của trung tâm” Sài Gòn nằm ở giao lộ Đồng Khởi - Lê Lợi; Nguyễn Huệ - Lê Lợi.
    • Nơi đây có khách sạn Caravell nổi tiếng - bối cảnh để các nhà làm phim lừng danh thế giới tái hiện lại cảnh thời chiến trước năm 1975 trong bộ phim “Người Mỹ trầm lặng”.
    • Nhà hát thành phố và khách sạn Continental kế bên giữ đúng kiến trúc Pháp cổ xưa với phong cách rất tao nhã và sang trọng.
    • Toà nhà Eden và Thương xá Tax cũng được xây cùng kiến trúc Pháp xưa kia, tạo thành 1 quần thể kiến trúc đẹp. Tuy nhiên hiện nay Eden đã bị đập bỏ, thay vào đó là toà nhà Vincom A.
    • Trên vỉa hè nơi này thường bán sách và tạp chí nước ngoài, được giới mê sách rất thích.
    • Những thương hiệu thời trang nổi tiếng hàng đầu thế giới cũng tập trung trong khu vực này.
    • Những ngày lễ, Tết, khu vực này được trang hoàng đặc biệt bởi đèn hoa và các tranh, ảnh chụp phong cảnh, cuộc sống của người Sài Gòn.
    • Khu này ít chỗ đậu xe hơi và bãi để xe gắn máy, do vậy, bạn cần gửi xe ở các con đường kế bên hay trong bãi đậu xe ngầm dưới tầng hầm toà nhà Vincom A và Vincom.

Đón đọc bài tiếp theo: Nhạc sĩ Quốc Bảo - Mùi tuổi dại trên phố

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm