Nữ phạm nhân dự tính học thạc sĩ để ‘Khởi nghiệp chắp cánh tương lai’

10/07/2018 - 10:29
“Tôi vào đây khiến gia đình và người thân thất vọng nhưng họ vẫn động viên an ủi tôi cố gắng. Tôi tự nói với bản thân phải cải tạo thật tốt để sớm trở về làm lại cuộc đời. Tôi đã lên kế hoạch sẽ đi học thạc sỹ để nâng cao kiến thức khi hết thời gian thi hành án”, phạm nhân Hoàng Mai chia sẻ những dự định cho tương lai.
Đại biểu tham dự sự kiện.
 

Chiều 9/7/2018, tại Trại giam Tống Lê Chân (huyện Hớn Quản, Bình Phước), T.Ư Hội LHPN VN đã phối hợp Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) – Bộ Công an tổ chức sự kiện truyền thông “Khởi nghiệp chắp cánh tương lai” cho gần 400 phạm nhân nữ sắp chấp hành xong án phạt tù tại đây và chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng đang thi hành án tại trại giam này.

Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Tuyết nhấn mạnh: “Hiện nay trên cả nước cứ 10 doanh nhân thì có đến 2-3 người là phụ nữ. Trước khi có được những thành công đó, họ cũng đã phải nung nấu nhiều ý tưởng khởi nghiệp và nếm trải không ít thất bại. Trong chương trình hôm nay, chị em sẽ được thấy rất nhiều phụ nữ chấp hành án trở về đã bước đi vững chắc trên con đường kinh doanh. Qua đây, chúng tôi muốn nhắn gửi đến các chị em không bao giờ là quá muộn. Nếu chị em chịu khó suy nghĩ và lên kế hoạch khởi nghiệp càng sớm bao nhiêu thì khi trở về với cộng đồng chị em càng có nhiều cơ hội để biến kế hoạch đó thành hiện thực. Chị em cần biết vượt lên chính mình, vượt qua những rào cản, định kiến của xã hội để không mắc lại những sai lầm cũ, trở thành một người phụ nữ lương thiện”.

 Trong chương trình “Khởi nghiệp chắp cánh tương lai”, các phạm nhân nữ đã được tham gia xử lý những tình huống khởi nghiệp cụ thể, thiết thực như: Đối phó như thế nào khi bị rủ vào con đường buôn bán ma túy cũ? Làm gì khi chồng bất mãn, tự ti, bỏ nghề, bê tha rượu chè hoặc bỏ đi lập gia đình mới?... Các tình huống trên giúp phạm nhân nữ phần nào hình dung được những thử thách, khó khăn có thể xảy ra khi tái hòa nhập xã hội. Đặc biệt, chị em được hướng dẫn các bước bài bản về xây dựng ý tưởng khởi nghiệp và triển khai sao cho hiệu quả, thành công. Không chỉ vậy, tất cả phạm nhân nữ đều được tặng một cuốn sổ tay hướng dẫn chi tiết các bước khởi nghiệp, từ ý tưởng đến triển khai thực hiện kế hoạch trên thực tế.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, chia sẻ về những hoạt động của Hội LHPNVN đã và đang triển khai để hỗ trợ nữ phạm nhân khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh khi tái hòa nhập cộng đồng.
 

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyết cho biết thêm, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống; chú trọng tuyên truyền việc phát huy vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Hội LHPN Việt Nam cũng đề nghị Bộ Công an và các ngành chức năng tích cực triển khai các chương trình phòng chống tội phạm, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ hoàn lương phát triển kinh tế và khởi nghiệp. Song song đó, các chị em phạm nhân cần tiếp tục học tập, rèn luyện thật tốt để có những định hướng đúng, tìm cho mình một con đường tương lai tốt đẹp.

Tham gia sự kiện, Hoàng Mai, phạm nhân có tuổi đời còn khá trẻ đến từ một tỉnh phía Nam, chia sẻ: “Tôi vào đây chấp hành án từ năm 2011 vì tội lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. Gia đình tôi đều là những người có học thức và công ăn việc làm ổn định. Khi tôi bị bắt, ai cũng sốc và không thể chấp nhận những sai lầm tôi đã gây ra. Tuy nhiên, mẹ tôi đã bao dung và khuyên bảo các anh chị em trong gia đình bỏ qua và động viên tôi cố gắng cải tạo tốt. Tôi thật sự rất ân hận về những hành vi trong quá khứ của mình. Chỉ còn 6 tháng nữa tôi được về nhà, tôi dự định sẽ tiếp tục học lên thạc sĩ để tìm một công việc phù hợp với chuyên môn đã được học”.
 

Tuy nhiên, Hoàng Mai cho biết trước khi tham gia chương trình này, cô luôn lo ngại về lí lịch mang án tích của mình khi hòa nhập xã hội. “Tôi không biết có công ty hoặc doanh nghiệp nào chịu đón nhận người có tiền án như mình hay không. Tôi biết không phải dễ dàng để người ta vượt qua những định kiến xã hội", Mai tâm sự.

Hoàng Mai cho biết, qua chương trình "Khởi nghiệp chắp cánh ước mơ" này cô cảm thấy tự tin hơn cho những dự tính trong tương lai của mình. "Qua chương trình khởi nghiệp này tôi thấy các chị từng có quá khứ lầm lỡ như mình hoàn lương và được gia đình, cộng đồng đón nhận. Điều đó giúp tôi tự tin hơn”, Mai nói.

Phát biểu tại sự kiện, Đại tá Ngô Đức Hưng, Phó Cục trưởng Cục Giáo dục và Cải tạo và Hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng chia sẻ và động viên chị em phạm nhân cố gắng cải tạo tốt, sớm trở về với cộng đồng trở thành người có ích cho xã hội.

Đại tá Ngô Đức Hưng, Phó Cục trưởng Cục Giáo dục và Cải tạo và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

“Một người đàn ông sai lầm làm lại cuộc đời khó 1 lần thì phụ nữ khó gấp 10, gấp 100 lần. Tuy nhiên, tôi đã gặp rất nhiều nữ phạm nhân hoàn lương và trở thành những doanh nhân thành công, cống hiến tích cực cho xã hội. Trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng, các chị có thể liên hệ những cơ quan ban ngành địa phương giúp đỡ, hỗ trợ khi gặp khó khăn. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng cứu một người đàn ông được một người đàn ông, cứu giúp một người phụ nữ chúng ta được một gia đình”, Đại tá Hưng cho biết.

* Tên phạm nhân đã được thay đổi

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm