pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM chia sẻ về giải pháp với du lịch thời dịch Covid-19
+ Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đã thiệt hại 7 tỷ USD. Còn với du lịch TPHCM, tình hình thiệt hại như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa: Hiện nay có sự sụt giảm về cả số lượng khách du lịch quốc tế, trong nước và sụt giảm cả về doanh thu. Cụ thể, lượng khách quốc tế đến TPHCM trong tháng 2/2020 ước đạt 346.650 lượt khách, giảm 52% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 2 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến TPHCM, ước đạt 1.186.750 lượt, giảm 21,71% so với cùng kỳ (cùng kỳ 1.515.852 lượt), đạt 13,19% kế hoạch năm 2020.
Doanh thu du lịch tháng 2/2020 ước đạt 8.100 tỷ đồng, giảm 29,94 % so với cùng kỳ năm 2019, giảm 37% so với tháng 1; doanh thu du lịch trong 2 tháng đầu năm 2020 ước đạt 21.127 tỷ đồng giảm 10,7% (cùng kỳ 23.660 tỷ đồng), đạt 15% kế hoạch năm 2020.
+ Trong bối cảnh mùa dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, du lịch TPHCM hướng đến du lịch an toàn. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn?
Trước hết, ngành du lịch TPHCM luôn quán triệt đẩy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như chính quyền thành phố về phòng chống dịch bệnh. Quá trình triển khai các chủ trương, chính sách này được thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ, có sáng tạo.
Không chỉ các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, vận tải, các điểm đến… cũng ý thức được tình hình hiện nay và đều thực hiện nghiêm chỉnh các quy định, chính sách đã đề ra. Khi sự cố xảy ra, ngành du lịch phải có giải pháp cụ thể để xử lý. Ví dụ, đối với các điểm đến, khi du khách đến, họ phải khéo léo lấy thông tin của khách ngay từ lúc đầu, bố trí nước rửa tay ngay tại bàn lễ tân, khử trùng thường xuyên, nhất là ở những vị trí thường xuyên có sự tiếp xúc như bàn lễ tân, nút bấm thang máy… Khi khách rời đi, các biện pháp khử trùng cũng phải được thực hiện nghiêm túc.
Hay như với những doanh nghiệp lữ hành, các hướng dẫn viên cũng phải có trách nhiệm theo dõi tình hình sức khỏe của du khách, đồng thời hướng dẫn viên cũng phải nghiêm túc trong việc phòng chống dịch và đặc biệt, không được đón khách đến từ vùng dịch.
Sắp tới, Sở du lịch TPHCM sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức buổi tọa đàm "Du lịch làm sao cho an toàn". Hiện nay, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang thực hiện tốt quá trình phòng chống dịch Covid-19 và chúng ta sẽ tiếp tục làm tốt công tác này trong thời gian tới để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, trong đó có du khách.
Ngoài ra, không chỉ khiến du khách an tâm về mặt tâm lý, vấn đề pháp lý cũng rất quan trọng. Sở Du lịch TPHCM sẽ mời những luật sư đầu ngành để hỗ trợ, giải quyết các vấn đề tranh chấp hợp đồng, hủy tour… cả trong nước lẫn liên quốc gia, làm sao cho đúng thông lệ của luật quốc tế, đúng pháp luật của Việt Nam và hài hòa lợi ích giữa các bên.
+ Giảm giá tour du lịch, giá phòng… cũng là giải pháp hợp lý để hút khách du lịch. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, việc giảm giá sâu sẽ "làm khó" cho doanh nghiệp nếu muốn tăng giá trở lại như cũ khi đã hết dịch Covid-19 hoàn toàn. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Mỗi doanh nghiệp đều có một chiến lược phát triển sản phẩm, phát triển thị trường của họ. Thời điểm hiện nay, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp có thể tái cơ cấu, tăng cường sự liên kết, liên minh, cắt giảm những khâu trung gian, giảm giá thành sản phẩm, nâng sức cạnh tranh. Nhưng tất cả đều hoàn toàn tự nguyện, nếu doanh nghiệp thấy được lợi ích của mình khi tham gia liên minh thì họ sẽ tham gia. Khi ấy, các doanh nghiệp vận chuyển (hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ), các khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan du lịch, các doanh nghiệp lữ hành sẽ có những gói sản phẩm kích cầu, với giá tour cạnh tranh nhưng chất lượng.
+ TPHCM luôn đóng vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, trong đó có du lịch. Thời gian tới, đâu là những vấn đề trọng tâm mà du lịch TPHCM hướng đến?
Du lịch TPHCM hướng đến trong thời gian tới là trở thành đô thị du lịch sống động hàng đầu Châu Á, nơi du khách được trải nghiệm những giá trị khác biệt của di sản văn hoá, lối sống trong một thành phố thông minh, mang đến sự hứng khởi và cảm xúc trên mỗi hành trình"; với hình ảnh một điểm đến du lịch Sống động (Vibrant Ho Chi Minh City), "Sống động từng con phố, từng con người" (Vibrant everywhere, evryone), mang 5 giá trị bản sắc thương hiệu: Hướng về tương lai - futuristic, Cởi mở - open, Trẻ trung - youthful, Sắc màu - colorful và Hứng khởi - exciting.
Một vấn đề trọng tâm nữa mà du lịch TPHCM rất quan tâm là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Du khách có hài lòng hay không chính là bởi nhân tố này. Ngay trong năm nay, chúng tôi đang xây dựng đề án để TPHCM trở thành trung tâm đào tạo chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam cũng như trong khu vực.
Vấn đề quảng bá xúc tiến cũng rất quan trọng. Chúng tôi xác định vấn đề quảng bá phải được thực hiện đều cả ở thị trường quốc tế lẫn nội địa. Không chỉ khách nước ngoài mà lượng khách trong nước cũng đóng vai trò rất quan trọng. Khả năng chi tiêu của khách Việt rất cao, chúng ta phải có những sản phẩm phù hợp để thu hút khách nội địa.
Đối với khách nước ngoài, chúng ta không chỉ chăm chăm quan tâm đến thị trường trọng điểm mà phải quan tâm đến những thị trường tiềm năng để chúng ta bọc lót. Ví dụ, từ trước đến giờ, thị trường Bắc Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn luôn đứng đầu. Với TPHCM, đây là thị trường trọng điểm nhưng chúng tôi vẫn có thị trường tiềm năng. Khi thị trường trọng điểm có sự khủng hoảng như vừa rồi (vì dịch Covid-19 - PV) thì chúng ta vẫn có thị trường tiềm năng như Ấn Độ.
+ Nhân dịp Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, xin chúc bà sức khỏe và thành công trong cuộc sống. Xin bà có thể chia sẻ một chút về bản thân, tình yêu gắn bó với ngành du lịch?
Tháng 12/2015, tôi được phân công làm Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM. Tôi cho rằng, trong công việc, không chỉ có kiến thức, chuyên môn, tinh thần trách nhiệm mà mình phải có tình yêu, niềm đam mê và sự kiên trì. Tôi đến với ngành du lịch với suy nghĩ như vậy và luôn mong muốn được thực hiện những vấn đề mình trăn trở, kỳ vọng, ước mong.
+ Đảm trách vai trò Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, công việc rất bận bịu, bà có thể chia sẻ bí quyết làm sao có thể kết hợp hài hòa giữa công việc và cuộc sống riêng?
Trong cuộc sống, tôi luôn coi gia đình là trên hết. Theo quan điểm của tôi, gia đình và công việc đều rất quan trọng nhưng điều quan trọng hơn là cả hai phải là động lực, hỗ trợ lẫn nhau. Có như vậy, mình mới có thể vui vẻ, hạnh phúc trong cuộc sống, hoàn thành tốt công việc của mình.
+ Xin chân thành cảm ơn bà!